Nhận thức rõ vấn đề này, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều biện pháp, xây dựng thế trận vùng biên vững chắc.

Sáng sớm, hạt sương còn giăng mắc trên những ngọn cây thì các em học sinh lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Lộc Hòa, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) đã có mặt đông đủ để tham gia “Tiết học biên giới” do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (BĐBP tỉnh Bình Phước) phối hợp với nhà trường tổ chức. Tại tiết học, các em được trực tiếp quan sát, chạm tay vào cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc, biết được vị trí biên giới thực địa, được nghe phổ biến những quy định, hiệp định về biên giới và trải nghiệm cùng cán bộ, chiến sĩ nhiều hoạt động ý nghĩa về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Bộ đội Biên phòng Bình Phước tuyên truyền pháp luật cho nhân dân vùng biên. 

Em Nguyễn Hữu Sang, học sinh lớp 9A bày tỏ: "Em đã tham gia tiết học nhiều lần, nhưng mỗi lần học là một cảm xúc mới lạ. Chúng em hiểu sâu sắc hơn về chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và những công việc thầm lặng, vất vả của các chú BĐBP. Vì vậy, chúng em tự nhủ phải tích cực học tập để trở thành công dân có ích, góp phần nhỏ bé xây dựng vùng biên giàu đẹp, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia".

 “Tiết học biên giới” là một trong những mô hình điển hình trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh của BĐBP tỉnh Bình Phước, được thực hiện từ năm 2017 đến nay. Theo đó, mỗi đồn biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà trường tổ chức 3-4 tiết/quý, giáo viên đứng lớp là cán bộ biên phòng. "Tiết học biên giới" góp phần hun đúc truyền thống, hình thành ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cho mỗi em học sinh nói riêng, người dân nói chung.

Bình Phước có đường biên giới dài hơn 250km tiếp giáp với nước bạn Campuchia, thuận lợi trong giao thương, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến thực hiện bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Nguyên nhân chủ yếu là địa bàn có nhiều đường mòn qua lại biên giới, rất dễ để các đối tượng lợi dụng nhằm xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển ma túy, hàng hóa trái phép và các hoạt động vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và người dân từ các địa phương đến làm ăn, sinh sống còn khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng...

Đại tá Nguyễn Văn Phương, Chính ủy BĐBP tỉnh Bình Phước, cho biết: "Để góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và bảo đảm tốt việc giữ gìn an ninh-trật tự, Đảng ủy, chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Phước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể, tập trung nâng cao chất lượng tuyên truyền pháp luật cho nhân dân, tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở; phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội... Đảng ủy, chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Phước luôn chủ động rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức, lực lượng; lựa chọn cán bộ có tâm huyết, kinh nghiệm để bố trí công tác, nhất là tại những địa bàn khó khăn, phức tạp, đồng thời thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, dân tộc, tôn giáo cho cán bộ, nhân viên sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị và địa phương. BĐBP tỉnh Bình Phước thường xuyên duy trì tăng cường 5 cán bộ xuống các xã biên giới; 90 cán bộ, đảng viên sinh hoạt tại 90 chi bộ thôn, ấp và 316 cán bộ, đảng viên phụ trách, giúp đỡ 1.461 hộ dân khó khăn...".

Trở về sau đợt công tác bám địa bàn, Thượng úy QNCN Lâm Keo Văn Xuân, người dân tộc Khmer, trinh sát viên BĐBP tỉnh Bình Phước, cho hay: "Là người địa phương nên tôi hiểu sâu sắc tập quán, văn hóa, tiếng nói của đồng bào cũng như nắm chắc tình hình địa bàn. Từ đó tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, địa phương phát huy tốt vai trò các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tuyên truyền vận động bà con thực hiện hiệu quả nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia cùng bộ đội bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển".

Từ đầu năm 2022 đến nay, BĐBP tỉnh Bình Phước đã tuyên truyền tập trung 1.419 buổi cho hơn 35.400 người dân, tuyên truyền nhỏ lẻ cho 4.960 hộ dân; hỗ trợ sinh kế, vốn sản xuất hơn 270 triệu đồng, tặng hơn 4,5 tấn gạo từ Phong trào “Hũ gạo tình thương” của đơn vị cho người dân khó khăn; huy động hơn 5.000 ngày công giúp dân thu hoạch 150ha hoa màu... Thông qua những việc làm cụ thể, đơn vị đã giúp các xã vùng biên củng cố 36 chi bộ, 15 ban, ngành, đoàn thể vững mạnh và có 100% thôn, ấp vùng biên; 24 tổ chức chính trị, doanh nghiệp và hơn 14.400 hộ dân tự nguyện đăng ký tham gia Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, xây dựng nên nhiều mô hình hiệu quả.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, khẳng định: "Năm 2022, nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao quốc tế lớn của đất nước, Quân đội diễn ra tại biên giới Bình Phước. Nhân dân luôn đoàn kết một lòng cùng bộ đội và cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần để tổ chức các sự kiện thành công tốt đẹp, tô thắm tình đoàn kết hữu nghị truyền thống Việt Nam-Campuchia. Trong những thành tích đó có đóng góp đáng kể của BĐBP và các lực lượng vũ trang trong tỉnh".

Bài và ảnh: ÁNH THỊNH -  HIỂN NGUYỄN