Sau hai ngày vượt sóng, Tàu 43 chuyển hướng vào bờ, thuộc khu vực Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Đêm mồng 1-3, khi tàu còn cách bờ khoảng 5 hải lý thì bị địch phát hiện. Chúng huy động lực lượng đến vây kín phía ngoài khiến Tàu 43 không thể rút ra biển được. Trong tình thế cấp bách đó, tập thể tàu hạ quyết tâm chiến đấu với địch. Vì chênh lệch về lực lượng, lại ở thế bất lợi nên 3 đồng chí hy sinh, 12 đồng chí bị thương. Trước tình hình đó, phương án tác chiến hủy tàu và rút người lên bờ được Tàu 43 lựa chọn. Sau khi điểm hỏa hẹn giờ, các chiến sĩ rời tàu, tìm cách vào bờ... Ít phút sau, một cột lửa bốc cao, cùng với tiếng nổ xé toang màn đêm chôn vùi toàn bộ số vũ khí vào lòng biển sâu, không để lọt vào tay kẻ thù.
 |
Ông Lưu Công Hào và bà Tạ Thị Linh (thứ ba, thứ tư từ trái sang) gặp lại tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, năm 2012. |
Vào được bờ, nhưng trong tình trạng thương tích nặng, lại thiếu thốn lương thực, thuốc men nên sức khỏe của cán bộ, thủy thủ Tàu 43 mỗi lúc một suy kiệt. Rất may, các anh đã được nhân dân phát hiện, chăm sóc, bảo vệ trước các cuộc truy sát của kẻ địch. 10 ngày sau (10-3), các chiến sĩ tàu không số được nhân dân và du kích đưa về bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở vùng núi Ba Tơ.
Trong cuốn sách “Có một con đường mòn trên Biển Đông”, NXB Hà Nội, năm 1995, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng, Anh hùng LLVT nhân dân, viết: "Hai giờ chiều ngày hôm ấy, mười mấy anh em thủy thủ đến được bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị không nói gì nhưng biết chúng tôi là cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số nên rất ngưỡng mộ, coi chúng tôi như những anh hùng. Chị bảo rằng: "Các anh phải ở lại đây chữa lành vết thương, bồi dưỡng cho lại sức để còn leo Trường Sơn". Bệnh xá đói, chị Trâm và các nhân viên cũng chẳng đủ no, nhưng chúng tôi vẫn được nuôi dưỡng, chăm sóc rất chu đáo.
Những ngày ở bệnh xá, tình cảm của các thủy thủ tàu không số với bác sĩ Thùy Trâm và đồng bào nơi đây rất sâu sắc. Nhắc lại kỷ niệm không thể nào quên, ông Lưu Công Hào, nguyên chiến sĩ Tàu 43, xúc động: "Những ngày cùng đồng đội điều trị ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, bị địch càn quét, chúng tôi đã cùng tham gia chiến đấu bảo vệ thương binh, bảo vệ bệnh xá do bác sĩ Đặng Thùy Trâm chỉ huy. Có những trận toàn là thương binh tham gia chiến đấu nhưng đã chống lại được cả một trận càn lớn của địch để bảo vệ bệnh xá và thương binh nặng”.
Ngày ấy, trong số anh em thủy thủ Tàu 43, ông Hào là người ít tuổi nhất và bị thương nặng nên được chị Trâm “ưu tiên” hơn. Ngoài tận tình chăm sóc vết thương, bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn nhận Lưu Công Hào là em kết nghĩa, hứa đến ngày giải phóng, về Hà Nội sẽ gả em gái Đặng Phương Trâm cho Hào. Sức khỏe phục hồi, ông Hào tạm biệt bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng đồng đội vượt dãy Trường Sơn trở lại miền Bắc nhận nhiệm vụ mới nhưng hai chị em vẫn thường liên hệ, động viên nhau cho đến ngày chị Trâm hy sinh (22-6-1970).
Đất nước thống nhất, nhớ về chị Đặng Thùy Trâm-người đồng chí sâu nặng ân tình, ông Hào trở lại mảnh đất Ba Tơ khói lửa năm xưa, viếng mộ đồng đội đã hy sinh, cảm ơn đồng bào đã che chở, đùm bọc, nuôi dưỡng bộ đội. Ông cũng về nhà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm để thắp nén hương tưởng nhớ chị và động viên gia đình nữ bác sĩ anh hùng.
Ấn tượng tốt đẹp và tình cảm của các chiến sĩ tàu không số với người bác sĩ là vậy. Còn với Đặng Thùy Trâm, tình cảm sâu đậm dành cho bộ đội được nén lại trong những dòng nhật ký ngày cán bộ, chiến sĩ tàu không số rời bệnh xá, chị viết: “Vậy là chiều nay các anh lên đường, để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh... hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”.
Chúng tôi đã có dịp cùng các cựu chiến binh tàu không số trở lại chiến trường xưa, đến thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại Quảng Ngãi. Trong số những người đang công tác tại bệnh xá có bà Tạ Thị Linh-người cùng công tác một thời với bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong những ngày đấu tranh cách mạng. Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng hơn chục năm qua, bà Linh vẫn tình nguyện làm việc tại phòng tưởng niệm của bệnh xá, mong hằng ngày được thắp nén hương lên ban thờ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và các anh hùng liệt sĩ.
Trò chuyện với các chứng nhân lịch sử đoàn tàu không số, anh Nguyễn Trung Trí, Điều dưỡng trưởng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm xúc động: "Trí tuệ, bản lĩnh, tài năng và những cống hiến của cán bộ, chiến sĩ đoàn tàu không số cũng như tấm lòng của chị Trâm dành cho nhân dân, cho bộ đội sẽ là động lực thôi thúc chúng tôi phấn đấu vươn lên, nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".
Bài và ảnh: MAI CHU ANH