Bài 1: Nơi chữa lành vết thương thể xác và “vết thương” tinh thần

Chúng tôi đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Học viện Quân y vào ngày đầu năm mới Nhâm Dần khi không khí Tết Nguyên đán còn vương vấn trong nhịp sống, công việc của mỗi người. Hôm ấy, thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm sâu kèm theo mưa phùn càng làm cho cái rét, cái lạnh thêm tê tái.

Vậy nhưng khi chứng kiến Thiếu tá, bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu trực tiếp đến từng giường bệnh để thăm khám cho bệnh nhân chúng tôi mới hiểu hơn về “sức nóng” và cường độ công việc mà các anh đang phải ngày đêm chạy đua để giành lại sự sống cho người bệnh.

“Không có các bác sĩ, giờ tôi đã đi theo tổ tiên rồi”

Khoa Hồi sức cấp cứu luôn là khoa “nóng” nhất của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác bởi nơi đây phải cấp cứu, chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân bỏng nặng, trong đó có nhiều trẻ em. Nhiều bệnh nhân đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nếu không được điều trị, chăm sóc kịp thời.

Trong bộ đồ blouse trắng, Thiếu tá, bác sĩ Ngô Tuấn Hưng nhẹ nhàng đến bên giường bệnh và kiểm tra vết bỏng của bệnh nhân B.C.A (23 tháng tuổi). Bác sĩ Ngô Tuấn Hưng cho biết, cháu B.C.A nhập viện hôm 27-1-2022 với diện tích bỏng lên tới 65%, tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, huyết áp tụt, mạch nhanh, nên chúng tôi phải tiến hành hồi sức tích cực, cho thở máy và chống sốc. Trong quá trình thở máy, chúng tôi kết hợp điều trị toàn thân, phẫu thuật hoại tử độ 4. Đến nay, cháu đã hồi phục cơ bản.

Trong câu chuyện của mình, khi nói về tấm lòng và trách nhiệm cao cả của các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đối với bệnh nhân, ông Phan Tiến Đức (ông của bệnh nhân B.C.A ) giọng như nghẹn lại, nước mắt trào ra.

Ông Phan Tiến Đức xúc động cho biết: Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, do bất cẩn nên cháu Bùi C.A bị ngã vào nước sôi và được gia đình đưa vào viện cấp cứu. Được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác nên tình trạng sức khỏe của cháu đã ổn định. Gia đình tôi vô cùng cảm ơn các bác sĩ quân y tại đây đã nhiệt tình điều trị và chăm sóc cho cháu. Đó là nguồn động lực lớn để chúng tôi cảm thấy yên lòng.

Bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác thăm, kiểm tra vết bỏng cho bệnh nhân nhi. 

Theo Bác sĩ Ngô Tuấn Hưng, khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân bỏng là tâm lý của bệnh nhân bỏng và người nhà bệnh nhân thường nghĩ chỉ bỏng ngoài da chứ không bỏng nặng. Thực tế, da là cơ quan bảo vệ, nếu mất đi cơ quan bảo vệ này, mức độ tổn thương sẽ rất nghiêm trọng. Các bác sĩ chữa bỏng phải điều trị tại chỗ, kíp thay băng phải có từ 4 đến 5 người. Để hoàn thành 1 ca thay băng phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bỏng luôn có thể bị nhiễm khuẩn bất cứ lúc nào. Còn diễn biến bỏng ở trẻ em thì rất nhanh; từ khi bỏng đến khi sốc bỏng sẽ chuyển trạng thái rất nhanh nên phải được cấp cứu kịp thời.

Vất vả, khó khăn, gian khổ trong công tác khám chữa bệnh là vậy, nhưng cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đều vượt qua. Có lẽ động lực lớn nhất giúp họ vượt qua khó khăn ấy để hoàn thành nhiệm vụ chính là họ được chứng kiến niềm vui của bệnh nhân khi khỏi bệnh. Cũng có thể là những dòng thư mộc mạc hay những cuộc điện thoại, tin nhắn cảm ơn của bệnh nhân sau khi họ khỏe mạnh, lành lặn và trở về với gia đình. Mới đây, từ quê nhà ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, bệnh nhân Bùi Thị Hợi (74 tuổi) đã viết thư bày tỏ những dòng cảm xúc đặc biệt, bày tỏ lòng biết ơn những thầy thuốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã giúp bà vượt qua nỗi đau bệnh tật, trở về với cuộc sống thường nhật.

Thư của bà Bùi Thị Hợi có đoạn: Tròn một năm sau khi mổ, sức khỏe của tôi hiện giờ đã bình phục hoàn toàn. Tôi vô cùng biết ơn các thầy thuốc Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã tận tâm, tận lực để đưa tôi từ cõi chết trở về. Nếu như không có bàn tay tài năng của các bác sĩ thì có lẽ giờ đây tôi đã đi theo tổ tiên rồi.

“Sẽ không có lời nào để lột tả hết được sự nhiệt tình, tận tâm của bác sĩ quân y dành cho tôi. Kíp mổ đã làm được một việc diệu kỳ. Trong khi sự sống và cái chết của tôi hết sức mong manh, các bác sĩ đã động viên để làm tăng thêm sức mạnh cho tôi vượt qua bệnh tật. Hơn nữa, các thầy thuốc quân y đã quyên góp và kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ tôi về kinh phí, vượt qua khó khăn để chữa trị”, bệnh nhân Bùi Thị Hợi bày tỏ.

Năm 2021, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc Gia Lê Hữu Trác đã cắt bỏ khối u khổng lồ nặng gần 1kg trên vùng mặt của bà Bùi Thị Hợi. Trải qua 5 tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật đã thành công, mang lại cuộc sống bình thường cho bà.

Đại tá, PGS, TS Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam là người trực tiếp tham gia kíp mổ này nhớ lại: Ca mổ của bệnh nhân Bùi Thị Hợi thực sự là một thách thức rất lớn ngay cả với những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Tuy nhiên, với trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm, tấm lòng của các bác sĩ quân y, chúng tôi cố gắng làm hết sức để ca mổ thành công, cứu giúp bệnh nhân.

Chữa lành “vết thương” tinh thần

Theo Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Vũ Quang Vinh, các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác ngoài chịu đau đớn về thể xác còn phải chịu những “vết thương” rất lớn về tinh thần.

Thực tế cho thấy, các bệnh nhân bị bỏng thường có các di chứng trên cơ thể nên ảnh hưởng rất lớn đến hình thức bên ngoài của bệnh nhân. Vì thế, các bệnh nhân đến chữa bỏng hay phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đều dằn vặt, tự ti về hình thức của mình, gây ra những hiệu ứng tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Thậm chí có người bị dị tật do bỏng, do bẩm sinh hay do các bệnh khác còn sống khép mình, không muốn tiếp xúc với cộng đồng. Chính vì vậy, các y sĩ, bác sĩ ở bệnh viện cùng với việc trau rèn, nâng cao trình độ chuyên môn, còn phải thường xuyên thực hiện các liệu pháp tâm lý để động viên tinh thần các bệnh nhân vượt qua nghịch cảnh.

Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Vũ Quang Vinh (áo tím) đang quan sát, hướng dẫn các y, bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác thực hiện một ca mổ. 

Hôm chúng tôi đến làm việc, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Trần Thị Hoài (44 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) bị bỏng do bom Napan từ 33 năm trước. Chị Hoài có hoàn cảnh rất khó khăn. Khi bệnh nhân đến viện thì bệnh tình của chị đã rất nặng; các chức năng như nói, nuốt, nhai khó thực hiện; sự co kéo của đốt sống cổ làm cho khí quản bị lệch; toàn bộ hàm răng bị phát triển lệch, chĩa ra bên ngoài, miệng không thể khép lại được, cuộc sống của bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, bệnh viện đã thực hiện việc điều trị qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu xử lý sẹo co kéo ở vùng cằm cổ để xương hàm dưới khép lại. Từ đó, khí quản của bệnh nhân có thể trở lại hình dáng bình thường để hạn chế di chứng cho bệnh nhân, tránh lệch vẹo cột sống. Giai đoạn tiếp theo là điều trị xương hàm dưới và làm lại răng cho bệnh nhân để chức năng nhai nuốt trở lại bình thường. Hai bên nách của bệnh nhân cũng bị co kéo rất nghiêm trọng, vì thế bệnh nhân được bệnh viện áp dụng kỹ thuật vi phẫu, ca mổ kéo dài tới 5 tiếng đồng hồ. Hiện nay, bệnh nhân đang được bệnh viện xử lý lại xương hàm dưới và trồng lại răng.

Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Vũ Quang Vinh cho biết, đây là trường hợp bệnh lý vô cùng khó khăn, chi phí cho quá trình điều trị rất lớn, lên đến vài trăm triệu đồng, bệnh nhân không có điều kiện chi trả. Do vậy, bệnh viện đã kêu gọi được các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 400 triệu đồng để phục vụ cho công tác phẫu thuật.

Xứng đáng với bệnh viện mang tên danh y Lê Hữu Trác

Dành trọn một buổi để chia sẻ với chúng tôi về chuyện đời, chuyện nghề của những thầy thuốc - bác sĩ - chiến sĩ mang trên mình hai màu áo xanh và trắng, Đại tá, TS Trương Ngọc Dương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác không nói nhiều về cá nhân mình hay thành tích của bệnh viện, anh dành nhiều thời gian nói về những vất vả của bệnh nhân và những đồng nghiệp của mình đang lăn lộn ngày đêm trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Trong câu chuyện của anh còn có sự trăn trở về việc làm thế nào để nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân; làm thế nào để tiếp tục giữ vững và nâng cao y đức cho cán bộ, nhân viên bệnh viện để xứng đáng với vị thế là bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực chăm sóc, điều trị về bỏng trong quân đội và trong cả n­ước. Đặc biệt là xứng đáng với  bệnh viện được mang tên danh y Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, ông tổ của nền đông y Việt Nam.

Đối với những chiến sĩ, bác sĩ quân y của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, tên gọi của bệnh viện gắn với tên của danh y Hải Thượng Lãn Ông luôn là vinh dự, niềm tự hào tự hào và là tài sản tinh thần to lớn động viên mọi người vượt qua những khó khăn thử thách. Tên gọi ấy cũng luôn nhắc nhở mọi người phải thường xuyên tự mình bồi đắp y đức, trau rèn chuyên môn, nghiệp vụ.

Chia sẻ về công việc vất vả những tất thầm lặng của bản thân và đồng nghiệp, Thượng tá, TS, bác sĩ Trần Đình Hùng, Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác cho biết: Khoa chúng tôi làm nhiệm vụ điều trị, cấp cứu cho những bệnh nhân nặng và rất nặng, có nguy cơ tử vong khi vào viện. Do vậy, nơi đây không khí làm việc luôn sẵn sàng để cấp cứu kịp thời bệnh nhân.

 Lãnh đạo Học viện Quân y kiểm tra công tác bảo đảm an toàn trước khi các y, bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác tiến hành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân.

Bệnh nhân bỏng nặng thì quá trình điều trị rất dài, mất nhiều công sức. Thời gian này, ngoài việc điều trị bệnh nhân cấp cứu nặng thì chúng tôi còn phải đảm đương cả nhiệm vụ chống dịch, bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, cán bộ, bác sĩ, nhân viên của khoa. Vì thế mà, bác sĩ và y tá của khoa thời điểm này gần như không có ngày nghỉ. Chúng tôi coi sự an toàn, tính mạng của người bệnh là sự an toàn, tính mạng của chính mình.

Trong thời gian gần 20 năm điều trị cho các bệnh nhi bị bỏng, Thiếu tá, TS, bác sĩ Hồ Thị Vân Anh, Phó chủ nhiệm Khoa Điều trị bỏng trẻ em luôn coi các bệnh nhân nhỏ tuổi như con mình.

“Bản thân tôi là bác sĩ, chiến sĩ, người mẹ. Chúng tôi luôn coi các bệnh nhân nhi ở đây như con của mình và dồn hết tâm sức và tình cảm của mình để điều trị, chăm sóc các cháu, giảm thiểu các sang chấn, rối loạn về tâm lý cho các cháu trong quá trình bị bỏng”, bác sĩ Hồ Thị Vân Anh cho biết.

Theo bác sĩ Hồ Thị Vân Anh, điều trị cho bệnh nhân nhi rất phức tạp. Các cháu tuổi nhỏ, chưa biết nói, chỉ khóc khi bị bỏng nên chúng tôi phải quan sát các cháu từ cử chỉ đến hành động để theo dõi, điều trị kịp thời, đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, rút ngắn thời gian chữa trị cho các cháu.

Với những kết quả tiêu biểu trong công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác xứng đáng là bệnh viện đầu ngành về chuyên khoa bỏng của cả nước. Từ năm 2000 đến nay, mỗi năm bệnh viện đã thu dung điều trị khoảng 6.000-7.000 bệnh nhân bỏng, sẹo di chứng sau bỏng, phục hồi chức năng, vết thương mạn tính, có nhiều bệnh nhân là người nước ngoài.

Hầu hết các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện là bệnh nhân có mức độ vừa, nặng và rất nặng; vết thương bỏng có nhiều biến chứng phức tạp hay bỏng đặc biệt như bỏng hô hấp, bỏng tiêu hóa và bỏng hàng loạt do thảm họa cháy nổ. Chất lượng điều trị của bệnh viện không ngừng được nâng lên, nhiều bệnh nhân bỏng chung diện tích trên 70% và bỏng sâu trên 40% đã được cứu sống.

Cùng đó, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật y tế tiên tiến trong gây mê hồi sức, điều trị nhiễm độc, nhiễm khuẩn bỏng, hạn chế biến chứng nặng như suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa, ứng dụng các vật liệu sinh học che phủ vết bỏng sâu có hiệu quả. Bệnh viện cũng là địa chỉ tin cậy, mẫu mực về đào tạo, nghiên cứu khoa học...

Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y) ra đời ngày 1-12-1964. Những năm qua, Bệnh Viện đã hoàn thành hơn 200 đề tài khoa học, trong đó có 10 đề tài độc lập cấp nhà nước.

Năm 2011, kỹ thuật vi phẫu thuật trong điều trị di chứng bỏng của bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là một trong 10 sự kiện của y học nước nhà. Bệnh viện có 9 cán bộ là thành viên Hội Bỏng Thế giới, Hội Bỏng châu Âu và Hội Bỏng châu Á - Thái Bình Dương.

Với những thành tích đã đạt được, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Hai lần Anh hùng LLVT nhân dân, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì; 2 Huân chương Quân công hạng Ba; 5 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước Lào và Huân chương Anh dũng hạng Ba của Nhà nước Lào cùng nhiều huân, huy chương khác. 

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ