Được đồng chí Trần Lương rất tán thành, tôi đến trình bày những suy nghĩ của mình với đồng chí Lê Đức Thọ, Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ, lúc đó đang công tác ở Việt Bắc. Đồng chí cũng đồng tình và nói: “Cậu hãy viết thư cho anh Ba Duẩn” (đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ). Theo lời anh Thọ, tôi về viết thư gửi anh Ba. Thư được anh Thọ trực tiếp mang vào Nam. Chỉ mấy hôm sau tôi đã nhận được thư trả lời của anh Ba. Anh đồng ý đề xuất của tôi và báo tin đã đề nghị Thường vụ Trung ương cử cán bộ địch vận chi viện cho miền Nam.

Sau khi có ý kiến của anh Ba Duẩn, Tổng cục Chính trị bắt tay ngay vào việc lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ để cử đi miền Nam. Đầu tháng 10-1954, đồng chí Trần Lương cử đoàn đầu tiên gồm 3 cán bộ của Cục Địch vận là Trần Bá, Lê Quốc Chinh và Trương Tế Mỹ vào Nam Bộ theo đường hàng không dưới danh nghĩa phái đoàn Việt Nam trong Ủy hội quốc tế. Sau khi vào đến Sài Gòn, 3 đồng chí đó đã được các đồng chí ở Nam Bộ bố trí đưa xuống căn cứ Xứ ủy ở Chắp Băng (Cà Mau) để gặp anh Ba Duẩn. Anh Ba rất mừng và nói: Phải tiếp tục đưa thêm cán bộ địch vận vào, nhiệm vụ của các đồng chí là tổ chức lại hệ thống cơ quan binh-địch vận. Lúc này phải thành lập hệ thống binh vận của cấp ủy đảng chứ không tổ chức hệ thống địch vận như trước nữa...

Sau chuyến đi đầu tiên thuận lợi, anh Trần Lương trực tiếp chỉ đạo Cục Địch vận tiếp tục lựa chọn, huấn luyện rồi đưa cán bộ địch vận vào giúp Khu V và Nam Bộ. Đợt thứ nhất (từ cuối năm 1954 đến tháng 4-1955), Cục đã cử vào Nam được 36 đồng chí; đợt hai từ tháng 5-1955 đến tháng 7-1958, Cục Địch vận cử đi tiếp 17 đồng chí.

Những đồng chí được cử vào Nam là chấp nhận đi vào nơi gian khổ, đầy hy sinh thử thách. Vậy mà khi được giao nhiệm vụ, họ đều nhận rất nhẹ nhàng, hào hứng, không mảy may đắn đo, suy nghĩ... Các đồng chí đều đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng, các vị trí chủ chốt và đã thể hiện được phẩm chất, năng lực của mình, hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, nhiều đồng chí lập công xuất sắc.

Có thể nói, việc “tập kết ngược” cán bộ chi viện cho cách mạng miền Nam trong thời kỳ 1954-1955 là nội dung công tác quan trọng có sự tham gia của nhiều ngành như: Tình báo, quân báo…, nhưng đối với Cục Địch vận, đây thực sự là một chủ trương nhạy bén, có tính chủ động tiến công địch, nên đã được cấp trên mau chóng chấp nhận và đánh giá cao.

(Trích hồi ký của đồng chí VŨ OANH, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Cục trưởng Cục Địch vận)