Bố và mẹ tôi quen nhau từ những ngày chiến đấu bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17. Bố từng giữ chức Trưởng Ban thi đua khu vực Vĩnh Linh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Hành chính. Mẹ tôi - nữ thanh niên xung phong khu vực Vĩnh Linh, dù nuôi con nhỏ nhưng bà đã không di tản ra Nghệ An mà ở lại chiến đấu.

Trong một trận đánh, bà bị thương (sau này được công nhận là thương binh, được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì). Mẹ tôi kể rằng, vì sinh ra vào tháng 4, ngay bên bờ Bắc sông Bến Hải nên bố đã đặt tên cho con trai đầu lòng là Nguyễn Xuân Linh mang hàm ý “mùa xuân Vĩnh Linh”. Đầu năm 1972, bố tôi được cấp trên điều vào chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị và đã anh dũng hy sinh. Khi ấy, tôi được 1 tuổi và em gái vẫn còn trong bụng mẹ. 

leftcenterrightdel
Thượng tá Nguyễn Xuân Linh trong ngày bàn giao giếng nước sạch cho nhân dân thôn A Luông, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. 

Hết cấp 3, tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ và vinh dự trúng tuyển được thực hiện nhiệm vụ trong lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị. Ngay từ những ngày đầu quân ngũ, tôi luôn lấy tự hào về cha mẹ để làm động lực, phấn đấu cho xứng đáng với truyền thống gia đình. Càng ở trong quân ngũ, tôi càng thấy nơi đây rất đúng với những gì tôi mong muốn, bởi vậy tôi đã ôn và thi đỗ vào Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Ra trường, tôi mang theo những bài học của thầy cô với nhiệt huyết của tuổi trẻ để cùng đồng chí, đồng bào xây dựng, quản lý, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đó là thành quả mà cha tôi đã ngã xuống, mẹ tôi mất một phần máu thịt để có được. Tôi thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ những thành quả ấy. 

Hiện nay, với cương vị Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay, tôi luôn cố gắng “truyền cảm hứng” cho cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bởi vậy đơn vị chúng tôi nhiều năm liền là Đơn vị Quyết thắng. Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, chúng tôi gắn bó với đơn vị, gắn bó với địa bàn, bằng việc kêu gọi các mạnh thường quân không chỉ tặng nhu yếu phẩm mà tập trung vào các sinh kế để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi góp tiền thành lập “ngân hàng dê” để hỗ trợ các gia đình trẻ nuôi gây đàn mới; đưa giống lúa mới về tăng năng suất; tặng công trình nước sạch cho các bản thuộc 2 xã biên giới A Bung và A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị); đỡ đầu các em học sinh nghèo bằng Chương trình “Nâng bước em đến trường - Con nuôi Đồn Biên phòng” để vươn lên trong cuộc sống… 

leftcenterrightdel
Thượng tá Nguyễn Xuân Linh trong lần ra Hà Nội nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Trong mỗi hoạt động, cán bộ, chiến sĩ đều làm bằng trách nhiệm và tình cảm chân thành, đồng bào các dân tộc trên địa bàn từ cảm kích đến yêu thương, coi chúng tôi như người thân trong gia đình. Còn gì ý nghĩa, vui sướng hơn khi được trở thành một phần của bản làng. Đã hơn 30 năm quân ngũ, tôi chưa khi nào hối hận về con đường mình đã chọn. Với cá nhân tôi, ngoài trách nhiệm của một người lính, tôi muốn ở nơi chín suối, cha tôi sẽ tự hào về con trai của mình. 

Thượng tá NGUYỄN XUÂN LINH (Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị)