Đọc những trang hồi ký của Trung tá Nguyễn Trung Lựu (1927-2023), nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 91, Cục Hậu cần, Quân khu 1, chúng tôi thấu hiểu và trân trọng những ngày tháng gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt của những “người lính áo trắng” năm xưa. 

Ông Nguyễn Trung Lựu sinh năm 1927, tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tháng 6-1951, ông được Bộ tư lệnh Liên khu 5 (nay là Quân khu 5) cử ra Việt Bắc học lớp y sĩ tại Trường Quân y sĩ. Sau đó, ông được giữ lại Liên khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1) để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những kỷ niệm trong chiến dịch được ông nắn nót ghi vào cuốn hồi ký chiến trường của mình và giữ gìn tới những ngày cuối cùng của cuộc đời. Trước khi mất, ông đã kịp hiến tặng cuốn hồi ký cho Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc Quân khu 1.

Trong cuốn hồi ký ông viết, tháng 3-1954 khi ông cùng đồng đội chuẩn bị hành trang trở về chiến trường Liên khu 5, thì nhận được lệnh đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai nấy đều rất phấn khởi, chuẩn bị lên đường. Sau khi đi nhờ xe chở đạn tới đèo Pha Đin, những người lính quân y tiếp tục đi bộ theo hướng huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên). Ông lạc quan viết: “Đường ra mặt trận đông vui tấp nập, người xe chen nhau. Công binh sửa đường, bộ binh hành quân, dân công tải gạo, xe thồ, xe kéo pháo, xe tải chở đạn mang theo ngụy trang cây lá rập rờn”.

Lực lượng quân y chiến dịch được huy động từ tất cả các cơ quan, đơn vị trên cả nước, bao gồm các đội điều trị của các đại đoàn và các đội điều trị của Cục Quân y. Ông Nguyễn Trung Lựu được điều tới công tác tại bệnh viện mặt trận (thuộc Cục Quân y).

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông và đồng đội phải làm việc liên tục trong điều kiện hết sức khó khăn nơi rừng núi hiểm trở, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa nắng thất thường. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, thiếu máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc men. Ông viết: “Bệnh viện dựng trong rừng sâu. Có những ngày đêm mưa gió tầm tã, lán trại ướt sũng, đường sá hầm hào bùn nước lầy lội, phải lấy nilon, vải bạt ra để che cho thương binh, còn mình thì chịu ướt vì nghĩ họ đã đau đớn rồi, không thể để họ phải chịu ướt, rét nữa… Có những ngày đông bệnh nhân, đứng phụ mổ suốt ngày đêm, đã mệt còn bị côn trùng đốt, đau tái người nhưng không có cách nào phản ứng vì tay đang làm nhiệm vụ, phải bảo đảm vô trùng”.

Sau khi chữa trị, những trường hợp sức khỏe gần hồi phục, còn khả năng chiến đấu thì được chuyển về đoàn an dưỡng, có tổ chức cán bộ, quân lực của đại đoàn tiếp nhận, xem xét tình hình để bổ sung lực lượng kịp thời cho mặt trận. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên trên, bệnh viện còn có nhiệm vụ sẵn sàng bổ sung lực lượng cho đội điều trị ở tuyến trước khi có lệnh.

Không chỉ tích cực cứu chữa cho thương, bệnh binh là cán bộ, chiến sĩ của ta, quân y chiến dịch còn tổ chức cứu chữa cho gần 1.500 thương, bệnh binh của quân đội Pháp bị bắt làm tù binh, và chăm sóc cho đến khi cấp trên có chủ trương trao trả tù binh. Đây là một trong những chính sách khoan hồng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông viết: “Tuy khó khăn, nhưng với tinh thần nhân đạo, chúng tôi đã điều trị, cung cấp đủ thuốc men, lương thực, kết hợp sử dụng đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế địch bị bắt làm tù binh để chữa trị cho số quân địch bị thương”.

Khoảng 17 giờ ngày 7-5, cả đơn vị gần như vỡ òa khi nhận được tin thắng trận từ tiền tuyến. “Cả bệnh viện chúng tôi reo hò vang cả núi rừng. Sáng hôm sau, chúng tôi ra đường cái để thở bầu không khí thanh bình. Tôi thấy từng đoàn tù binh vẻ mặt ủ rũ, mệt mỏi, chân đất lếch thếch đi.

Tổng kết Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng quân y chiến dịch đã cứu chữa cho hơn 10.000 thương binh, gần 4.500 bệnh binh”, ông viết.

Trực tiếp đi sưu tầm hiện vật cuốn hồi ký của ông Nguyễn Trung Lựu, Trung tá QNCN Hà Quang Thắng, Phụ trách sưu tầm, Bảo tàng Lực lượng Vũ trang Việt Bắc Quân khu 1 chia sẻ: “Trong buổi làm việc cùng ông Nguyễn Quang Lựu, tôi từng may mắn được nghe ông kể toàn bộ hồi ức về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn minh mẫn, lời kể của ông hoàn toàn khớp với những trang hồi ký ông viết năm xưa. Cuốn hồi ký của ông không những góp phần bổ sung, sáng tỏ những hình ảnh đẹp của bộ đội ta trong chiến dịch, mà còn có giá trị tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hiểu được những cống hiến, hy sinh của những thế hệ đi trước cho Tổ quốc”.

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình ông Nguyễn Trung Lựu tháng 1-2023. Ảnh: DƯƠNG BÌNH 

Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tiếp tục học và tốt nghiệp lớp bác sĩ y khoa; rồi làm công tác quân y tại nhiều chiến trường với nhiều cương vị khác nhau. Tháng 1-1983, ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Bệnh viện Quân y 91. Tháng 4-1984, ông nghỉ hưu tại địa phương (phường Ba Hàng, Phổ Yên, Thái Nguyên). Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh nhiễm chất độc hóa học; được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và là Thầy thuốc Ưu tú.

Với những cống hiến không ngừng nghỉ, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì, cùng nhiều huân chương và phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, tháng 1-2023, ông vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới nhà thăm hỏi, động viên. Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư đã ân cần hỏi thăm sức khỏe và khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ những công lao to lớn mà các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

leftcenterrightdel

Trung tá QNCN Hà Quang Thắng và ông Nguyễn Trung Lựu trong buổi sưu tầm hiện vật cuốn hồi ký.  

Cuối tháng 7-2023, do tuổi cao, sức yếu ông Nguyễn Trung Lựu từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn với gia đình, quê hương. Đại tá Dương Tiến Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 91 (con rể ông Nguyễn Trung Lựu) chia sẻ: “Tuy cha tôi đã đi xa, nhưng những cống hiến, hy sinh và những bài học ông dạy vẫn luôn in sâu trong tâm trí của các con, các cháu".

ĐOÀN THẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ  - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.