Năm 2022, anh là một trong số 15 cá nhân được Bộ tư lệnh Vùng 1 Hải quân tôn vinh QNCN tiêu biểu xuất sắc.
Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật), Phạm Minh Thắng về nhận nhiệm vụ tại Vùng 5 Hải quân. Năm 2001, anh được cấp trên điều động về Kho 703, đảm nhiệm vai trò thợ sửa chữa đạn.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa các chủng loại đạn, anh Thắng nhận thấy có nhiều bất cập nảy sinh ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ hoàn thành công việc. Anh Thắng trăn trở làm thế nào để thực hiện nhiệm vụ tốt nhất, bảo đảm an toàn cao nhất, giảm nặng nhọc và độc hại cho người lao động. Từ suy nghĩ đi đến hành động, Trung tá QNCN Phạm Minh Thắng đã dày công nghiên cứu, tìm tòi nhiều giải pháp, sáng kiến mang tính thực tiễn, hiệu quả giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp, nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Tiêu biểu phải kể đến các sáng kiến như: “Giá đỡ nắp hòm đạn”, “Thiết bị hong khô đạn sau gôm”, “Giá bao gói đạn tên lửa”... Trong số đó, sáng kiến “Thiết bị ép, nắn hòm đạn 30mm” và “Xe chuyên dùng chở máy bơm cứu hỏa” của anh đã đoạt Giải thưởng Nguyễn Phan Vinh và Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân.
Chia sẻ về sáng kiến “Thiết bị ép, nắn hòm đạn 30mm” giành giải thưởng Nguyễn Phan Vinh, Trung tá QNCN Phạm Minh Thắng cho biết, trước đây, khi sửa chữa hòm đạn 30mm bị bẹp méo, người thợ phải mất ít nhất 30 phút mới có thể xử lý được. Vì làm thủ công nên hay gặp chấn thương hoặc có những chỗ không thể nắn được. Sau những trăn trở, tôi đã nghiên cứu thành công sáng kiến “Thiết bị ép, nắn hòm đạn 30mm”. Khi áp dụng sáng kiến vào thực tế không chỉ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người thực hiện mà còn rút ngắn thời gian cho người thợ xuống chỉ còn 2-3 phút/hòm, trong khi đó, chi phí sản xuất thiết bị này rất rẻ (chỉ hơn 1 triệu đồng/sản phẩm).
Tương tự, từ những bất cập nảy sinh như đơn vị đóng quân trên địa hình rừng núi, các nhà kho cách xa nhau, đi lại không thuận tiện. Vì vậy, quá trình xử lý khi có tình huống đặt ra là bài toán khó đối với cán bộ, nhân viên kho bởi vừa tốn nhân lực, vừa mất thời gian dẫn đến hiệu quả sẽ không đạt được như mong muốn. Để giải quyết vấn đề này, Trung tá QNCN Phạm Minh Thắng đã nghiên cứu tích hợp các tính năng, như: Vòi phun, dụng cụ chữa cháy, tính cơ động... lên xe chuyên dùng chở máy bơm cứu hỏa. Nếu có tình huống, chỉ cần một đến 2 người điều khiển (thay vì phải 4 người sử dụng như trước) trong thời gian ngắn có thể cơ động trên mọi địa hình...
Ngoài có nhiều sáng kiến được áp dụng, Trung tá QNCN Phạm Minh Thắng luôn nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Thành tích là vậy, thế nhưng Trung tá QNCN Phạm Minh Thắng lại rất kiệm lời khi kể về mình. Anh bảo: “Những thành tích, danh hiệu mà tôi đã đạt được là nhờ có hậu phương vững chắc để tôi toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ”.
NAM TRUNG