Bằng những hình thức khác nhau, các trường đã tổ chức cho học sinh học tập, tham quan thực tế tại các bảo tàng, di tích lịch sử để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.

Đa dạng hóa hình thức “dạy người”

“Tiên học lễ, hậu học văn” là câu nói đầu tiên mà mỗi học sinh khi bước chân vào trường đều được thấy, được nghe và được giảng giải. Đây cũng là thông điệp, là phương châm giáo dục tiếp tục được gìn giữ và phát huy ngay trong năm học này.

Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (quận Cầu Giấy) thuyết trình về chủ đề “Trần Hưng Đạo với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.Ảnh: LÊ LIÊN.

Ngôi trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) hơn 100 năm tuổi với truyền thống dạy và học đã trở thành niềm tự hào của mỗi học sinh khi được học tại đây.

Việc dạy chữ kết hợp "dạy người" luôn được nhà trường chú trọng. Có lẽ vì vậy mà khi hỏi các em học sinh tại đây về môn Giáo dục công dân, phần lớn học sinh chia sẻ, môn học giúp các em hiểu rằng con người không chỉ có tài mà cần có đức, để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho xã hội.

Để môn học hấp dẫn, bên cạnh những bài học có sẵn trong sách giáo khoa, nhiều em mong muốn bài học được lồng ghép vào thực tế, vào từng môn học. Không chỉ các môn khoa học xã hội mà các môn khoa học tự nhiên cũng mang tính giáo dục. 

Trước thềm năm học mới, công tác “dạy người” và giáo dục truyền thống đã được Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) chú trọng, lồng ghép, tích hợp với các hoạt động giáo dục học sinh.

Cô Đinh Thị Hồng Châm, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Cùng với xây dựng các chuyên đề giáo dục kỹ năng sống theo từng tuần, từng tháng, chủ điểm năm học, nhà trường mời các chuyên gia giáo dục đạo đức đến nói chuyện trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, hoạt động tập thể, hay giờ sinh hoạt lớp để chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học hay cho từng khối lớp, phù hợp với từng độ tuổi và đối tượng học sinh. Các lớp có thể luân phiên tổ chức sinh hoạt dưới cờ như đóng kịch, múa hát, diễn hài; mời các học sinh giỏi, tài năng của khóa trước về trao đổi với học sinh của lớp nhằm đa dạng các nội dung, hình thức giáo dục đạo đức".

Không gian học tập trải nghiệm

Thời gian qua, nhiều trường học ở Hà Nội đã truyền tải lịch sử địa phương cho học sinh qua hình thức giáo dục trải nghiệm thực tế, ngoại khóa ở các bảo tàng, di tích lịch sử, đình, chùa. Đó là cách làm hiệu quả, khơi gợi tình yêu lịch sử của học sinh nói riêng và giáo dục truyền thống nói chung.

Chia sẻ về chuyến tham quan thành Hoàng Diệu, em Nguyễn Bình Gia Minh, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) cho biết: “Tìm hiểu về lịch sử ngôi trường mình mang tên khiến chúng cháu rất tự hào. Cháu muốn được tham quan những khu di tích như thế này để được tiếp thu nhiều điều thú vị áp dụng vào bài học”.

Nếu những năm học trước, việc học tập lịch sử tại các bảo tàng của Trường THCS Thái Thịnh chưa được triển khai đồng bộ thì bắt đầu từ năm học này, nhà trường đã đưa học sinh đến học lịch sử tại các bảo tàng, trải nghiệm tại các di tích. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh được tiếp cận nhiều chiều, tự rút ra những trải nghiệm, tự đúc kết những bài học, kiến thức mới cho bản thân.

Song hành với các nhà trường trong giáo dục lịch sử, tình yêu và sự trân trọng văn hóa truyền thống cho học sinh là các bảo tàng. Suốt những ngày hè, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tổ chức lớp học đan cỏ tế dành cho học sinh. Giáo viên của lớp học là nhóm thợ thủ công đến từ xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) và cán bộ của bảo tàng. Ở đó, các em nhỏ không chỉ được hướng dẫn sáng tạo những mẫu sản phẩm mà còn được tìm hiểu làng nghề, khai thác các câu chuyện về cuộc sống của những người thợ đan cỏ tế.

TS Bùi Ngọc Quang, Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ có cơ hội nghiên cứu, học tập và vui chơi, thư giãn sau những ngày học tập vất vả. Thông qua những hoạt động thiết thực của các bên sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa, nâng cao sự hiểu biết, thái độ trân trọng, khích lệ ý thức gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa của thế hệ trẻ”.

Nhiều năm qua, một bộ phận học sinh “chán", "sợ” học môn Lịch sử là vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Thế nhưng chuyện lại hoàn toàn khác ở Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Sân chơi lịch sử hấp dẫn các em từ những nội dung chủ đề, câu hỏi đến các trò chơi dân gian, trò chơi lồng ghép kiến thức lịch sử trên các ứng dụng công nghệ hiện đại. Bởi vậy mà “Tiến trình lịch sử Việt Nam và văn minh sông Hồng”, “Thời kỳ dựng nước đầu tiên đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938”, “Thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và giành độc lập dân tộc (1858-1945)”... đều là sự tương tác, có câu chuyện, kết hợp với trò chơi.

Các em còn được học lịch sử bằng tiếng Anh hay tham gia hóa trang thành những nhân vật lịch sử. Hình thức “học mà chơi, chơi mà học” đem lại những bài học bổ ích, phù hợp với từng lứa tuổi, cuốn hút các em.

Có thể thấy, những lớp học trải nghiệm thú vị không chỉ giúp các em củng cố kiến thức mà còn thúc đẩy, gắn kết tình yêu của thế hệ trẻ với lịch sử dân tộc. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục trong năm học sắp tới.

Bài và ảnh: THU HÀ