Sau 4 năm kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi đã gặp ông, lúc ấy trên ve áo ông còn đeo quân hàm trung tá. Giờ đây gặp lại ông tại Nông trường sông Hậu với cương vị mới: Chủ tịch Hội nông dân và là Phó chủ tịch Hội CCB ở nông trường.

Ông là Trần Tuyên Ngôn, thời chống Mỹ còn có tên là Út Lượng, ở tuổi 66, trông ông vẫn khoẻ mạnh, người lính già này vẫn vậy: cần cù chịu khó, vui vẻ, chân thật, cởi mở như ngày nào. Xuất thân trong một gia đình nông dân, không có mảnh đất cắm dùi, suốt năm phải đi ở mướn làm thuê. Nguyên quán của ông ở Thạch Tri (tỉnh Cần Thơ) mà gia đình phải chạy vào Khánh Bình, tỉnh Cà Mau. Sớm giác ngộ cách mạng, 20 tuổi ông đã giữ chức Bí thư xã đoàn, và cũng cuối năm ấy, Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau gọi ông lên giao nhiệm vụ đặc biệt vào hoạt động đơn tuyến trong lòng địch, bằng cách tình nguyện vào làm lính cho huyện công Ông Đốc. Nhận nhiệm vụ xong, đêm hôm ấy, ông về tâm sự với vợ, và xây dựng cho mình một quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ của một đảng viên.

Nhiệm vụ được giao là phải chui sâu, leo cao để xây dựng lực lượng trong lòng địch, lôi kéo binh lính, sĩ quan địch về với cách mạng, đồng thời thường xuyên lấy tin tức của địch chuyển ra ngoài cứ, nhất là kế hoạch càn quét của địch qua đường dây liên lạc với bà Mạc Thị Tròn là người vợ hiền của ông mà Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã giao nhiệm vụ cho bà. Thế là hai vợ chồng ông đều hoạt động bí mật rất thuận lợi, nhưng cái lo nhất của ông là hằng giờ, hằng ngày phải thường xuyên dự kiến kế hoạch đối phó với bọn chúng trong mọi sinh hoạt ăn ở, đi lại. Thật gian khó bởi chỉ cần một sơ hở nhỏ là tính mạng không còn và vỡ cả một hệ thống đường dây bí mật. Vậy mà suốt 7 năm hoạt động trong lòng địch, ông đã tổ chức, xây dựng được 11 cơ sở thường xuyên hoạt động tốt, giải thoát được 15 cán bộ cơ sở bị phát hiện hoặc đã bị bắt. Ông thường xuyên cung cấp cho Bộ chỉ huy Miền tất cả những kế hoạch càn quét của địch bao vây để bắt cán bộ ta. Ông đã làm tan rã được 2 tổ chức ở cấp trung đội là: Tổng đoàn dân vệ và trung đội xung kích của địch, đồng thời tổ chức ly gián, làm cho kẻ địch nghi ngờ, buộc địch phải cho 31 tên lính ác ôn nghỉ việc. Ông tâm sự: có nhiều đêm thức trắng lo tính toán đối phó một cách hợp lý, để lộ thì nguy to. Công việc vừa chín muồi thì ngày 29-5-1960, có lệnh điều ông về lại căn cứ. Trước khi rút ra cứ, ông còn lấy được một khẩu súng M36, 150 viên đạn và một số lớn tài liệu kinh tế và quân sự mà địch sắp triển khai. Về đến căn cứ, ông được nhận ngay nhiệm vụ đi học lớp binh vận, học xong, ông được đưa về làm phó ban binh vận huyện Trần Văn Thời. Thời gian hoạt động chưa được bao lâu thì cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, vũ khí miền đông Nam Bộ thiếu trầm trọng. Năm 1962, Trung ương chọn những đảng viên trung kiên nhất về thành lập Đoàn tàu hải quân để chuyển vũ khí từ miền Bắc vào Nam, ông được điều về làm đại đội phó bến đoàn tàu không số.

Trong những năm tháng gay go, quyết liệt ấy, cứ mỗi lần có tin tàu cập bến là ông lại mất ăn, mất ngủ, làm sao đưa được vũ khí lên bờ về căn cứ an toàn. Có lúc bị lộ, ông trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu kiên cường để bảo vệ vũ khí đến cùng. Trong những ngày này, lực lượng ta luôn phát triển. Tháng 1-1968, ông được điều về thành lập tiểu đoàn 962 với chức vụ tiểu đoàn phó trung đoàn U Minh, làm nhiệm vụ giải phóng tỉnh Cần Thơ. Sau Tết Mậu Thân 1968, ông lại trở về hoạt động ở “đường Trường Sơn” trên biển, cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Sau ngày hoà bình, ông được phong quân hàm thiếu tá và về Cục Xây dựng kinh tế Quân khu 9. Chưa nóng chỗ với vị trí mới thì chiến tranh ở biên giới Tây Nam xảy ra. Ông lại cùng đồng đội trở lại chiến hào với cương vị mới tại Cục kỹ thuật Quân khu 9, phục vụ Mặt trận 979 Tây Nam. Hoàn thành nhiệm vụ về nước, người lính già rời quân ngũ cùng với đồng đội mang ba lô đi xây dựng Nông trường sông Hậu từ đó cho đến nay.

Là một đảng viên kiên trung, dù bất kỳ nhiệm vụ gì Đảng giao, ông đều hoàn thành xuất sắc. Theo gương ông, 13 người con đều lần lượt đi hoạt động, có 3 người là thương binh và 2 liệt sĩ. Qua 30 năm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con cháu, anh em, dâu rể gia đình ông đều đi hoạt động, tất cả là 30 người, trong số đó có 8 liệt sĩ và có hai chị dâu được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng là bà Cao Thị Thắm và bà Nguyễn Thị Nhúng. Tấm gương của ông và gia đình thật tuyệt vời, đáng để chúng ta trân trọng và học tập.

Võ ThànhTuất