Hạnh phúc là biết sẻ chia
Chồng tôi là Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Nang (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị), đóng quân ở huyện miền núi Hướng Hóa, tiếp giáp với nước bạn Lào. Còn tôi và các con ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Từ lúc yêu anh cho đến bây giờ, thời gian xa nhau nhiều hơn ở gần, thế nhưng tôi luôn cảm thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn.
    |
 |
Gia đình Đại úy Nguyễn Văn Tám. Ảnh do gia đình cung cấp |
Chúng tôi quen nhau qua một người bạn thân của chồng tôi, lúc đó tôi đang là sinh viên Trường Đại học Sài Gòn, còn anh là học viên Học viện Biên phòng tại Hà Nội. Hai đứa ở hai đầu đất nước, chúng tôi liên lạc qua điện thoại, Facebook và email. Ở giữa thành phố biết bao nhiêu cám dỗ, tôi vẫn một lòng hướng về chàng học viên biên phòng với tính cách thật thà, hiền lành; chia sẻ với những khó khăn, vất vả của anh... Nhiều năm qua, vì đường xa, công việc nhiều nên 1-2 tháng anh mới về thăm nhà một lần. Đặc biệt, các dịp lễ, tết hầu như anh phải trực tại đơn vị. Dịch Covid-19 bùng phát, anh đi cả nửa năm không về. Tuy vậy, tôi và các con, gia đình rất tự hào về anh, về những gì anh đã và đang làm. Ở xa nhau nhưng chúng tôi chưa khi nào thấy có khoảng cách. Chúng tôi thường xuyên chia sẻ công việc, cuộc sống thường ngày qua điện thoại vào buổi tối; động viên nhau vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai của các con để cùng cố gắng. Trong thâm tâm, tôi cũng muốn anh được chuyển về đơn vị gần nhà, thế nhưng, tôi không muốn chồng phải suy nghĩ vì điều đó. Tôi tự nhủ, đã yêu bộ đội phải "yêu" cả những khó khăn, thiệt thòi ấy. Và tôi cảm thấy mình được bù đắp bởi mỗi khi về nhà, anh luôn phụ giúp tôi quét dọn nhà cửa, đưa đón con đi học, nấu ăn... đúng như nhà văn Chu Lai đã từng ví von: Lấy bộ đội tuy phải xa nhau nhưng khi các anh về thì đêm nào cũng là đêm tân hôn, tuần nào cũng là tuần trăng mật.
Chị HỒ THỊ HOA
(vợ Đại úy Nguyễn Văn Tám, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ba Nang, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị)
-------------
Yêu thương, nhớ nhung gửi vào lời động viên
Kết hôn năm 2009, được hơn một tháng thì chồng tôi lên đường làm nhiệm vụ. Đến nay, vợ chồng tôi đã có hai cháu nhưng thi thoảng anh ấy mới có mặt ở nhà. Qua hai lần sinh, tôi càng thấm nỗi nhọc nhằn khi chồng công tác ở đảo xa. Mỗi khi trái gió trở trời, con ốm đau, tôi phải một mình xoay xở, đưa con đi khám. Nhớ có lần ở Bệnh viện Nhi Trung ương, khi bác sĩ gọi vào khám, tôi một tay bế con hơn một tháng tuổi, tay kia bế con 3 tuổi. Hôm đó có bà nội đi cùng mẹ con tôi, nhưng bà già yếu nên không giúp được gì nhiều. Khi bác sĩ chỉ định cho con chụp phổi, mẹ con tôi dắt díu nhau đi được một lúc quay ra thì không thấy bà nội đâu, tôi vội vàng đi tìm. Lúc đó nghĩ tủi thân, nước mắt cứ lã chã rơi, tôi ước giá như có chồng ở bên sẽ đỡ vất vả...
    |
 |
Gia đình Thiếu tá Dương Ngọc Tấn. Ảnh do gia đình cung cấp |
Qua những phút yếu lòng, tôi lại tự nhủ, phải thật mạnh mẽ, nén cảm xúc riêng để chồng yên tâm công tác. Mọi nỗi nhớ mong tôi đều gửi gắm vào tình yêu và những lời động viên để chồng yên tâm làm tròn nhiệm vụ. Ngược lại, chồng tôi cũng rất tâm lý, dù không có nhiều thời gian ở bên gia đình nhưng anh luôn quan tâm động viên vợ con. Những lúc rảnh rỗi, anh gọi điện về nhà hỏi thăm con học hành, sức khỏe, công việc của vợ ra sao. Những lần về phép, anh luôn dành hết thời gian để chăm sóc gia đình. Chính vì thế, dù có những khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc và mẹ con tôi sẽ luôn là hậu phương vững chắc, là động lực tinh thần mạnh mẽ để chồng tôi yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mẹ con tôi cũng rất tự hào vì anh đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chị ĐINH THỊ LỆ QUYÊN
(vợ Thiếu tá Dương Ngọc Tấn, Chính trị viên đảo Tốc Tan C, Trường Sa, Khánh Hòa)
----------
Cùng chăm lo gia đình
Hồi ấy, anh làm quản lý bếp ăn thuộc Ban CHQS huyện Tân Phước (Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang) nên thường xuyên đi chợ mua thực phẩm, còn tôi là giáo viên Trường Tiểu học Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (nay chuyển về Trường Tiểu học Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Nhiều lần đi làm cùng tuyến đường nên tôi quen rồi có cảm tình với anh. Chúng tôi "về chung nhà" vào năm 2003.
    |
 |
Gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh do gia đình cung cấp |
Hơn 20 năm sống với nhau, tôi hiểu công việc của anh tuy không ở biên giới hay hải đảo như nhiều đồng đội nhưng cũng có những vất vả riêng. Phải nói rằng bộ đội thì ở đâu cũng vất vả. Như đợt dịch Covid-19 mấy năm trước, anh cùng đồng đội phải thường xuyên trực ở các chốt, phục vụ bệnh nhân và đồng bào ở khu cách ly... Lúc đó tôi rất lo nhưng cũng rất tự hào và tin tưởng anh sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đơn vị cách nhà khoảng 30km nhưng cách tuần anh mới được về. Mỗi khi có mặt ở nhà, anh chủ động làm việc nhà, từ chăm sóc vườn cây, giúp vợ nấu cơm, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa đến đưa con đi học... Đặc biệt, anh còn giúp tôi làm giáo án điện tử phục vụ công tác giảng dạy. Sự quan tâm, động viên, chia sẻ của anh góp phần quan trọng giúp tôi nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đối với con cái, anh yêu thương nhưng nghiêm khắc trong dạy bảo. Vì vậy, hai con trai của chúng tôi đều ngoan, học giỏi.
Cuộc sống vợ chồng không khỏi có những lúc giận hờn. Khi đó, tôi và anh bình tĩnh nói chuyện, lắng nghe. Cùng là cán bộ, đảng viên nên chúng tôi xác định phải chuẩn mực trong từng lời nói, hành động, làm gương cho các con. Theo tôi, hạnh phúc là biết yêu thương, quan tâm, cùng chăm sóc con cái trưởng thành...
Chị HỒ THỊ LIỄU
(vợ Thiếu tá QNCN Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên tài chính, Ban CHQS huyện Tân Phước, Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang)
|