Chiến thắng này góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc địa bàn có ý nghĩa chiến lược ở Quảng Trị, để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật tạo lập thế trận vững chắc, tác chiến hiệp đồng binh chủng.
Cửa Việt là hải cảng nằm giáp giới địa phận hai xã Triệu Văn và Triệu Hải thuộc huyện Triệu Phong, nằm sâu trong vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị, có vị trí rất quan trọng về quân sự, chính trị nên trước khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), ta và địch đều quyết chiếm giữ. Theo cuốn “Tổng kết những trận then chốt chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước" (NXB Quân đội nhân dân-2011), địch huy động 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến (147, 258), một lữ đoàn đặc nhiệm, 2 tiểu đoàn bảo an, 3 thiết đoàn thiết giáp (17, 18, 20), 4 tiểu đoàn pháo binh, 4 tàu đổ bộ LCU của ngụy quân Sài Gòn và 5 tàu khu trục cùng lực lượng không quân Mỹ chi viện hỏa lực, mở cuộc hành quân Tango City tiến theo 3 hướng, trong đó lữ đoàn đặc nhiệm là lực lượng chủ yếu đánh ra khu vực Cửa Việt.
Ngày 26-1-1973, địch bất ngờ dùng không quân, pháo binh bắn phá khu vực phòng ngự của ta. Tiếp đó, chúng cho bộ binh và xe tăng tiến công nhưng bị quân ta đánh chặn quyết liệt, buộc địch phải tăng cường thêm xe tăng, bộ binh phòng ngự thành 4 cụm, kéo dài từ Nam Cửa Việt đến Vĩnh Hòa. Địch bố trí đội hình phòng thủ theo kiểu “trâu đàn ngủ rừng”, dựa vào xe tăng, xe thiết giáp ở vòng ngoài làm lá chắn cho bộ binh ở vòng trong, đồng thời tập trung hỏa lực ngăn chặn ta tiến công từ xa.
    |
 |
Bộ đội ta trên xác xe tăng M-48 của địch sau trận chiến tại Cửa Việt, tháng 1-1973. Ảnh tư liệu |
Nắm chắc tình hình địch và chấp hành chỉ thị của Bộ tư lệnh chiến dịch, ngày 30-1-1973, Bộ tư lệnh cánh đông tăng cường lực lượng và hỏa lực tổ chức thế trận: Bộ phận chặn đầu gồm Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320B), 2 đại đội của Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), một bộ phận K5 hải quân và lực lượng công binh của Sư đoàn 320B, có nhiệm vụ giữ khu vực cảng Phó Hội, Hà Tây, kiên quyết ngăn chặn không cho địch phát triển vào Cửa Việt.
Lực lượng chia cắt (khóa đuôi) gồm Trung đoàn 64 và Tiểu đoàn 6 của Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304), Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 101) bố trí ở Vĩnh Hòa, đánh địch tăng viện từ Thanh Hội lên và chặn chúng rút chạy từ Cửa Việt xuống.
Bộ phận tiến công (chủ lực) gồm Trung đoàn 101 (thiếu), Trung đoàn bộ binh 24 (thiếu), Tiểu đoàn 38 Vĩnh Linh (thiếu) và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 271), bí mật cơ động hình thành thế bao vây, chia cắt, tiến công tiêu diệt địch từ khu vực Xóm Mộ đến Cửa Việt.
Trên cơ sở bố trí lực lượng, tạo được thế trận vững chắc, Bộ tư lệnh cánh đông quyết định tổ chức trận phản đột kích bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt địch trong khu vực từ Nam Cửa Việt đến Vĩnh Hòa. 6 giờ 30 phút ngày 31-1-1973, các trận địa pháo của ta ở bờ Bắc sông Thạch Hãn, sông Cửa Việt và pháo tầm xa ở Cồn Tiên, Dốc Miếu bắn dồn dập vào quân địch ở phía Nam Cửa Việt. Sau 30 phút, pháo ta chuyển làn bắn ngăn chặn chi viện cho xe tăng và bộ binh đánh vào 2 cụm quân địch ở gần cảng Cửa Việt, đồng thời sử dụng pháo bắn vào đội hình chi viện của địch ở mép biển và phía sau đội hình của chúng. Thực hiện đánh gần, thọc sâu chia cắt địch ra từng mảng, bộ phận lực lượng chặn đầu của ta bám sát diệt xe tăng, thiết giáp, làm mất chỗ dựa phòng ngự cơ bản của địch. Đến 8 giờ 30 phút ngày 31-1, ta tiêu diệt 2 cụm quân địch đóng gần cảng Cửa Việt, buộc số địch còn lại phải tháo chạy về Vĩnh Hòa.
Tại Vĩnh Hòa, bộ phận chốt chặn đánh địch từ Cửa Việt rút về, đồng thời phối hợp với bộ phận chốt ở Vĩnh Hòa thực hiện chia cắt 2 cụm quân địch ở Nam Vĩnh Hòa và Bắc Thanh Hội. Quân ta xung phong áp sát đội hình địch, chia cắt bộ binh và xe tăng, cô lập từng bộ phận địch. Để đẩy nhanh tốc độ phản công, Bộ tư lệnh cánh đông sử dụng bộ phận chủ lực tổ chức một mũi đột kích mạnh và lực lượng chống tăng đánh vào trung tâm cụm quân địch ở Nam Vĩnh Hòa. Một bộ phận vào chốt chặn khu vực Đông Nam Vĩnh Hòa, không cho địch rút về Thanh Hội; một tiểu đoàn và lực lượng còn lại thuộc bộ phận khóa đuôi, hình thành mũi tiến công dọc ven biển đánh vào Vĩnh Hòa từ phía Bắc. Trưa 31-1, ta tiêu diệt hoàn toàn 2 cụm quân địch còn lại ở Nam Vĩnh Hòa và Bắc Thanh Hội, khôi phục toàn bộ khu vực phòng thủ của ta từ Cửa Việt đến Thanh Hội, kết thúc trận đánh.
Trận Cửa Việt thắng lợi đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tạo lập thế trận, tác chiến hiệp đồng binh chủng trong trận then chốt chiến dịch. Thành công nổi bật của ta là sử dụng lực lượng có quy mô sư đoàn tăng cường với sự tham gia của nhiều binh chủng, lập thế trận vững chắc, tổ chức lực lượng chặn trước, khóa sau, đưa chủ lực vào, hình thành thế bao vây chia cắt, cô lập từng cụm quân địch, bố trí hỏa lực thành nhiều tầng; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh, xe tăng với pháo binh, cao xạ, đặc công, công binh; giữa bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, đồng loạt tiến đánh địch. Khi tiến công vào từng mục tiêu, ta sử dụng sức đột kích mạnh của thiết giáp chở phân đội chống tăng, bí mật, bất ngờ chọc thủng vành đai phòng ngự của xe tăng, thiết giáp, thọc sâu vào giữa đội hình địch, phối hợp chặt chẽ giữa các mũi tiến công của bộ binh từ bên ngoài vào, nhanh chóng tiêu diệt từng cụm quân địch, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị.
DƯƠNG ĐÌNH LẬP