Ba Tơ là khu căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ, ngụy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Gồm: Chi khu quân sự Ba Tơ, căn cứ biệt kích Đá Bàn và xung quanh có các điểm cao 252, 507, 515, 343... Đêm 15-9-1972, Trung đoàn 52, Sư đoàn 2, Quân khu 5 hành quân chiếm lĩnh trận địa, thực hiện nhiệm vụ giải phóng Ba Tơ.

Chặng đường hành quân đầy gian nan vì ảnh hưởng của cơn bão số 6, gió mạnh, nước các sông, suối dâng cao, chảy xiết... Chính vì vậy, nhiều cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 52 đã hy sinh do bị lũ cuốn. Thế nhưng, bằng ý chí quyết tâm cao độ, các bộ phận của Trung đoàn 52 đều bảo đảm được yếu tố bí mật, tiếp cận mục tiêu theo đúng kế hoạch.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) trò chuyện cùng cán bộ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN 

Đúng 20 giờ ngày 18-9-1972, theo lệnh tiến công đánh chiếm quận lỵ Ba Tơ của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52, tiếng súng giết thù bắt đầu nổ vang. Sau gần 1 giờ tiến công, bộ đội hoàn toàn làm chủ quận lỵ Ba Tơ. Đại đội 7, Tiểu đoàn 8 cắm lá cờ chiến thắng của Tỉnh ủy Quảng Ngãi lên đỉnh cao nhất của nhà tên quận trưởng. Ở các cứ điểm của địch xung quanh quận lỵ, các trận đánh vẫn diễn ra ác liệt. Nhằm tái chiếm quận lỵ và ứng cứu cho căn cứ biệt kích Đá Bàn, địch buộc phải đưa Trung đoàn 5, thuộc Sư đoàn 2 của ngụy, cùng liên đoàn biệt động số 11, 12 chi viện bằng cả đường bộ, đường không.

Vận dụng các hình thức chiến thuật: Phục kích, tập kích, vận động tiến công kết hợp chốt, đánh địch đổ bộ đường không... những trận đánh phản kích của Trung đoàn 52 diễn ra ác liệt để giữ vững vùng giải phóng quận lỵ và các điểm cao khống chế, đồng thời bao vây, lấn dũi căn cứ biệt kích Đá Bàn. Mọi ứng cứu, tiếp tế của địch bằng đường bộ, đường không đều bị Trung đoàn 52 triệt, diệt. Bên cạnh đó, các mũi hướng bao vây, lấn dũi ngày càng tiến sát vào tung thâm của địch, khiến quân địch trong các căn cứ hoảng loạn.

Đêm 30, rạng sáng 31-10-1972, thời cơ đã chín muồi, ta đồng loạt tiến công căn cứ Đá Bàn. Trên hướng chủ yếu, bộ đội dùng bộ rồng lửa (FRA-với 36 quả bộc phá được liên kết) phá từ hàng rào ngoài cùng vào tới hàng rào trong cùng và lô cốt đầu cầu của địch. Các hướng khác cũng đồng loạt phá rào và xung phong tiêu diệt địch ở căn cứ Đá Bàn. Trước sự tiến công ào ạt, dũng mãnh của ta, địch không thể chống cự, phần lớn bị tiêu diệt, nhiều tên hoảng sợ buông súng đầu hàng; một số liều mạng bỏ chạy về hướng huyện Minh Long nhưng đều bị bộ đội địa phương và du kích chặn đánh, tiêu diệt.

Sau chiến thắng Đá Bàn, huyện Ba Tơ hoàn toàn được giải phóng. Từ đây, tuyến vận tải quân sự quan trọng bằng ô tô; tuyến đường cho xe tăng thiết giáp và xe kéo pháo được khai thông tới vùng Tây Nam tỉnh Quảng Ngãi và phía Tây Bắc tỉnh Bình Định, tạo tiền đề giải phóng các vùng này. Sau khi giải phóng Ba Tơ, Trung đoàn 52 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phát triển tiến công đánh tiêu diệt địch giải phóng các huyện Nghĩa Hành, Minh Long (năm 1974) và thị xã Quảng Ngãi (năm 1975)... Dù trong hoàn cảnh nào, chiến trường rừng núi, trung du hay đồng bằng, cán bộ, chiến sĩ đều chiến thắng mọi gian khổ, khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần tô thắm thêm truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Trung đoàn.

Thiếu tướng NGUYỄN NHẬT KỶ (Nguyên Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 52)