Từ Đồn Biên phòng La Êê vượt qua quãng đường hơn 10km đèo dốc quanh co, trơn trượt, chúng tôi mới đến được thôn Đắk Ngol, xã La Êê. Từ đây, tiếp tục hành trình đi bộ gần 30 phút đường rừng để tiếp cận chốt Đắk Ngol - nơi được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 25km đường biên giới (từ cột mốc 709 đến cột mốc 712) tiếp giáp với nước bạn Lào.

Khi đặt chân đến cột mốc 712, trước lúc tiến hành nghi thức chào cờ, các thành viên đoàn cùng nhau kiểm tra, phát dọn, lau chùi cột mốc chủ quyền và khu vực vành đai biên giới sạch sẽ. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, nghi lễ chào cờ tại cột mốc chủ quyền được tổ chức trang nghiêm. Giây phút ấy, mọi vất vả, mệt mỏi dường như tan biến, chỉ còn lại tình yêu và niềm tin mãnh liệt lấp lánh trong từng ánh mắt mỗi người.

leftcenterrightdel

Cán bộ, đoàn viên, thanh niên thực hiện nghi thức chào cờ cột mốc biên cương. 

Chia sẻ cảm xúc lần đầu tiên tham gia lễ chào cờ tại cột mốc biên giới, đoàn viên Cao Bảo Hân, Đoàn xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành xúc động nói: “Vinh dự và tự hào được khoác lên màu áo xanh Thanh niên Việt Nam, càng xúc động hơn khi được tham dự lễ chào cờ ngay tại cột mốc biên cương và đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong thanh xuân của tôi. Tôi sẽ quyết tâm phấn đấu, học tập, rèn luyện góp phần vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ mong muốn”.

leftcenterrightdel
 Khánh thành, bàn giao công trình “Thắp sáng vùng biên” bằng đèn năng lượng mặt trời.

Cùng với tham gia thực hiện nghi thức chào cờ tại cột mốc, cán bộ Đồn Biên phòng La Êê thông tin về lịch sử tuyến biên giới, giới thiệu sơ lược lý lịch, quá trình hình thành xây dựng từng cột mốc đến các thành viên của đoàn.  

Đại úy Lê Minh Nhơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng La Êê chia sẻ: “Để cán bộ, đoàn viên, thanh niên và người dân trên địa bàn đều được lên thăm đường biên giới, tham gia phát dọn và chào cờ tại cột mốc biên cương, trong định hướng của đơn vị sẽ duy trì có nền nếp Lễ “Chào cột mốc biên cương”, khuyến khích sự tham gia của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và cộng đồng. Đây cũng là cách làm hiệu quả trong công tác vận động, tuyên truyền quần chúng tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần đảm bảo, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

Cùng tham gia trèo đèo, vượt suối lên cột mốc biên cương, Thượng tá Trần Văn Đông, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Cùng hành quân, trải qua những cung đường gian nan trên tuyến tuần tra bảo vệ biên giới và tổ chức nghi thức chào cờ tại cột mốc biên cương cũng là cách giáo dục cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên hiểu hơn những khó khăn nhọc nhằn và cả hy sinh mà bao thế hệ đi trước đã giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

leftcenterrightdel
 Tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng biên.

Chương trình “Tháng Ba biên giới” còn sôi nổi với các hoạt động an sinh xã hội như: Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, cắt tóc miễn phí; thăm, tặng quà người dân và thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, các cựu chiến binh, gia đình chính sách, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc; khánh thành bàn giao công trình, phần việc thanh niên “thắp sáng vùng biên” bằng đèn năng lượng mặt trời; giao lưu văn nghệ và sinh hoạt lửa trại…

Trong ánh lửa bập bùng, những chàng trai, cô gái Cơ Tu, Giẻ Triêng tuổi mười tám, đôi mươi căng tràn nhựa sống cất cao tiếng hát cùng cán bộ, đoàn viên, thanh niên giữa núi rừng biên cương. Đêm giao lưu văn nghệ xen lẫn những câu chuyện kể về cột mốc biên cương cứ như thế kéo dài vô tận…

Bài, ảnh: LÊ TÂY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.