Phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã phỏng vấn Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam) để bạn đọc hiểu rõ sự cần thiết và những nội dung cơ bản trong dự án luật. 

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết sự cần thiết phải xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS?

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Lưu Quang Vụ. 

Thiếu tướng Lưu Quang Vụ: Ngày 19-5-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS. Sau gần 30 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập như: Xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của CTQP và KQS chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi CTQP và KQS; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ; việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động tại một số dự án phát triển kinh tế-xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú tại một số địa phương, khu vực có liên quan đến CTQP và KQS chưa chặt chẽ...

Cùng với đó, tại các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị các khóa X, XI và XIII về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và chiến lược quốc phòng Việt Nam đặt ra yêu cầu tiếp tục huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, trang bị quốc phòng, an ninh, CTQP đồng bộ, thống nhất và bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế về quốc phòng.

Tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe của cộng đồng". Tuy nhiên hiện nay, những hạn chế trên mới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật và cần phải được quy định cụ thể tại văn bản luật để phù hợp với Hiến pháp. Đồng thời, để xây dựng, củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đồng bộ, thống nhất theo quy định tại Luật Quốc phòng năm 2018 cần phải ban hành đạo luật chuyên ngành để tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.

Ngoài ra, thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS như: Luật Đất đai năm 2013; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020... Tuy nhiên, do pháp lệnh được ban hành từ năm 1994 nên có nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Thực tiễn cho thấy, qua các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới gần đây, bên cạnh những yếu tố về lực lượng và vũ khí, trang bị tham gia chiến tranh thì các CTQP và KQS có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.

Do đó, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS là rất cần thiết, góp phần cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

PV: Những chính sách quan trọng trong dự án luật là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lưu Quang Vụ: Trên cơ sở tổng kết 28 năm thi hành Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS, Bộ Quốc phòng đã lập đề nghị xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, trong đó có 4 chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13-6-2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28-2-2022, gồm: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ và nội dung quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các CTQP và KQS; chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời CTQP và KQS; chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ CTQP và KQS.

PV: Thưa đồng chí, nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời CTQP và KQS được quy định cụ thể như thế nào trong dự thảo?

Thiếu tướng Lưu Quang Vụ: Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời CTQP và KQS được kế thừa và phát triển từ những quy định của Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS, qua kiểm nghiệm thực tiễn còn phù hợp và được quy định trong dự luật về nguyên tắc; các trường hợp CTQP và KQS được chuyển đổi mục đích sử dụng; thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng; bồi thường, hỗ trợ khi chuyển đổi mục đích sử dụng. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cụ thể của việc chuyển đổi mục đích sử dụng CTQP và KQS. Nội dung phá dỡ, di dời CTQP và KQS quy định cụ thể các trường hợp được phá dỡ, di dời; thẩm quyền quyết định; kinh phí thực hiện. Luật giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết về trình tự, thủ tục của công việc phá dỡ, di dời.

leftcenterrightdel
Sĩ quan Trung đoàn 2 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) thực hành bắn súng K54 trên thao trường. Ảnh: CHÍ DŨNG 

PV: Hiện nay, nhiều khu vực đất quốc phòng có tới 2-3 sổ đỏ mang chủ thể khác nhau, Cục Tác chiến đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam báo cáo Bộ Quốc phòng xử lý vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lưu Quang Vụ: Vấn đề cấp chồng sổ đỏ, lấn chiếm đối với đất quốc phòng tồn tại hiện nay là do lịch sử để lại, nội dung này liên quan trực tiếp đến các quy định của pháp luật về đất đai.

Những năm qua, Cục Tác chiến đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương giải quyết tốt vấn đề này, không để xảy ra những điểm nóng về an ninh trật tự. Ngày 16-8-2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký ban hành Chỉ thị số 90/CT-BQP về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng, chống lấn chiếm và giải quyết lấn chiếm đất quốc phòng. Từ đó đến nay đã giải quyết được 266 điểm đất quốc phòng (khu quân sự) bị lấn chiếm, diện tích khoảng 4.000ha. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, toàn quân hiện nay còn một số điểm đất quốc phòng (KQS) cần tiếp tục xử lý. Thường vụ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo phương án xử lý, giao cho các đơn vị phối hợp với các địa phương liên quan tiếp tục giải quyết. 

Quá trình soạn thảo Luật Quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu kỹ quy định về xác định và quản lý khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn hệ thống anten quân sự để bảo đảm đồng bộ với các quy định của pháp luật liên quan.

PV: Dự luật quy định như thế nào về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lưu Quang Vụ: Dự thảo luật có một chương quy định về nội dung quản lý nhà nước trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, thể hiện tầm quan trọng, nội dung và nhiệm vụ thực hiện của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương và được quy định cụ thể như sau: Tuân thủ quy định của luật về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; khi phát hiện các biểu hiện, hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời xử lý; thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong quản lý, bảo vệ CTQP và KQS, giúp đỡ và tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm bảo vệ CTQP và KQS. 

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

SƠN BÌNH (thực hiện)