Là cán bộ tác chiến, chúng tôi gặp nhiều vất vả, nguy hiểm rình rập, dễ hy sinh vì đi trước tiềm nhập, nghiên cứu địch. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi có được may mắn là thu được nhiều chiến lợi phẩm của địch. Đấy là trước sức mạnh tiến công của pháo cao xạ, máy bay địch phải thả dù hàng từ trên cao, rơi vào khu vực quân ta kiểm soát. Các dù hàng có lương khô, thịt hộp, cà phê, thuốc lá đủ cả.

Tôi có biết chút tiếng Pháp, đọc được thực đơn của địch, nên tôi biết đâu là những suất dành cho sĩ quan cấp cao. Tôi còn nhận biết được dù hàng nhu yếu phẩm, dù vũ khí đạn dược khá chuẩn xác. Quy định của đơn vị và kỷ luật chiến trường rất chặt chẽ, các chiến lợi phẩm thu được đều được tập trung lại, rồi phân phối theo chỉ đạo của chỉ huy.  

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh cùng vợ và các con gái, tháng 7-2022. Ảnh do gia đình cung cấp

Trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, cấp trên có chủ trương dùng hỏa lực pháo binh cắt cầu hàng không của địch ở sân bay Mường Thanh. Là người trực tiếp trinh sát trận địa, tôi đã chứng kiến nhiều trận đánh giằng co giữa ta và địch ở khu vực sân bay. Máy bay địch phải bay cao thả dù nên hàng hóa, vũ khí rơi không đúng địa điểm, ta thu được rất nhiều. Đêm 26-4-1954, chúng tôi nhận lệnh cấp trên đánh sân bay Mường Thanh. Trong quá trình bao vây, tấn công sân bay, chúng tôi truyền tai nhau rằng, địch sử dụng “đạn thối” bắn ra rất kinh khủng. Kỳ thực không phải vậy. Chuyện là, mỗi lần địch pháo kích vào gần trận địa quân ta tạo ra mùi xú uế xông nồng nặc rất khó chịu. Sau này, khi nghiên cứu thì chúng tôi biết đó là do pháo địch bắn trúng các xác binh lính địch nên bốc mùi hôi thối thành... “đạn thối”.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Quốc Thịnh giới thiệu cuốn Hồi ký “Hoàng hôn xanh thẳm”, xuất bản năm 2024. Ảnh: THÁI KIÊN 

Đêm 6-5-1954, chúng tôi được cấp trên thông báo sẽ có khối bộc phá lớn ở đồi A1, do đó anh em phải cẩn thận kẻo bị áp lực mạnh. Đồng thời, các cứ điểm cuối cùng sẽ bị quân ta vô hiệu hóa; địch sẽ đồng loạt ra hàng... Sáng hôm sau, tôi thấy thấp thoáng địch từ đồi A1 kéo cờ trắng đi thành đoàn xuống.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Quốc Thịnh. Ảnh: THÁI KIÊN 

Nhìn địch ra hàng, tôi đoán nếu địch rút chạy, nhiều khả năng đơn vị tôi sẽ nhận lệnh truy kích theo kế hoạch. Nhưng sau đó, đồng chí Bùi Nam Hà, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 thông báo, địch ở Hồng Cúm đã bị các đơn vị của ta bao vây cũng đồng loạt ra hàng. Khi đó, chúng tôi mới thực sự yên tâm là không có cuộc truy kích địch.

PHẠM MINH HUYỀN (ghi theo lời kể của cựu chiến binh, Đại tá Nguyễn Quốc Thịnh, nguyên Phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.