Đến giữa năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu 5 nói chung, Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng diễn ra quyết liệt, ta đẩy mạnh phát huy quyền chủ động chiến lược, địch tìm cách lấy lại ưu thế. Tại chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, địch tăng cường càn quét mở rộng vùng chiếm đóng, xây dựng hệ thống tháp canh dọc theo các trục đường nhằm khống chế giao thông, kìm kẹp nhân dân. Do sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, phong trào kháng chiến gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thiên tai, mất mùa liên tục diễn ra trong hai năm khiến đời sống của nhân dân càng thêm cực khổ.

Trước tình hình đó, tháng 7-1952, Đảng ủy và Bộ tư lệnh (BTL) Liên khu 5 quyết định mở Chiến dịch Hè Thu 1952 ở Quảng Nam-Đà Nẵng nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá thế kìm kẹp, hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích địa phương, thông qua đó bồi dưỡng lực lượng ta, tạo đà thắng lợi cho giai đoạn đấu tranh tiếp theo. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Trung đoàn 803 (chủ lực cơ động Liên khu 5), Tiểu đoàn 29 (bộ đội địa phương), kết hợp cùng lực lượng quân, dân, chính, Đảng của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Bá Phát, Tham mưu trưởng Liên khu 5 làm Tư lệnh Chiến dịch; đồng chí Bùi San, Phó bí thư Liên khu ủy làm Chính ủy Chiến dịch.

Sau một thời gian tích cực làm công tác chuẩn bị, ngày 15-7-1952, Chiến dịch Hè Thu (còn gọi là Chiến dịch Quảng Nam) chính thức bắt đầu, kéo dài đến ngày 26-9-1952. Do kết hợp chặt chẽ các mũi tiến công quân sự, chính trị và binh vận, nên chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân trên địa bàn chiến dịch đã lần lượt tiêu diệt hệ thống đồn bốt, tháp canh, phá vỡ phòng tuyến của địch ở Nam sông Thu Bồn, giải phóng khu vực tây Gò Nổi (huyện Điện Bàn). Để đối phó, địch tăng cường lực lượng (hơn 2.000 quân) từ Tây Nguyên mở nhiều cuộc càn quét ở Quảng Nam nhưng đều bị ta chặn đánh gây thiệt hại nặng. Phát huy thắng lợi, quân và dân ta tiếp tục tiến công tiêu diệt, phá tan hệ thống cứ điểm, tháp canh của địch tại vùng trung Điện Bàn, tây Hòa Vang, Duy Xuyên. Hoảng sợ trước sức tiến công của ta, hơn 1.000 binh lính ngụy đào rã ngũ. Đặc biệt, việc tổ chức trao trả 60 tù binh Âu-Phi và 20 sĩ quan ngụy đã tác động mạnh đến hàng ngũ địch. Đến ngày 20-9-1952, khi những mục tiêu cơ bản của chiến dịch đề ra đã đạt được, BTL Chiến dịch chủ trương rút lực lượng chủ lực về hậu phương để củng cố.

leftcenterrightdel

Hải Vân Quan nằm giữa địa phận Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, nơi có Đồn Nhất bị thực dân Pháp chiếm đóng từ năm 1947. Ảnh tư liệu 

Để đánh lạc hướng địch, bảo đảm cho đại bộ phận chủ lực rút quân an toàn, đồng thời tạo thêm một chiến thắng làm xáo trộn hậu phương địch, thực hiện chỉ đạo của BTL chiến dịch, Ban chỉ huy Trung đoàn 803 lệnh cho đồng chí Trần Ngọc Anh, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59, chỉ huy Đại đội 6, Tiểu đoàn 59 (đơn vị có nhiều kinh nghiệm công đồn), nhanh chóng cơ động về hướng Bắc Hòa Vang, bất ngờ thọc sâu vào vùng địch, tiêu diệt Đồn Nhất trên đèo Hải Vân.

Đồn Nhất (còn gọi Đồn Nhứt) là một cứ điểm địch xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân nhằm bảo vệ đoạn đường chiến lược quan trọng: Đường số 1 đi qua núi, đường tàu hỏa xuyên lòng đất qua nhiều hầm. Địa hình khu vực quanh đồn hiểm trở; một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, đường độc đạo. Công sự, hầm lũy xây dựng từ thời nhà Nguyễn, được thực dân Pháp tu bổ trở nên kiên cố. Bao quanh đồn có tường cao 3m, dày 1m xây bằng đá. Lực lượng địch đóng giữ Đồn Nhất gồm 1 trung đội Âu-Phi tăng cường, có 4 trọng liên 20mm, 15 trung liên và nhiều phương tiện chiến tranh khác. Từ lâu, Đồn Nhất được coi là căn cứ an toàn của địch, nên chúng càng chủ quan.

Sau khi trinh sát nắm vững tình hình, Đại đội 6 hạ quyết tâm: Nêu cao tinh thần, ý chí tiến công cách mạng, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, sử dụng mọi biện pháp và thủ đoạn chiến đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đêm 24-9-1952, quân ta bí mật tiếp cận mục tiêu; đến 1 giờ 30 phút ngày 25-9-1952, bất ngờ nổ súng tiến công Đồn Nhất. Mở đầu trận đánh, khối bộc phá được điểm hỏa nhưng không phá vỡ được tường lô cốt. Sau giây phút bất ngờ, địch trong đồn bắn ra dữ dội. Ban chỉ huy Đại đội 6 quyết định thay đổi chiến thuật, lệnh cho bộ phận hỏa lực tích cực chế áp các hỏa điểm địch, sử dụng thang dựng vào thành lô cốt để bộ đội leo lên đánh thủ pháo, lựu đạn. Tuy nhiên, lô cốt địch quá cao, bộ đội ta nối hai thang vẫn không thể lên đến đỉnh. Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Dương đã dùng sức hai cánh tay nâng chân thang, tạo điều kiện cho đồng đội leo lên đánh thủ pháo, lựu đạn vào lô cốt. Địch tập trung hỏa lực dữ dội, đồng chí Nguyễn Bá Dương bị thương nhưng vẫn kiên quyết giữ thang, chờ đồng đội đến tiếp sức. Lô cốt địch bị diệt, tạo điều kiện cho các tổ xung kích xông lên tiêu diệt đồn.

Quân địch dựa vào công sự, hầm lũy kiên cố tiếp tục chống trả quyết liệt. Nhưng các tổ xung kích, các mũi tiến công của ta, dưới sự yểm trợ tích cực của hỏa lực (trung liên), thực hiện thọc sâu, chia cắt, dùng thủ pháo, lựu đạn tiêu diệt từng bộ phận, từng hỏa điểm địch. Sau hai giờ chiến đấu ác liệt, ta đã tiêu diệt và bắt toàn bộ quân địch tại Đồn Nhất, trong đó bắt tên Quan hai Đồn trưởng là người Pháp; thu 3 khẩu trọng liên 20mm, 11 khẩu trung liên, 10 khẩu súng ngắn cùng nhiều quân trang, quân dụng. Trong trận đánh này, đồng chí Nguyễn Bá Dương cùng 6 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Chiến thắng Đồn Nhất đã đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hè Thu 1952 trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý vận dụng trong xây dựng Quân đội ta hiện nay.

Một là, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm khắc phục mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng là nội dung cơ bản, thiết thực đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta, là nhân tố đóng vai trò quyết định bảo đảm cho quân đội vững mạnh về chính trị, phát huy tốt sức mạnh chiến đấu ở mọi hoàn cảnh.

Cuối Chiến dịch Hè Thu 1952, trong khi đại bộ phận lực lượng chủ lực của ta rút về hậu phương để củng cố, Đại đội 6, Tiểu đoàn 59 được lệnh tiến công tiêu diệt Đồn Nhất. Đây là nhiệm vụ khó khăn, bởi đường hành quân xa, qua nhiều núi cao, suối sâu, bộ đội mang vác nặng. Mục tiêu tiến công là đối tượng địch trong công sự kiên cố, ở địa thế hiểm trở, trong khi vũ khí trang bị của đơn vị hạn chế, nhất là về hỏa lực. Mặt khác, trải qua hơn hai tháng liên tục chiến đấu, quân số đơn vị bị hao hụt, sức khỏe bộ đội giảm sút. Tuy nhiên, với bản lĩnh chính trị vững vàng, được tôi luyện qua thử thách chiến tranh khốc liệt, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 đã nêu cao ý chí, quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Hiện nay và trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo có những diễn biến phức tạp, mau lẹ; các yếu tố đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống có chiều hướng gia tăng, đặt ra không ít thách thức đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong nước, tình hình chính trị-xã hội ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; quan hệ đối ngoại được mở rộng, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Tuy nhiên, các thế lực phản động, phần tử cơ hội chính trị tiếp tục chống phá cách mạng nước ta; nhất là thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đòi “phi chính trị hóa” Quân đội với mức độ, tính chất ngày càng quyết liệt, phức tạp hơn. Vì vậy, vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội càng trở nên cần thiết.

Phát huy kinh nghiệm quý trong xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí, quyết tâm chiến đấu rút ra từ trận tiến công Đồn Nhất trong tình hình mới, việc giáo dục, rèn luyện xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí, quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ quân đội hiện nay đòi hỏi phải thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung mang tính nguyên tắc: Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nắm vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội; bảo vệ Tổ quốc gắn liền với bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí, quyết tâm cao, có niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Hai là, nâng cao chất lượng huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả trước mọi tình huống.

Huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên, quyết định sức mạnh chiến đấu của quân đội. Từ khi thành lập đến nay, quân đội ta luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đánh thắng mọi kẻ thù, lập nên bao chiến công vang dội, đóng góp xứng đáng vào những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Đồn Nhất là trận công đồn đạt hiệu suất chiến đấu cao. Thắng lợi của trận đánh do nhiều nguyên nhân; trong đó, việc coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện của BTL Chiến dịch đối với các lực lượng tham gia Chiến dịch Hè Thu 1952 nói chung, Đại đội 6, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 nói riêng giữ vị trí, vai trò quan trọng. Đại đội 6 là một trong những đơn vị huấn luyện tốt, lại được rèn luyện qua thực tiễn chiến đấu trên các chiến trường Liên khu 5, có khả năng chiến đấu cao. Quá trình thực hành trận đánh, gặp tình huống khó khăn, đơn vị kịp thời thay đổi chiến thuật, chỉ huy bộ đội sử dụng thuần thục kỹ thuật kết hợp với tinh thần chiến đấu dũng cảm, đập tan sự kháng cự của địch, giành chiến thắng.

Kế thừa, phát huy kinh nghiệm của chiến thắng Đồn Nhất để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới, vấn đề nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) tiếp tục là nhiệm vụ trung tâm, là vấn đề có tính đột phá chiến lược. Theo đó, các cơ quan, đơn vị toàn quân cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự-quốc phòng của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, nhất là Kết luận số 60-KL/QUTW ngày 18-1-2019 của Quân ủy Trung ương “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”.

Thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, phù hợp với vũ khí trang bị hiện có và sự phát triển của đối tượng tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với thực hiện nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu". Tập trung nâng cao chất lượng luyện tập, diễn tập ở các cấp, bảo đảm sát thực tế chiến đấu và khả năng của từng lực lượng để thử thách, bồi dưỡng tác phong, tư duy sáng tạo cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng ứng phó thắng lợi trước những tình huống bất ngờ.

Ba là, phát huy vai trò chiến tranh nhân dân địa phương, nâng cao hiệu quả tác chiến của bộ đội chủ lực.

Thực tiễn của chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh hiệu quả to lớn của việc kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến của bộ đội chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương. Chiến thắng Đồn Nhất diễn ra trong bối cảnh Chiến dịch Hè Thu 1952 giành được thắng lợi quan trọng, chủ lực cơ động Liên khu 5 đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với chiến tranh nhân dân địa phương tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Địch thất bại nặng, bị hoang mang, dao động, mọi sự chú ý đối phó của chúng tập trung vào vùng trọng điểm, khiến cho các vị trí ở xa như Đồn Nhất không có điều kiện để củng cố, tăng cường, là thuận lợi cơ bản để bộ đội ta tiến công tiêu diệt. Được sự giúp đỡ tích cực của nhân dân và du kích Hòa Vang, Đại đội 6 đã thực hiện trận tiến công Đồn Nhất giành thắng lợi nhanh chóng, góp phần củng cố vững chắc thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh làm nòng cốt xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc là nội dung quan trọng hàng đầu, là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược này, cần tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định. Phát triển cân đối giữa các lực lượng, bảo đảm phù hợp với thế trận phòng thủ trên các vùng, miền, địa bàn và hướng chiến lược của đất nước, trong đó ưu tiên quân số, trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ, trên địa bàn chiến lược, trọng điểm.

Tiếp tục xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, bảo đảm chất lượng, nhất là chất lượng về chính trị, khả năng tác chiến trong các tình huống. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, được huấn luyện quân sự toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương. Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, hải đảo, nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Quan tâm đầu tư xây dựng công trình phòng thủ ở các địa bàn, bảo đảm thế trận rộng khắp, liên hoàn, vững chắc giữa các khu vực phòng thủ và trên từng hướng chiến lược, sẵn sàng cho các tình huống quốc phòng, an ninh.

Chiến thắng Đồn Nhất là một chiến công tiêu biểu của quân và dân ta trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để lại nhiều kinh nghiệm quý cho xây dựng quân đội hiện nay. Tự hào về chiến thắng Đồn Nhất, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tiếp tục ra sức thi đua học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, phát huy tốt vai trò lực lượng nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng, TS LÊ HUY VỊNH (Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)