Học viện Kỹ thuật quân sự là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, có nhiệm vụ: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học, công nghệ quân sự Việt Nam. Để thực hiện những nhiệm vụ trên, công tác bảo đảm hậu cần giữ vai trò rất quan trọng, là một trong những động lực và giải pháp căn bản để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện Kỹ thuật quân sự.
 |
Nhân viên bếp ăn chuẩn bị bữa ăn cho bộ đội. |
Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ được giao, trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của Học viện Kỹ thuật quân sự, công tác hậu cần luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc và các cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị toàn học viện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Ngay từ khi thành lập Phân hiệu II- Đại học Bách khoa Hà Nội (tiền thân của Học viện Kỹ thuật quân sự) và chuẩn bị cho khai giảng khóa đào tạo đầu tiên (28-10-1966), công tác hậu cần đã được nhà trường quan tâm đặc biệt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường Đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự) phải di chuyển, sơ tán, đóng quân ở nhiều vị trí khác nhau.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước và những năm đầu thời kỳ đổi mới, đất nước ta khủng hoảng về kinh tế trầm trọng, ngân sách và vật chất hậu cần cho quân đội thiếu thốn, song cán bộ, nhân viên ngành hậu cần học viện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần phục vụ công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
 |
Vibot tự động mang suất ăn cho bệnh nhân Covid-19 do Học viện Kỹ thuật quân sự nghiên cứu chế tạo.
|
Từ năm 2013 trở lại đây, Học viện Kỹ thuật quân sự được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng và phát triển theo mô hình trường đại học nghiên cứu. Đại tá Hồ Quang Huy, Chủ nhiệm Hậu cần Học viện Kỹ thuật quân sự cho biết: "Để phục vụ các mục tiêu phát triển học viện, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự xác định, xây dựng tiềm lực hậu cần là một trong những nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của học viện.
Trên cơ sở Chỉ lệnh công tác hậu cần hằng năm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, kế hoạch, hướng dẫn của Tổng cục Hậu cần, Phòng Hậu cần đã tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc học viện ra nghị quyết lãnh đạo và chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác hậu cần; xây dựng và ban hành Kế hoạch số 1287/KH-HC về thực hiện Nghị quyết 623, xác định rõ lộ trình, chủ trương, mục tiêu, biện pháp thực hiện cụ thể, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của học viện và các cơ quan, đơn vị.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chỉ huy cơ quan, đơn vị quán triệt nghiêm và cụ thể hóa các nội dung công tác hậu cần vào nghị quyết lãnh đạo ở cấp mình. Hằng năm, công tác hậu cần được học viện rà soát, bổ sung, xác định chỉ tiêu và tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 623 vào nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ toàn năm học, từng học kỳ trong học viện".
 |
Nhân viên quân y hội thao nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. |
Để bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện chủ động lãnh đạo, chỉ đạo ngành hậu cần đổi mới phương thức bảo đảm hậu cần gắn với đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong quân đội; triển khai chuyển đổi phương thức bảo đảm hậu cần từ 1 cấp thành hậu cần 2 cấp. Nhờ đó, công tác bảo đảm hậu cần có sự chuyển biến tiến bộ mang tính đột phá, nhất là trong các ngành quân nhu, quân y, doanh trại...
Từ năm 2011, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội của Bộ Quốc phòng, học viện tổ chức các bếp ăn xã hội hóa đúng quy định. Đến tháng 8-2020, khi có chủ trương dừng xã hội hóa công tác nuôi dưỡng bộ đội, học viện đã kịp thời kiện toàn lại các bếp ăn truyền thống từ tháng 9-2020. Đồng thời, học viện tổ chức đào tạo nguồn nhân lực; bồi dưỡng kỹ thuật chế biến để bữa ăn bộ đội đủ định lượng, chất lượng, an toàn tuyệt đối vệ sinh thực phẩm.
Học viện còn tổ chức các nhà ăn kết hợp dịch vụ ăn uống theo mô hình tự chọn, tự phục vụ với giá cả, khẩu phần ăn phù hợp. Nhằm chủ động nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn, học viện đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng khu nuôi trồng, chế biến tập trung tại Hòa Lạc (Hà Nội). Đến nay, sản phẩm tăng gia sản xuất đã đáp ứng được 90% về thịt gia súc, gia cầm; 65% nhu cầu rau xanh, góp phần chủ động điều tiết về giá cả.
 |
Cán bộ hậu cần hướng dẫn học viên nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm trong diễn tập. |
Là trung tâm đào tạo lớn của quân đội, có nhiều đối tượng đào tạo, nên ngành hậu cần đã triển khai nhiều biện pháp, đổi mới phương thức bảo đảm quân trang, như khai thác nguồn để cấp cho học viên nhập học; phối hợp cùng đơn vị rà soát, nắm chắc tiêu chuẩn, chế độ của học viên từ đơn vị về đào đào tạo, nghiên cứu tại học viện; lập kế hoạch và tổ chức may đo cho cán bộ đúng quy định.
Cùng với đó, Phòng Hậu cần phối hợp với các khoa, cơ quan của học viện xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn kiện và thực hành bảo đảm hậu cần phục vụ diễn tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu và diễn tập cuối khóa của cán bộ, học viên, góp phần nâng cao năng lực tham mưu, điều hành của cán bộ, nhân viên. Các mặt công tác doanh trại, xăng dầu, vận tải đều được quan tâm đổi mới phương thức bảo đảm, nâng cao chất lượng công tác, tiết kiệm, an toàn mọi mặt về phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông.
Riêng trong công tác doanh trại, ngoài chủ động các biện pháp bảo đảm điện, nước, doanh cụ, Phòng Hậu cần tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc học viện lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện, giám sát các dự án xây dựng cơ bản; tổ chức sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng và doanh trại hiện có. Đảng ủy học viện đã ban hành Quy chế số 1416/QCĐU trong lãnh đạo công tác xây dựng cơ bản; thành lập các tổ giám sát, có vai trò như giám sát nhân dân, cùng với Ban quản lý dự án, giám sát công trình, chủ đầu tư giám sát, theo dõi, đôn đốc để dự án hoàn thành đúng tiến độ, công trình bảo đảm chất lượng..
 |
Cấp phát quân trang cho học viên nhập học.
|
Từ năm 2020 đến nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, Đảng ủy, Ban giám đốc học viện đã kịp thời ra các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, chủ động, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn, đáp ứng với từng cấp độ dịch; tiến hành tiêm vắc xin cho các đối tượng toàn học viện đúng quy định. Học viện ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào các hoạt động công tác hậu cần, như các phần mềm quản lý sức khỏe cán bộ, nhân viên; thiết kế, chế tạo các máy, rô bốt để phục vụ phòng chống dịch.
 |
Khu tăng gia sản xuất tập trung của học viện. |
Cùng với các giải pháp chuyên môn, nghiệp vụ, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự còn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, gắn với Phong trào Thi đua Quyết thắng và phong trào thi đua, các cuộc vận động của các ngành. Hằng năm, học viện lựa chọn cơ quan, đơn vị làm điểm toàn diện, từng mặt, xây dựng kế hoạch, lộ trình, nội dung thực hiện phong trào thi đua; tổ chức chấm điểm, nhận xét, đánh giá hằng ngày, hằng tuần và quý; đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cụ thể, trên cơ sở đó nhân rộng những mô hình tiêu biểu, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác hậu cần.
Bằng những nỗ lực, khắc phục khó khăn trong thực hiện các nội dung công tác hậu cần, qua kiểm tra, đánh giá của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần khẳng định: Học viện Kỹ thuật quân sự là một trong đơn vị dẫn đầu khối các học viện, nhà trường quân đội.
Bài, ảnh: XUÂN GIANG