“Bản quốc ca” đặc biệt giữa biển khơi

“Tiếng khóc chào đời của bé vỡ òa giữa im lặng.

Nụ cười hạnh phúc của chúng tôi những người phẫu thuật, những người chờ đợi lẫn những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo.

Nụ cười hạnh phúc của người cha đón con gái thương yêu từ bàn tay thầy thuốc, những người lính bình dị giữa đời thường.

Sinh ra ở Trường Sa - phần máu thịt tổ quốc giữa trùng khơi sóng.

Rạng ngời niềm vui giữa đảo xa - đất liền.

Chào đón mầm sống mới giữa Trường Sa.

Nguyễn Ngọc Trường Xuân sẽ mãi như mùa xuân vĩnh hằng, mùa xuân hòa bình và hạnh phúc mà biết bao máu xương đã đổ xuống giữ gìn...”.

Đó là những ca từ vô cùng ý nghĩa mà Thiếu tướng, PGS, TS, bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 xúc động sáng tác khi chứng kiến cảnh một bé gái đỏ hỏn được các bác sĩ ẵm lên từ vết mổ của người mẹ, cất tiếng khóc oa oa chào đời ở nơi mênh mông sóng gió: Trường Sa, gần 11 năm về trước, ngày 4-4-2011. Những bác sĩ của bệnh viện đã lặng thinh, xúc động rồi vỡ òa niềm vui trước giây phút thiêng liêng ấy…

Thiêng liêng bởi đó là ca mổ sinh con đầu tiên trên quần đảo Trường Sa và cũng là ca sinh đầu tiên của người dân trên đảo Trường Sa Lớn. Và bé gái của ca sinh mổ đầu tiên đó là Nguyễn Ngọc Trường Xuân, năm nay 11 tuổi.

Khi ấy, dù điều kiện y tế trên đảo rất khó khăn, thay vì vào đất liền theo dõi sinh con như những người khác, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (Cam Ranh, Khánh Hòa) từ lúc mang thai đã tin tưởng vào các bác sĩ trên đảo và quyết định sinh con tại đảo. Tuy nhiên, sát ngày sinh, các bác sĩ lại phát hiện chị Nguyễn Thị Thanh Thúy có ngôi thai nằm ngang, u xơ tử cung, thiểu ối, dây nhau quấn cổ thai nhi… phải thực hiện kỹ thuật sinh mổ. Lập tức, một cầu truyền hình được thiết lập, ca mổ đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp từ Bệnh viện Quân y 175 nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ ca mổ…

 Niềm vui mừng của ê kip phẫu thuật và gia đình. Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc

Cảm phục, biết ơn các bác sĩ trực tiếp thực hiện ca mổ thành công giúp mẹ tròn, con vuông, bố mẹ của bé gái đã lấy hai từ “Ngọc” và “Xuân” trong tên của hai bác sĩ: Nguyễn Hà Ngọc (Bệnh viện Quân y 175) và Nguyễn Xuân Lãng (Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa) để đặt tên cho con mình. Còn chữ “Trường” là Trường Sa – mảnh đất mà bé chào đời. Vợ chồng chị Thúy đặt tên như vậy để mong sau này lớn lên bé sẽ luôn nhớ về những người đã giúp mình chào đời, về nơi mình sinh ra. Đó còn là sự gửi gắm, là ước mong về một mùa xuân vĩnh hằng trên đảo Trường Sa thương yêu…!

Từ ca mổ đặc biệt ấy, đã có nhiều em bé chào đời ở nơi đặc biệt này trở thành các công dân tiêu biểu trên đảo tiền tiêu của đất nước. Và "Sinh ra ở Trường Sa" cũng là ca khúc được nhiều người yêu thích bởi ca từ chân thật, khắc họa được những hy sinh thầm lặng của những người mang trên mình hai màu áo.

Đã gần 11 năm trôi qua nhưng Trung tá, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, Phó chủ nhiệm Khoa Y học Thể thao - Bệnh viện Quân y 175, nguyên Trưởng Bệnh xá Trường Sa Lớn giai đoạn 2010 - 2011 khi nghe chúng tôi nhắc đến bé Trường Xuân, vẫn không giấu nổi sự xúc động.

“Cũng lâu chưa gặp con, hôm vừa gặp thấy con gái lớn và trưởng thành hơn, tôi vui lắm. Con không chỉ là một công dân trên đảo mà trong lòng cán bộ, chiến sĩ chúng tôi, con còn là một đồng đội, là thành viên đặc biệt của gia đình Bệnh viện Quân y 175”, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc nói.

Tiếng khóc đầu đời năm ấy của bé nơi nghìn trùng sóng biển không chỉ là niềm vui, hạnh phúc của bố mẹ mà còn là niềm vui khôn xiết của tất cả lực lượng y tế có mặt trên đảo cũng như đội ngũ lãnh đạo, bác sĩ có mặt tại Bệnh viện Quân y 175 tham gia hỗ trợ, theo dõi qua hệ thống hội chẩn trực tuyến Telemedicine (y học từ xa).

“Tiếng khóc chào đời của con thiêng liêng lắm. Đó là “bản quốc ca” đặc biệt giữa biển khơi, là minh chứng cho sự bình yên nơi đảo xa, cho chủ quyền đất nước và tiếp thêm niềm tin để người dân an tâm định cư nơi Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. Đó là một bản quốc ca hoàn hảo nhất trên đảo!”, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc xúc động nói. 

Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc chia sẻ, thời điểm đó, hệ thống trang thiết bị y tế trên đảo rất thiếu thốn, chỉ có những trang thiết bị thô sơ, chưa có dao mổ điện hỗ trợ cầm máu, phòng mổ vô trùng cũng không, điện phải phát từ máy nổ, thời tiết mùa hè nóng bức… Do đó, những tình huống bất ngờ vượt tầm kiểm soát đều rất dễ xảy ra.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ, động viên từ đất liền, hệ thống Telemedicine mới hoàn thiện cũng đã góp phần tạo niềm tin cho lực lượng quân y trên đảo hoàn thành nhiệm vụ. Ca mổ sinh đón bé Trường Xuân cũng là lần đầu tiên quân y trên đảo Trường Sa Lớn thực hiện phương pháp Telemedicine một cách bài bản, tận dụng được trí tuệ tập thể của đất liền, tạo thêm sự tự tin cho kíp mổ.

Người thân gặp gỡ, giao lưu trực tuyến với các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 công tác ở Bệnh xá Đảo Trường Sa. Ảnh: Hùng Khoa

Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt (Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175), tại hội thảo 30 năm kết hợp quân dân y trên biển đảo diễn ra vào ngày 10-12-2021 mới đây cũng nhấn mạnh: “Ca mổ năm đó là bước tiến lớn, là niềm tự hào của bao người!”.

Từ sự thành công của ca mổ ấy, nhận thấy tầm quan trọng của công tác hội chẩn từ xa mà hệ thống Telemedicine đã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ và ngày nay đã thể hiện rõ hiệu quả thiết thực trong công tác chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe quân dân trên các đảo.

“Gắn bó với Trường Sa, vất vả rất nhiều nhưng cũng khó có đơn vị nào hạnh phúc hơn chúng tôi. Minh chứng là không ít cháu bé được sinh ra ở Trường Sa, ba mẹ đã lấy tên các bác sĩ đặt tên cho các cháu. Điều này không phải thầy thuốc nào cũng có được!”. - Thiếu tướng, PGS. TS, bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175.

  

Những lần cứu ngư dân thoát khỏi "lưỡi hái tử thần"

Khác với đất liền - nơi có điều kiện khám chữa bệnh tốt, ở nơi đầu sóng ngọn gió này, chuyện ốm đau, tai nạn phải đối mặt với bao khó khăn, thậm chí có nhiều nguy cơ đối mặt với cái chết. Vì địa lý cách trở, việc chuyển viện cho bệnh nhân trong những trường hợp bệnh nặng vào đất liền là rất khó khăn, do đó, việc chẩn đoán, cấp cứu cho bệnh nhân qua cầu truyền hình thực sự đã phát huy hiệu quả.

Mới đây, ngày 11-2-2022, đang trên hành trình đi biển dài ngày, anh Trần Văn Phụng (38 tuổi, Quảng Ngãi) - thuyền viên một tàu cá - bị đau khắp ổ bụng. Khi được đưa vào Bệnh xá Đảo Song Tử Tây, anh sốt cao 39,9 độ C, sau khi làm xét nghiệm nhanh lại cho kết quả dương tính với Covid-19.

Ngay sau khi tiếp nhận và đánh giá ban đầu bệnh nhân, kíp quân y của Bệnh xá Đảo Song Tử Tây đã nhanh chóng hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Các bác sĩ ở hai điểm cầu đã cùng lên phác đồ cứu chữa, điều trị hiệu quả cho người bệnh. Kết quả, bệnh nhân giữ được tính mạng và đã được đưa về tàu cá an toàn; đồng thời cũng bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

 
Kíp quân y của Bệnh xá Đảo Song Tử Tây hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khi cấp cứu ngư dân bị bán tắc ruột. Ảnh: Bệnh viện 108 cung cấp

Trước đó, vào tháng 4-2021, ngư dân Bùi Văn Thân (sinh năm 1970, quê Quảng Nam) cũng đang trên hành trình đánh bắt cá tại ngư trường Trường Sa thì xuất hiện đau bụng và được đưa vào Bệnh xá đảo Song Tử Tây sau 32 giờ.

Sau quá trình siêu âm, khám hội chẩn trực tuyến kết nối giữa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tại Hà Nội với Bệnh xá Đảo Song tử Tây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc ruột thừa giờ thứ 32 trên nền bệnh nhân huyết áp cao. Trường hợp này nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể bị tử vong.

Rất nhanh chóng, các bác sĩ từ hai điểm cầu đã quyết định chỉ định gây mê nội khí quản, mổ cắt bỏ ruột thừa, lau rửa, dẫn lưu ổ bụng rộng rãi. Được mổ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã được cứu sống, sức khỏe phục hồi.

Công tác và chứng kiến nhiều lần hội chẩn qua hệ thống Telemedicine, Đại úy Trần Văn Hùng, Bệnh xá trưởng Bệnh xá Đảo Song Tử Tây đánh giá cao hiệu quả của hệ thống y học từ xa này. Anh cho biết, thời gian qua, quân y trên đảo đã nhiều lần kết nối thông qua hệ thống Telemedicine với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để hội chẩn, nhận sự hỗ trợ hiệu quả, kịp thời từ các chuyên gia, từ đó nâng cao chất lượng điều trị cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân.

“Telemedicine đã giúp những bác sĩ chúng tôi lựa chọn được phác đồ điều trị tối ưu nhất, tận dụng được từng giây phút “vàng” giành giật sự sống của các cán bộ, chiến sĩ cũng như ngư dân thoát khỏi lưỡi hái tử thần”, Đại úy Trần Văn Hùng chia sẻ.

Những dòng thư cảm ơn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân gửi đến các y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là minh chứng rõ nét, là niềm vui, động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ quân y nỗ lực hơn nữa để cứu chữa cho đồng đội, nhân dân.

Mới đây, những dòng thư cảm ơn chân tình từ con trai của một người bệnh được gửi đến các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm nhiệm vụ tại Đảo Song Tử Tây (Trường Sa) khi các anh đã "hồi sinh" cho ba mình. Bức thư là những câu chữ chân thành, xúc động:

Sau gần một tháng lênh đênh trên biển, sau bao ngày gia đình chúng tôi lo lắng và chờ đợi thì ba tôi - Phan Đượm - đã về đến đảo Lý Sơn an toàn; sức khỏe của ba tôi cũng đã dần ổn định.

Ba tôi theo nghề đi biển khi tôi chưa lọt lòng, rồi đến khi tôi lớn lên và từ đó tôi cũng biết ba tôi yêu cái nghề biển này, lấy chiếc thuyền làm nhà, lấy biển cả bao la làm bạn. Khi ba đã lớn tuổi, gia đình chúng tôi không cho ba đi biển nữa nhưng cũng vì nhớ nghề, nhớ biển và khi lớn tuổi vẫn không chịu ngồi ở nhà nên ba lại đi ra biển khơi xa để tiếp tục với đam mê... Nhưng chuyến đi vừa rồi không may, ba tôi gặp nạn và được đưa vào Đảo Song Tử Tây cấp cứu.

Nhờ sự cứu giúp tận tình của hai bác sĩ Hoàng Công Trọng và Chế Minh Tuấn (2 bác sĩ quân y của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cùng với các cán bộ, chiến sĩ đang làm công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước tại Đảo Song Tử Tây - Trường Sa, ba tôi đã vượt qua cơn nguy kịch. Ân tình này gia đình chúng tôi sẽ không bao giờ quên….!”.

 
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hội chẩn và chỉ đạo mổ trực tuyến cấp cứu ngư dân tại Đảo Song Tử Tây. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Mệnh lệnh từ trái tim người lính

Thiếu tướng, PGS,TS, Thầy thuốc nhân dân Phạm Nguyên Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nhấn mạnh, Bệnh viện được giao nhiệm vụ bảo đảm công tác quân y tại Đảo Song Tử Tây. Bệnh viện luôn coi đây là nhiệm vụ đặc biệt và vẻ vang suốt những năm qua; là trọng tâm trong thực hiện công tác huấn luyện, bảo đảm chiến đấu, góp phần trực tiếp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu” và với mệnh lệnh từ trái tim người lính, Bệnh viện đã luân phiên cử tổ công tác gồm các bác sĩ, điều dưỡng viên thường xuyên làm nhiệm vụ tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây để chăm sóc sức khỏe, kịp thời cấp cứu, điều trị cho quân, dân trên đảo, nhất là các trường hợp ngư dân ta đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa gặp nạn.

Chia sẻ thêm về “chiếc cầu nối Telemedicine”, Thiếu tướng, PGS,TS Phạm Nguyên Sơn cho biết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 áp dụng hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống Telemedicine để chỉ đạo, hỗ trợ chẩn đoán, cấp cứu, điều trị cho các tuyến bệnh viện ở vùng sâu xa, vùng núi, hải đảo từ 15 năm nay.

Thông qua Telemedicine, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhiều lần hỗ trợ kịp thời, hội chẩn và phẫu thuật nhiều trường hợp cán bộ, chiến sĩ và ngư dân bị bệnh hay gặp tai nạn để không ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe…

Trong đó, có nhiều ca cấp cứu đặc thù của nghề biển như: Bệnh lý giảm áp do lặn sâu, tai nạn lao động trong quá trình đánh cá cũng như các bệnh lý nguy hiểm thường gặp như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thủng tạng rỗng, viêm ruột thừa. Những ca bệnh này vốn rất nguy hiểm, có thể để lại những biến chứng nặng hoặc tử vong nếu không được cấp cứu, xử lý kịp thời…

"Hệ thống Telemedicine thực sự là “cây cầu” gắn kết thường xuyên giữa các bệnh viện, là “cánh tay nối dài”, là chỗ dựa tin cậy để cán bộ, chiến sĩ trên đảo vững tay súng, ngư dân yên tâm bám biển bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", Thiếu tướng, PGS,TS Phạm Nguyên Sơn khẳng định.

 Trực thăng cấp cứu đưa ngư dân suy hô hấp từ Trường Sa về Bệnh viện Quân y 175 điều trị. Ảnh: Hùng Khoa

Đại tá, TS Trần Quốc Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, tại hội thảo 30 năm kết hợp quân dân y trên biển đảo diễn ra ngày 10-12-2021 thì chia sẻ: Ngày 28-10-1991, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số 454/QĐ giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Quân y 175 và các đơn vị bảo đảm lực lượng quân y cho quần đảo Trường Sa. Năm 2006, Tổng Tham mưu trưởng ra quyết định tổ chức lại lực lượng quân y trên quần đảo Trường sa, trong đó quyết định thành lập Bệnh xá Đảo Trường Sa Lớn, giao cho Bệnh viện Quân y 175 đảm nhiệm.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật, điều trị chấn thương phức tạp thành công.

Đặc biệt, tháng 3-2011, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn từ Bệnh viện Quân y 175 và các chuyên khoa của Bệnh viện thông qua hệ thống Telemedicine, Bệnh xá đảo Trường Sa đã tổ chức và thực hiện thành công ca mổ đẻ sinh đầu tiên trên đảo Trường Sa. Đến nay, Bệnh xá đã khám và điều trị cho hơn 24.300 lượt bộ đội và ngư dân công tác, lao động sản xuất trên vùng biển, đảo phía Nam của Tổ quốc, trong đó phẫu thuật hơn 250 ca loại 1, 2.

Trong 30 năm qua, đã có 56 bác sĩ, 93 y sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, kỹ sư công tác tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, khiến nơi đây đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy, điểm tựa vững chắc trong chăm sóc sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân”, Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt nói.

Biển đảo mênh mông và xa xôi nhưng đã thật sự được kéo lại rất gần bởi trái tim, tấm lòng và trách nhiệm những chiến sĩ mặc áo blouse trắng. Những người chiến sĩ mang hai màu áo sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, phục vụ Quân đội, phụng sự nhân dân trong công tác chăm sóc sức khỏe, góp phần cùng quân dân bám biển, bám đảo, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!.

"Bộ Quốc phòng đánh giá cao việc tổ chức và duy trì Trung tâm Y tế Trường Sa đã thiết thực chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; các hoạt động cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển, đưa vào đất liền chữa trị đã góp phần tô thắm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, phối hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Điều này đã tạo niềm tin, điểm tựa vững chắc để cán bộ chiến sĩ, ngư dân yên tâm bám đảo, bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (Phát biểu tại Hội thảo khoa học “30 năm kết hợp quân dân y trên biển, đảo” ngày 10-12-2021)

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ