Qua đó, Bộ đội Trường Sơn vừa nâng cao hiệu suất chiến đấu, vừa bảo đảm vận chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược, hàng hóa vào các chiến trường...

Đại tá Phan Hữu Đại, nguyên Chính ủy, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn ô tô 571 (Đoàn 559) kể: Đầu năm 1967, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng một số cán bộ đi thị sát. Khi đến Binh trạm 1 đóng quân ở Nghệ An (lúc đó ông Đại là Phó chính ủy Binh trạm), vừa đặt ba lô xuống, đồng chí Tư lệnh yêu cầu tổ chức ngay cuộc họp và đề nghị chỉ huy Binh trạm trình bày mấy vấn đề: Tình hình hoạt động của địch; thực trạng trang thiết bị; cách tổ chức vận tải, tổ chức chiến đấu bảo vệ đội hình xe, bảo vệ cầu đường và chống phá hoại; bảo đảm thông đường, thông xe; hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị... Ông ghi chép kỹ rồi hỏi lại từng vấn đề: Về địch, các đồng chí có nắm được máy bay Mỹ đánh bao nhiêu trận một ngày và đuổi xe ban đêm bao nhiêu lần, vào giờ nào, lúc nào không? Khi địch đánh trúng cầu đường thì sau bao lâu Bộ đội Công binh tiếp cận để khắc phục và khắc phục mất bao nhiêu thời gian xong một hố bom? Cách tổ chức vận tải như thế nào? Mỗi đêm xe chạy được bao nhiêu ki-lô-mét? Tinh thần của lái xe ra sao? Khi địch uy hiếp thì xử trí thế nào? Có ai bảo vệ đội hình xe?...

leftcenterrightdel
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn, mùa khô 1970-1971. Ảnh tư liệu 

Nhận báo cáo từ chỉ huy Binh trạm, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên rất bức xúc. Sau một lúc trấn tĩnh, ông ôn tồn: Vận tải của ta là vận tải quân sự trong điều kiện địch dám cưỡi lên đầu xe để đánh phá. Do đó, phải có thế trận, phải có binh lực, phải có phương tiện chỉ huy và phải chỉ huy chặt chẽ đội hình toàn Binh trạm từ đầu đến cuối. Tất cả những tồn tại này Binh trạm chỉ chịu một phần là không kịp thời báo cáo Bộ tư lệnh và thiếu những kiến nghị sáng tạo lên cấp trên. Giải quyết vấn đề này thuộc về Bộ tư lệnh. Tôi tin rằng sau 10 ngày, Bộ tư lệnh sẽ có cuộc họp quán triệt cho các cấp về những giải pháp cơ bản thực hiện vận tải quân sự chiến lược.

Ngay sau đó, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã đề xuất giải tán các tuyến, thành lập các binh trạm dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh, đồng thời đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới. Các binh trạm này được tổ chức như một đơn vị binh chủng hợp thành, có căn cứ bảo đảm hậu cần, có lực lượng giao liên, vận tải, bệnh xá, trạm sửa chữa xe ô tô, kho tàng, lực lượng công binh để bảo đảm giao thông, lực lượng pháo cao xạ để sẵn sàng đánh địch.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó chủ nhiệm về Chính trị Tổng cục Kỹ thuật cho hay: Với tầm nhìn sắc sảo, tư duy sáng tạo, được sự nhất trí của trên, ngay trong mùa mưa năm 1967, Đoàn 559 kiện toàn tổ chức hệ thống binh trạm với 9 binh trạm và thống nhất đổi phiên hiệu các binh trạm trên trục dọc từ 1 đến 6 thành các binh trạm từ 31 đến 36. Riêng Binh trạm 8 thành Binh trạm 37; Binh trạm 7 thành Binh trạm 42; Binh trạm 21 thành Binh trạm 44. Căn cứ vào hoạt động đánh phá của địch, đặc điểm địa hình, đường sá, khả năng của bộ đội vận tải cơ giới, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ đạo bố trí thế trận, phân chia lại phạm vi phụ trách của các binh trạm, sắp xếp lại lực lượng. Theo đó, mỗi binh trạm phụ trách cung đường từ 100km đến 130km và phải bảo đảm thực hiện vận chuyển gọn hai đêm một chuyến xe.

Sau khi ổn định, tháng 8-1967, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo các cơ quan Đoàn 559 và Tổng cục Hậu cần tiền phương phối hợp tổ chức diễn tập "Chiến dịch vận tải" hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Tại cuộc diễn tập này, đích thân ông vào vai "Binh trạm trưởng", còn các cơ quan của Bộ tư lệnh Đoàn 559 vào vai cơ quan các binh trạm. Cuộc diễn tập kéo dài một tháng đã mang lại những kết quả hơn cả mong đợi, ngoài việc chuyển hơn 8.220 tấn hàng hóa tập kết tại chân hàng của tuyến 559, Đoàn 559 đã xây dựng được các điều lệnh chiến dịch, điều lệnh chỉ huy, chiến đấu, định hình được công tác Đảng, công tác chính trị trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn trên toàn tuyến.

Nói về ý nghĩa của cuộc diễn tập này, trong cuốn hồi ức “Đường xuyên Trường Sơn”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã viết: “Cuộc diễn tập bảo đảm cho chúng tôi chủ động vững vàng triển khai chiến dịch nhập tuyến, góp phần cùng chiến trường thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược mới của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng”. Sau cuộc diễn tập, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị các binh trạm tổ chức ngay đợt đột kích vận chuyển. Tham gia đợt đột kích có 4 binh trạm (35, 36, 44 và 37) gồm 8 tiểu đoàn công binh, 5 tiểu đoàn cao xạ và 7 tiểu đoàn ô tô với 752 xe. Nhằm khắc phục sự mất cân đối giữa các binh trạm phía Bắc và các binh trạm phía Nam, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tổ chức đoàn cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh vào các binh trạm phía Nam vừa kiểm tra, vừa quán triệt nhiệm vụ, đồng thời truyền thụ những kinh nghiệm của các binh trạm phía Bắc về xây dựng hệ thống tổ chức chỉ huy và chỉ huy hiệp đồng binh chủng.

Mô tả lại sự chỉ đạo của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đối với việc tổ chức hệ thống binh trạm trong giai đoạn này, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Binh đoàn 12 cho biết: "Cuối năm 1967, đầu năm 1968, tôi vừa nhận nhiệm vụ Chính ủy Binh trạm 31 thì nhận được chỉ thị của Tư lệnh, phải nhanh chóng triển khai hoàn thiện các công việc: Điều chỉnh hệ thống kho tàng theo quy hoạch bảo đảm bí mật, an toàn và giải phóng hàng loạt xe nhanh; hoàn chỉnh hệ thống đường trong khu kho để đội hình xe vào ra không gặp nhau; mở hệ thống đường cho các đội hình xe tiếp cận vận chuyển với yêu cầu mỗi đại đội có một đường riêng để tập kết đội hình, đường phải được mở rộng, làm phẳng bảo đảm tốc độ xe từ 15 đến 20km/giờ. Thiết lập sở chỉ huy tiền phương binh trạm ở trọng điểm chủ yếu; xây dựng hệ thống trận địa phòng ngự cho các binh chủng tác chiến bảo vệ đội hình vận chuyển vượt trọng điểm; thực hiện chạy “lấn sáng, lấn chiều”, tăng thời gian lăn bánh vào thời điểm thuận lợi".

Trong cuốn “Lịch sử Đoàn 559” (Nxb Quân đội nhân dân, năm 1999) đã khái lược: Đầu năm 1968, thời tiết trên trục dọc hành lang chuyển sang cao điểm mùa khô. Đường hết trơn lầy, mực nước sông cạn, sử dụng được đường ngầm, đường vòng tránh được mở thêm, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên quyết định mở đợt 2 chiến dịch với quy mô lớn hơn, tốc độ tiến công nhanh hơn, cung độ thọc sâu hơn. Trong chiến dịch, do địch đánh phá mạnh, đội hình xe của các binh trạm tới đích chỉ đạt 30-40% nên Tư lệnh chỉ đạo Binh trạm 32 tổ chức ngay cung trung chuyển, sắp xếp lại đội hình vận chuyển, thực hiện chiến thuật đội hình mạnh chạy cung dài, đội hình yếu (xe cũ, lái mới) chạy cung trung chuyển, tổ chức tổ mũi nhọn đột phá cung dài quay vòng tiếp chuyển xe chạy cung trung chuyển. Chiến thuật trên đã đưa tỷ lệ xe đi cung dài tới đích đạt 70%. Kinh nghiệm này đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các binh trạm. Vì vậy, cuối tháng 1-1968 toàn bộ kế hoạch vận chuyển cho các hướng cơ bản hoàn thành.

Đầu năm 1973, với việc Hiệp định Paris và Hiệp định Vientiane được ký kết đã chấm dứt sự đánh phá bằng không quân của đế quốc Mỹ trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, vận chuyển cung đường dài với đội hình lớn tập trung có nhiều khả năng thực hiện. Vì vậy, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cùng Đảng ủy, Bộ tư lệnh Trường Sơn (ngày 29-7-1970, đổi tên Bộ tư lệnh 559 thành Bộ tư lệnh Trường Sơn) đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sớm bỏ các binh trạm, thành lập các trung đoàn, sư đoàn binh chủng nhằm tạo những quả đấm mạnh, thực hiện vận chuyển đường dài. Được sự đồng ý của trên, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã quyết định giải thể các binh trạm, dồn các tiểu đoàn thành 15 trung đoàn binh chủng trực thuộc các sư đoàn và Bộ tư lệnh Trường Sơn.

Việc tổ chức xây dựng và phát triển hệ thống binh trạm trên đường Trường Sơn trong giai đoạn đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, tăng cường đánh phá ác liệt trên tuyến chi viện chiến lược cho thấy nhãn quan quân sự và sự chủ động, nhạy bén của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Hệ thống binh trạm này vừa có khả năng bảo đảm vận chuyển chiến lược, chiến dịch quy mô lớn, tự đánh địch bảo vệ vận chuyển, có đủ sức mạnh phục vụ và tham gia các kế hoạch tác chiến chiến lược của Bộ; đồng thời sẵn sàng làm đội dự bị tăng cường cho các hướng chiến dịch trong thời cơ quyết định. Hệ thống binh trạm đem lại hiệu quả to lớn trong thực hiện chi viện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971; Chiến dịch Nguyễn Huệ và Chiến dịch Trị-Thiên năm 1972... 

Đường Trường Sơn chiến lược đã được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và đồng đội phát triển thành “trận đồ bát quái”, với tổng chiều dài hơn 17.000km, gồm 5 trục dọc theo sườn Đông và Tây Trường Sơn, 21 trục ngang vắt qua núi và một hệ thống đường nhánh tỏa ra các chiến trường. Nếu như ở thời điểm mới nhận nhiệm vụ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ có 5 tiểu đoàn xe thuộc quyền với khoảng 750 xe, thì đến đầu năm 1975, chỉ riêng vận tải cơ giới, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã có 2 sư đoàn với hơn 10.000 xe. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã tự tin nói với Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ”. 

(còn nữa)

SƠN BÌNH