Tổ hợp tên lửa S300-PMU1 là loại khí tài phòng không hiện đại, được biên chế tại một số đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Huấn luyện, khai thác, làm chủ khí tài hiện đại này là quá trình công phu và tốn kém. Việc nghiên cứu, chế tạo thành công "Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa S300-PMU1" có ý nghĩa quan trọng góp phần tiết kiệm cho quân đội, đồng thời giúp học viên có điều kiện thuận lợi tiếp cận, học tập làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại.

Nếu như một số mô phỏng bán tự nhiên chỉ dừng lại ở việc mô phỏng các thao tác huấn luyện, kiểm tra thì “Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa S300-PMU1” đã thể hiện đầy đủ các chức năng kỹ thuật, chiến thuật như khí tài thật nên trong quá trình giảng dạy, huấn luyện không chỉ giúp người học làm chủ thao tác mà còn hiểu nguyên tắc làm việc và cách thức hoạt động của tổ hợp tên lửa S300-PMU1.

Với giá thành phù hợp, chi tiết, linh kiện dễ thay thế, hệ thống mô phỏng này giúp Học viện Kỹ thuật Quân sự và các đơn vị được trang bị tổ hợp tên lửa S300-PMU1 tiết kiệm kinh phí, chủ động huấn luyện trong mọi không gian, thời gian, hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bộ đội trong quá trình huấn luyện do nhiệt độ cao, tiếng ồn, độ ẩm, sóng điện từ, đồng thời ít ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Đại tướng Phan Văn Giang cùng đoàn công tác kiểm tra buổi luyện tập trên “Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa S300-PMU1”, tháng 4-2022. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Trung tá Nguyễn Vĩ Thuận, Phó chủ nhiệm Bộ môn Tên lửa (Khoa Kỹ thuật điều khiển, Học viện Kỹ thuật Quân sự) cho hay: “Tổ hợp tên lửa S300-PMU1 là loại khí tài tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật chuyên biệt nên việc mô phỏng nguyên lý hoạt động, thuật toán chiến đấu và điều khiển, các chế độ làm việc của khí tài rất phức tạp, công phu.

Sau khi được các cấp phê duyệt đề án, nhóm nghiên cứu đã đến một số đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng cấu tạo, chức năng từng bộ phận, những đặc tính về kỹ thuật, chiến thuật..., từ đó đưa ra phương án, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn để thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa S300-PMU1".

Hệ thống mô phỏng được nghiên cứu, chế tạo với ứng dụng phương pháp tích hợp hệ thống trên cơ sở các thiết bị công nghệ cao. Đó là sự tích hợp các máy tính nhúng, các modul thu nhận và xử lý tín hiệu DI (hoặc DO) có tính năng như các máy phát tín hiệu chuẩn, máy đo lập trình, các bộ biến đổi AD/DA, các interfaces trao đổi thông tin dữ liệu, các khối biến đổi khuếch đại tín hiệu... Thông tin giữa các thiết bị được trao đổi theo chuẩn truyền thông Modbus TCP/IP trên nền tảng vật lý của mạng lan.

Cấu tạo của “Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa S300-PMU1” gồm 4 tủ chức năng, mỗi tủ gồm nhiều khối. Các cơ cấu điều khiển mặt máy của mỗi khối được thiết kế chế tạo tương đồng với thiết bị thực, giúp người học hình dung như khí tài thật. Nguyên tắc hoạt động được nhóm đề tài khai thác, tìm hiểu và xây dựng thành các phần mềm mô tả động học hoạt động của khối. Các phần mềm được thực hiện bởi các máy tính nhúng, các khối liên hệ với nhau thông qua mạng máy tính để mô phỏng đầy đủ những hoạt động. Hệ thống xử lý tín hiệu, điều khiển hiển thị và kết nối của 32 máy tính nhúng tạo nên hệ thống mô phỏng có cấu trúc phức tạp...

Theo Trung tá Nguyễn Vĩ Thuận, quá trình thực hiện đề tài yêu cầu phải nghiên cứu, mô phỏng đa kênh mục tiêu và đa kênh tên lửa; mô phỏng quá trình xử lý tín hiệu theo nguyên lý cận liên tục cho phép phát hiện, bám sát các mục tiêu kích thước nhỏ, bay thấp, tốc độ cao, mô phỏng quá trình đo bám các tọa độ; phát hiện, lựa chọn mục tiêu và đưa vào một trong 6 kênh bám sát; hiển thị tình huống trên không, quá trình bắt bám sát mục tiêu, tên lửa, tình huống nhiễu, tình trạng tên lửa trên các tổ hợp phóng; mô phỏng quá trình tự động lựa chọn các giải pháp chống các loại nhiễu điện tử; mô phỏng quá trình kiểm tra, chuẩn bị, lựa chọn và phóng tên lửa; mô phỏng quá trình bắt đưa vào bám sát và điều khiển tên lửa tới mục tiêu; quá trình nhận và xử lý thông tin điều khiển từ sở chỉ huy và radar chỉ thị; đánh giá kết quả bắn; kiểm tra chức năng tổ hợp và tổ chức luyện tập kíp trắc thủ theo các vị trí chiến đấu...

Để mô phỏng đầy đủ, chính xác các hoạt động này, đội ngũ cán bộ, giảng viên đã nghiên cứu, xây dựng thuật toán và phần mềm tính toán tham số chuyển động mục tiêu; hệ bám mục tiêu; tính toán tọa độ tên lửa; kênh bắt và bám sát tên lửa; tính toán lệnh điều khiển tên lửa; tính lệnh điều khiển ngòi nổ; độ trượt của tên lửa và xác suất trong hình tròn bán kính cho trước so với mục tiêu; hoạt động bộ đo góc trên khoang; làm việc của thiết bị tự lái; điều khiển và trao đổi thông tin...

Có thể khẳng định, "Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu tổ hợp tên lửa S300-PMU1" rất hữu ích, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân sự và Quân chủng Phòng không-Không quân.

SƠN BÌNH