Bởi vậy, những người thầy thuốc của các bệnh viện quân đội nói chung và Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội nói riêng luôn "nêu cao y đức, rèn luyện y thuật, phát triển y lý”.
“Liều thuốc” khắc chế tế bào ung thư
Bước vào Phòng Hậu phẫu của Khoa Ngoại, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội khi mà liên tục các đợt không khí lạnh tăng cường ở Thủ đô Hà Nội. Mặc dù nhiệt độ ngoài trời xuống đến 13 độ C nhưng trong căn phòng này luôn ấp áp bởi chứa chan “ánh lửa” thắm tình quân dân của các bác sĩ dành cho bệnh nhân. Nhìn gương mặt bệnh nhân sau mổ và những ánh mắt trìu mến, vô cùng thân thương của họ dành cho các bác sĩ, chúng tôi cảm nhận được niềm tin, tình cảm mà những người bệnh dành cho các chiến sĩ, bác sĩ nơi này.
Ở đây thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của các bác sĩ đã khiến cho bệnh nhân vơi đi nỗi đau bệnh tật và góp phần “đốt cháy” sự lây lan của mầm bệnh. Đây chính là “liều thuốc” tinh thần góp phần khắc chế tế bào ung thư của người bệnh.
 |
Đại tá Nguyễn Văn Mùi, Viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội (áo trắng) đang chỉ đạo kíp mổ. |
Bị căn bệnh ung thư đại tràng khi 78 tuổi, ông Nguyễn Đức Khánh, Chí Linh, Hải Dương đang chuẩn bị bước vào ca mổ chia sẻ: Tôi đã từng có thời gian gần 10 năm phục vụ trong quân đội. Chính vì thế, tôi quyết định chọn nơi này để điều trị. Trước khi đến với Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội, tôi đã được nghe nhiều người kể và giới thiệu về phương pháp điều trị ung thư cũng như quá trình chăm sóc, thăm khám của các bác sĩ nơi đây đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Bởi thế, khi đến Bệnh viện, tôi rất tin tưởng vào trình độ chuyên môn, trang bị kỹ thuật cũng như sự tận tình của các y, bác sĩ và nhân viên y tế.
 |
Đại úy, bác sĩ Nguyễn Văn Thái đang khám bệnh cho bệnh nhân Nguyễn Đức Khánh. |
“Các y, bác sĩ đã thăm khám cho tôi rất cẩn thận đồng thời xem xét và đưa ra phác đồ điều trị, động viên tôi cố gắng vượt qua bệnh tật. Vì thế, tôi rất yên tâm để chuẩn bị bước vào ca mổ. Khi đến đây, tôi cảm nhận được tình yêu thương của các y, bác sĩ dành cho mình, đó chính là động lực vô cùng lớn lao để tôi tiếp tục cuộc chiến với căn bệnh này”, bệnh nhân Nguyễn Đức Khánh bày tỏ.
Chứng kiến tình cảm của bệnh nhân Khánh dành cho các bác sĩ nơi đây, chúng tôi hiểu rằng, trong thâm tâm người bệnh còn muốn bày tỏ nhiều hơn nữa cảm xúc của mình dành cho bác sĩ. Nhưng vì cơ thể còn đang rất yếu và không thể nói được nhiều nhưng bằng ánh mắt đong đầy tình cảm hướng về người thầy thuốc thì trong buồng bệnh này, cả người nhà bệnh nhân và bác sĩ đều cảm nhận được niềm tin và sự yêu mến của bệnh nhân dành cho những chiến sĩ, bác sĩ nơi này.
Là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Đức Khánh, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Khoa Phẫu thuật tổng hợp cho biết: Khi bệnh nhân này vào viện, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra thì phát hiện ra u ở đại tràng. Khó khăn khi điều trị cho những bệnh nhân này là tuổi cao, mà những bệnh về đại tràng, trực tràng lại là một trong những loại bệnh rất nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi đã hội chẩn và đánh giá, bệnh nhân vẫn có thể tiến hành phẫu thuật để qua đó có phác đồ chữa trị hiệu quả hơn.
Đã qua gần 4 tháng rồi, nhưng đến bây giờ Thượng tá Nguyễn Đức Công, Phó viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội kiêm Giám đốc Trung tâm y tế ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân vẫn không thể nào quên những tháng ngày mà các y, bác sĩ của Bệnh viện phải căng mình để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân N.Đ.Q, 57 tuổi, quê ở Thái Bình. Bệnh nhân được chẩn đoán u thanh quản giai đoạn cuối.
“Tháng 12-2021, bệnh nhân này được đưa đi chiếu xạ nhưng khối u đã chèn ép vào đường thở. Vì điều kiện sức khỏe của người bệnh lúc đó mà chúng tôi không thể chuyển bệnh nhân đi các bệnh viện tuyến trên để mở khí quản bởi nếu di chuyển thì tiên lượng bệnh nhân rất xấu, có thể qua đời ngay trên đường. Vì thế, chúng tôi đã quyết định mở khí quản, sau đó bệnh nhân đã phục hồi tốt. Bệnh nhân được ra viện và tiếp tục điều trị hóa chất, đó là một trong những ca bệnh điển hình mà chúng tôi xử lý kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây”, Thượng tá Nguyễn Đức Công cho biết.
Giờ đây, nụ cười đã nở trên môi bệnh nhân này. Với những bác sĩ quân y thì mỗi tiếng cười và niềm vui của những bệnh nhân ung thư chính là món quà vô giá mà những chiến sĩ, bác sĩ nhận được trong Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay.
 |
Bác sĩ Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đang thực hiện ca mổ. |
Tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Trong gian khó, hiểm nguy thì hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ luôn hiện hữu bằng những việc làm, hành động cụ thể, giúp đỡ nhân dân vượt qua trọng bệnh. Đó chính là phương châm hành động của mỗi bác sĩ quân y nơi đây.
Chia sẻ về tinh thần làm việc không quản ngại khó khăn của các y, bác sĩ, Thượng tá Nguyễn Đức Công nhấn mạnh: Chúng tôi đã quán triệt đến toàn bộ cán bộ, đảng viên trong Viện rằng, trong mọi tình huống phải xác định, làm hết sức mình vì tính mạng của người bệnh. Bởi thế mà các y, bác sĩ ai cũng đều xác định sẽ không ngại khó, ngại khổ; có thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống dịch thì toàn bộ cán bộ, chiến sĩ ăn, nghỉ luôn tại Viện để chữa trị cho những bệnh nhân nặng; nhiều đồng chí mới sinh con hoặc mới lập gia đình cũng sẵn sàng ở lại đơn vị và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong bối cảnh Hà Nội đang gia tăng kỷ lục về số ca nhiễm Covid-19, ngoài việc điều trị bệnh ung thư thì các bác sĩ phải đảm đương cả việc chữa trị Covid-19. Hiện nay, bệnh viện có 2 bệnh nhân là L.V. Đ (70 tuổi), quê ở Hưng Yên, bị ung thư thực quản và N.V.Q (68 tuổi), ở Thái Bình bị ung thư tiền liệt tuyến. Cả hai bệnh nhân này đều bị nhiễm Covid-19.
“Với những bệnh nhân này thì chúng tôi phải có phác đồ chữa trị riêng. Hiện nay, hai bệnh nhân vừa phải điều trị tia xạ nhưng do bị nhiễm Covid nên đồng thời phải chữa trị cả hai loại bệnh cùng lúc. Với phác đồ chữa trị hợp lý, dự kiến trong vài ngày tới hai bệnh nhân này khỏi Covid thì chúng tôi sẽ cho ra viện”, Thượng tá Nguyễn Đức Công cho biết.
Dẫu rằng biết trước những khó khăn, vất vả mà các bác sĩ quân y, đặc biệt là bác sĩ chuyên về điều trị ung thư đang phải trải qua nhưng Đại úy, bác sĩ Nguyễn Văn Thái vẫn quyết tâm đi theo con đường mà mình đã lựa chọn.
Anh tâm sự: “Chúng tôi mang trên mình hai trọng trách, vừa là bác sĩ vừa là quân nhân. Chính vì vậy, bản thân mỗi bác sĩ quân y phải hy sinh nhiều so với các đồng nghiệp. Đương nhiên là so với nhiều đồng đội của mình đang công tác ở những vùng biên giới, hải đảo thì điều kiện làm việc, phát triển chuyên môn môi trường sống của tôi còn tốt hơn nhiều. Vì thế, khi đã chọn nghề bác sĩ mà lại là bác sĩ quân y thì thực sự phải yêu quý, trân trọng nghề nghiệp của mình thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trong chiến tranh thì hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã tỏa sáng thì giờ đây, đất nước không còn chiến tranh nhưng những hy sinh thầm lặng của các bác sĩ mãi là những hình ảnh đẹp, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân.
Đơn vị đặc biệt chẩn đoán, điều trị cho những bệnh nhân đặc biệt
Việc ứng dụng năng lượng nguyên tử và công nghệ phóng xạ hạt nhân ngày càng phát triển rộng rãi. Điều này mang lại lợi ích rất lớn tuy nhiên lại chứa đựng nhiều nguy cơ liên quan đến nhiễm phóng xạ. Việc người lao động bị bỏng phóng xạ, nhiễm phóng xạ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, ảnh hưởng đến gen. Đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm.
 |
Những thiết bị sử dụng tại Trung tâm y tế ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. |
Ngày 25-11-2021, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm y tế ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân. Trung tâm là đơn vị đặc biệt, được sinh ra để tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân bị phơi nhiễm phóng xạ. Hiện nay, Viện được Bộ Quốc phòng xếp hạng chuyên môn Viện loại I về chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực y học phóng xạ và điều trị u bướu.
Nhiệm vụ của Trung tâm là sẵn sàng tổ chức lực lượng cơ động, nhanh chóng phát hiện tổn thương phóng xạ, kịp thời đề xuất áp dụng các biện pháp xử trí, tổ chức cấp cứu, thu dung, điều trị nạn nhân. Ngoài ra còn có nhiệm vụ phòng, chống khẩn cấp các nguy cơ tổn thương do phóng xạ, bảo đảm an toàn bức xạ cho bộ đội và nhân dân khu vực xảy ra sự cố phóng xạ.
 |
Thượng tá Nguyễn Đức Công, Phó viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội kiêm Giám đốc Trung tâm y tế ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân. |
Đại tá Nguyễn Văn Mùi, Viện trưởng Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội cho biết: Trung tâm y tế ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân ra đời để sẵn sàng đáp ứng khi có các tình huống chiến tranh công nghệ cao. Trung tâm đảm nhiệm nhiệm vụ ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân xảy ra trong thời bình. Tuy nhiên, để đáp ứng tình huống khi xảy ra chiến tranh thì chúng tôi đã biên soạn tài liệu huấn luyện cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các đơn vị trong quân đội về cách thức nhận biết tổn thương phóng xạ và xử trí tại tuyến đơn vị…Chúng tôi đã biên soạn những tài liệu mới nhất để thành lập phân đội quân y sẵn sàng ứng phó với sự cố bức xạ hạt nhân. Đó là những bước chuẩn bị sắp tới cho mạng lưới ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trong và ngoài quân đội.
 |
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y phát biểu tại Lễ ra mắt Trung tâm. |
Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y cho biết: Trung tâm y tế ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân được thành lập sẽ góp phần chăm sóc bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, phòng chống sự cố bức xạ, tai nạn phóng xạ trong mọi tình huống. |
Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Trung tâm phải sẵn sàng đáp ứng khi có các tình huống chiến tranh công nghệ cao. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, y học quân sự, áp dụng những thành tựu tiên tiến trong chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư; mở rộng quan hệ hợp tác khoa học kỹ thuật với quân y các nước trên thế giới và trong khu vực, tạo điều kiện phát triển nền y học quân sự Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trung tâm còn có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu, tổ chức đào tạo, huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến đối với các đơn vị cấp cứu ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trong và ngoài quân đội; phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế và các đơn vị có liên quan, nhanh chóng triển khai lực lượng, phương tiện để tham gia cấp cứu nạn nhân tại nơi xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân khi có yêu cầu.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Y tế và các cơ sở y tế trong nước để nghiên cứu, biên soạn tài liệu hướng dẫn, huấn luyện, đào tạo, bảo đảm trang bị chuyên ngành về lĩnh vực y tế ứng phó sự cố, tai nạn bức xạ, hạt nhân và đảm bảo an toàn bức xạ theo thẩm quyền quy định. Duy trì mối liên hệ với cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và tổ chức y tế thế giới để cập nhật thông tin phục vụ cho công tác huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
 |
Kỹ thuật viên đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm. |
Thượng tá Nguyễn Đức Công cho biết: Trung tâm nằm trong hệ thống ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ hạt nhân quốc gia, có chức năng tham mưu cho Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc Phòng về lĩnh vực y tế ứng phó sự cố, tai nạn bức xạ, hạt nhân; tổ chức huấn luyện, đào tạo và nghiên cứu khoa học chuyên ngành cấp cứu nhiễm xạ; là lực lượng nòng cốt tham gia khắc phục sự cố bức xạ, hạt nhân ngành quân y.
Tiếp nối tinh thần “Bộ đội chủ động tìm đến với nhân dân chứ không để nhân dân khó khăn tìm đến bộ đội” đã được những người chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ thực hiện trong suốt thời gian qua. Đến ngày nay, trong gian khó, hiểm nguy thì tinh thần đó lại được nhân lên gấp bội phần...
Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội được thành lập ngày 24-4-1996 trực thuộc Cục Quân y. Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, Viện Y học phóng xạ và U bướu Quân đội đã ngày càng phát triển, trở thành bệnh viện hạng I của Bộ Quốc phòng.
Viện được coi là đơn vị chuyên điều trị các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, ung thư tuyến giáp (K giáp) và nhiều căn bệnh ung thư khác. Hiện nay các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp tại Viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội là các phương pháp hiện đại nhất, giúp rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả chữa bệnh.
|
(Còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ