Đây là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Tuy nhiên, cần phải có nhiều giải pháp hiệu quả để phát huy vai trò tiên phong của lực lượng này.
Đảng viên là bộ đội xuất ngũ (BĐXN) luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá là lực lượng chính trị tin cậy, nòng cốt ở các đơn vị dự bị động viên, dân quân tự vệ và hệ thống chính trị ở cơ sở. Từ sự quan tâm của đảng ủy quân sự các cấp và cấp ủy, chính quyền địa phương mà nhiều đồng chí đã phát huy tốt năng lực, sở trường trong công tác, góp phần quan trọng hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở cơ sở; một số đồng chí phát triển, giữ vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền địa phương.
 |
Lễ kết nạp Đảng viên của Trung đoàn 9, Sư đoàn 8, Quân khu 9. |
Thượng tá Lê Văn Tài, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mang Thít (Vĩnh Long) đánh giá: “Đây là lực lượng tiên phong, xung kích trong mọi hoạt động trợ giúp cộng đồng, cứu nạn-cứu hộ, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... Vì vậy, trong tuyển quân hằng năm, Ban CHQS huyện chủ động phối hợp với ngành chức năng tham mưu với cấp trên, giao chỉ tiêu phát triển đảng viên cụ thể cho từng xã, thị trấn; trong đó chú trọng tuyển chọn những thanh niên có lý lịch chính trị rõ ràng, trình độ văn hóa, sức khỏe bảo đảm. Mặt khác, chúng tôi còn chủ động liên hệ với đơn vị để thống kê số lượng đảng viên được kết nạp trong thời gian tại ngũ nhằm sớm có biện pháp bố trí, sử dụng khi anh em trở về địa phương”.
Hay như trường hợp đồng chí Lê Hoàng Danh, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Anh nhập ngũ năm 2002 tại Trường Quân sự Quân khu 9. Nhờ phấn đấu, rèn luyện tốt, anh được kết nạp Đảng trong thời gian tại ngũ. Năm 2004, anh xuất ngũ và được địa phương cử đi đào tạo trung cấp quân sự cơ sở, giữ chức vụ Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tân Thạnh rồi Trưởng công an xã, Phó chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch UBND xã. “Trải qua nhiều cương vị công tác, đặc biệt là thời gian rèn luyện trong quân đội giúp tôi nắm chắc hơn kiến thức quân sự, quốc phòng. Nhờ vậy, trong công tác tuyển chọn, gọi công dân khám tuyển, thực hiện nghĩa vụ quân sự hằng năm, tôi có những tham mưu, đề xuất chính xác, góp phần giúp Đảng ủy, UBND xã đưa ra chủ trương, quyết định phù hợp, đúng đắn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao”, đồng chí Lê Hoàng Danh chia sẻ.
Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành (Tiền Giang) đánh giá, đảng viên là BĐXN có chất lượng chính trị, sức khỏe tốt, được học tập, rèn luyện bài bản. Vì thế, thời gian qua, cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tạo nguồn đảng viên nhập ngũ, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành còn chú trọng làm tốt việc quản lý, sử dụng, tạo việc làm cho đảng viên là BĐXN tại địa phương. Đồng chí Hồ Văn Lăng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Châu Thành cho biết: “Mỗi năm, huyện tiếp nhận từ 20 đến 30 đồng chí đảng viên là BĐXN. Các đồng chí này sau đó sinh hoạt và được quản lý trực tiếp ở các đảng bộ cơ sở. Ban Thường vụ Huyện ủy xác định đây là lực lượng kế thừa cho cán bộ cơ sở nên đã lãnh đạo cấp ủy các xã, thị trấn quan tâm, chú ý đến đội ngũ này. Đồng thời tích cực, chủ động, tìm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý đảng viên sau xuất ngũ”.
Còn theo Đại tá Phạm Văn Khiêm, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long: “Hằng năm, chúng tôi tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng đảng viên là BĐXN. Đặc biệt là việc tạo nguồn cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa và ngày càng nâng cao hơn về trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Đồng thời căn cứ tình hình thực tế năng lực của anh em còn yếu khâu nào, mặt nào thì tổ chức bồi dưỡng sâu vào nội dung đó. Vì vậy, sau khi được tập huấn, bồi dưỡng, trình độ chính trị, năng lực chuyên môn, điều hành và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trên các mặt công tác của nhiều đồng chí được nâng lên rõ rệt”.
Bài và ảnh: THANH HUY