Đầu năm 1955, nhận định đây là nơi để “binh vận” lý tưởng, dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) đã cử lực lượng cán bộ do đồng chí Lê Diễn, Vũ Chí Đạo chỉ huy và 3 cán bộ: Nguyễn Cao Thiềng, Nguyễn Tự Cường và Tô Đình Tế nghiên cứu tình hình và triển khai công tác binh địch-vận. Đến giữa năm 1955, Cục Địch vận cử tiếp một đoàn gồm hơn 20 cán bộ vào Vĩnh Linh tiếp sức.

Quân Giải phóng tổ chức đón sĩ quan, binh sĩ ngụy ra hàng. Ảnh tư liệu 

Trong một lần về thăm ông Thiềng, chúng tôi được nghe ông kể: “Hồi ấy, việc đi lại của nhân dân vẫn được duy trì thông qua các bến đò, còn những lần sang họp với các chi ủy bên bờ Nam thuộc địa bàn Gio Linh, chúng tôi thường lợi dụng trời tối, bí mật bơi qua sông Bến Hải. Biết là nguy hiểm nhưng các cán bộ làm công tác binh-địch vận luôn xác định: Mình là cán bộ địch vận thì phải có những lúc “vào hang để bắt cọp”, hơn nữa những cán bộ của ta đang làm nhiệm vụ ở vùng địch kiểm soát cũng phải chịu nhiều khó khăn, vất vả chứ đâu phải riêng mình”.

Sang bờ Nam, trước khi tới địa điểm họp, ông Thiềng được bố trí ở trong nhà một cơ sở của ta. Có lẽ, kẻ địch không ngờ ta lại có thể xây dựng được một cơ sở tin cậy ở chính tầng lớp phú nông ngay giữa vùng địch kiểm soát. Hằng ngày, những lúc đông người, ông được gia đình bố trí nấp vào buồng. Chỗ ẩn nấp khá kín đáo, tuy thỉnh thoảng vẫn có những sự cố nho nhỏ. Có lần ông phải ngồi im trong buồng, trong khi lũ chuột bạo dạn lại cứ thản nhiên xông đến chỗ “vị khách không mời” mà chí chóe. Những lúc ấy, ông Thiềng đành phải “nín thở” mà chờ cho tới lúc an toàn...      

Ngoài ra, những cuộc “đấu loa” giữa đôi bờ giới tuyến cũng được ta áp dụng các “chiến thuật” khác nhau. Ngoài việc “chọi” lại hệ thống loa của địch bằng những chiếc loa công suất lớn, phía ta còn “gây nhiễu” âm thanh địch phát ra từ bờ Nam bằng việc tranh thủ phát chương trình của mình và hướng loa ngược về phía Bắc, như vậy tiếng nói của địch ở xa bị tiếng loa của ta át đi, không còn tác dụng. Nhiều khi, phát hiện địch sơ hở, ta đột xuất thực hiện các chương trình phát thanh hướng sang bờ Nam.

Chiến thuật này có hiệu quả khá tốt, theo thông tin từ cơ sở của ta ở Gio Linh, một số binh sĩ địch đã tâm sự: Lời lẽ trên đài Vĩnh Linh không khiêu khích, không gây căng thẳng mà nhẹ nhàng, thuyết phục dễ đi vào lòng người. Còn người dân ở bờ Nam thì được nghe những chủ trương, chính sách của Đảng, của Bác Hồ, sự ưu việt của chế độ ta, bà con cho biết, chỉ cần nghe câu “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...” là đồng bào cảm thấy gần gũi, ấm áp lắm!

Qua hơn mười năm ở Vĩnh Linh, các cán bộ của Cục Địch vận đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp cho các địa phương giáo dục, uốn nắn, làm chuyển biến nhận thức về công tác binh vận cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ, tạo nên phong trào quần chúng làm binh vận rộng rãi, hiệu quả; tác động tốt tới binh sĩ địch, làm cho nhiều binh sĩ địch có cảm tình với bộ đội ta và cung cấp cho ta nhiều tin tức quan trọng. Đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về nắm tình hình địch, về công tác binh vận đối với binh sĩ ngụy, góp phần quan trọng trong tiến hành công tác binh-địch vận sau này.

ANH PHƯƠNG