Các sáng kiến, cải tiến được đưa vào ứng dụng hiệu quả, thiết thực phục vụ huấn luyện, diễn tập, bảo đảm kỹ thuật và các mặt công tác của lữ đoàn.

Giới thiệu về sáng kiến buồng khử khuẩn toàn thân cơ động của Trung úy QNCN Trần Đức Thành, y sĩ Bệnh xá Lữ đoàn Xe tăng 202, Thiếu tá Cù Huy Ninh, Chủ nhiệm Chính trị lữ đoàn, cho biết: Đây là sáng kiến rất kịp thời, tạo được hiệu quả tốt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của đơn vị.

Buồng sử dụng để phun khử trùng, chiếu vô khuẩn hồng ngoại cho người ra vào doanh trại, trước khi vào nơi hội họp. Kết cấu của buồng dạng mô-đun, dễ tháo lắp, khung bằng ống kẽm, quây bằng lớp nilon; hệ thống phun thuốc sát khuẩn tự động dùng điện ắc quy 12V, có cơ cấu tự bật, tắt thiết bị cảm biến nhiệt đặt trên nóc buồng. Công suất của buồng đặt theo số lượng người sử dụng, một bình dung dịch có thể phun khử khuẩn cho 50 đến 100 người. Nhờ có sáng kiến, đơn vị tiết kiệm được sức lao động, thời gian và lượng thuốc sát khuẩn; đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch của đơn vị khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Sáng kiến này đoạt giải ba Hội thi sáng kiến cấp toàn quân năm 2021.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 198, Lữ đoàn Xe tăng 202 nghe hướng dẫn sử dụng thiết bị kiểm tra cảm biến trên xe tăng (tháng 3-2022). Ảnh: QUANG DUY 

Để đáp ứng yêu cầu huấn luyện, diễn tập và bảo đảm kỹ thuật vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), nhất là chuyên ngành tăng thiết giáp (TTG), Lữ đoàn Xe tăng 202 quan tâm thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát huy SKCTKT và khuyến khích cán bộ, nhân viên đăng ký đề tài, tạo điều kiện để triển khai thực hiện. Theo Thượng tá Nguyễn Đức Bình, Lữ đoàn trưởng, hiện đơn vị quản lý số lượng VKTBKT, vật tư ngành TTG đa dạng chủng loại, phần lớn xe TTG đã đưa vào biên chế lâu năm, trong khi cường độ huấn luyện, diễn tập cao, đồng thời lữ đoàn thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất, do đó, việc bảo đảm kỹ thuật gặp nhiều khó khăn.

Nhiều bộ phận, phụ tùng xe TTG hư hỏng, vật tư khan hiếm, chưa tạo được nguồn thay thế, nên giải pháp sáng tạo, phát huy SKCTKT được lữ đoàn quan tâm, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện. Những sáng kiến của lữ đoàn chủ yếu xuất phát từ thực tiễn, nhằm giải quyết những bài toán kỹ thuật khó của đơn vị, đồng thời phục vụ huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên, nhất là đội ngũ thợ kỹ thuật, trưởng xe, lái xe...

Về sáng kiến phục vụ huấn luyện, năm 2020, Hội đồng SKCTKT lữ đoàn đã công nhận và áp dụng sáng kiến thiết bị ẩn hiện tập ngắm bia ban đêm của Đại úy Đỗ Văn Hải, Phó đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 66. Trước đây, khi huấn luyện khoa mục ngắm bắn ban đêm, bộ đội sử dụng phương pháp thủ công, dùng đèn pin chiếu sáng, nhiều người phải phục vụ, người tập ngắm phải lên xuống xe nhiều lần để điều chỉnh. Giải pháp của sáng kiến là sử dụng thiết bị điều khiển từ xa độc lập ẩn hiện hoặc ẩn hiện cùng lúc bằng remove kết hợp với bóng đèn chiếu sáng. Sáng kiến giúp đơn vị tiết kiệm thời gian, nhân công phục vụ, bảo đảm an toàn, cự ly điều khiển từ xa từ 500 đến 1.500m trong điều kiện thời tiết khô thoáng. Ngoài sáng kiến trên, năm 2019, lữ đoàn có sáng kiến thiết bị ngắm đêm trên súng 12,7mm lắp trên xe TTG, đoạt giải ba cấp toàn quân.

Đa số SKCTKT của lữ đoàn trong thời gian qua là phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật TTG. Để bảo đảm chất lượng, độ chính xác VKTBKT xe TTG, lữ đoàn đã áp dụng các sáng kiến: Dụng cụ kiểm tra rò rỉ hệ thống trợ lực lái xe tăng; thiết bị kiểm tra tính năng của pháo trên xe TTG và thiết bị kiểm tra đồng hồ, cảm biến trên xe TTG... Ngoài ra, khi vận hành, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa xe TTG, bộ đội rất vất vả vì các chi tiết, phụ tùng, vũ khí đều rất nặng, nếu sơ suất dễ mất an toàn. Do vậy, lữ đoàn hướng cán bộ, nhân viên nghiên cứu các giải pháp để khắc phục những khó khăn này, như: Cải tiến dụng cụ ép tuy-ô thủy lực xe tăng; chế tạo dụng cụ tháo lắp nắp két mát xe TTG; chế tạo dụng cụ hỗ trợ làm sạch xích trên xe tăng...

“Tác giả các sáng kiến đều là cán bộ trẻ, ngoài nỗ lực tổ chức huấn luyện, quản lý bộ đội, còn nhiệt tình say mê sáng tạo kỹ thuật và công nghệ. Những SKCTKT không chỉ là sản phẩm có giá trị ứng dụng thiết thực mà nhiều sản phẩm có trình độ công nghệ cao, hoạt động theo nguyên lý tiên tiến. Các SKCTKT đưa vào áp dụng đã góp phần giúp lữ đoàn nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, bảo đảm kỹ thuật TTG, phục vụ cho các nhiệm vụ; đồng thời khẳng định năng lực, trình độ, khả năng tiếp cận công nghệ, làm chủ VKTBKT của đội ngũ cán bộ đơn vị”, Thượng tá Nguyễn Đức Bình nhận xét.

Bài và ảnh: DƯƠNG HÀ