Ngày 3-2-1954 là ngày mồng 1 Tết Giáp Ngọ, toàn mặt trận vừa ăn Tết, vừa chuẩn bị tích cực theo kế hoạch mới. Ngày mồng 5 Tết, Bộ Chỉ huy quán triệt cho cán bộ phương châm tác chiến mới và lệnh tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu. Tiểu đoàn 303 được Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy quán triệt nhiệm vụ: "Bảo đảm chỉ huy trận công kiên lớn nhất trong lịch sử này phải dùng hữu tuyến điện làm phương tiện chủ yếu...". Thế là gánh nặng trách nhiệm thực sự đè lên vai Tiểu đoàn 303.

Căn cứ vào địa hình thế trận chung, đầu mối tỏa dây đi các đơn vị bộ binh, pháo tiến công... nối Sở Chỉ huy Mường Phăng với các đơn vị, liên lạc hiệp đồng giữa bộ binh với bộ binh, giữa bộ binh với pháo binh. Khi cần phải sẵn sàng kéo dây, đặt máy điện thoại đến khẩu đội, có khi cả đến trận địa chính, trận địa dự bị, trận địa nghi binh... Con đường hậu cần chiến dịch, từng cung, từng trạm barie phải có điện thoại, cho nên đường dây cứ dài ra mãi, đâu đâu cũng muốn có liên lạc điện thoại.

Yêu cầu liên lạc bằng điện thoại đòi hỏi phải có thêm nhiều dây, nhiều máy điện thoại. Lúc đầu, Tổng tư lệnh có hỏi toàn mạng chỉ huy chiến dịch cần độ bao nhiêu dây điện thoại? Đồng chí Hoàng Đạo Thúy trả lời ước độ 1.500km. Số lượng đó đã coi là nhiều, thực tế nhu cầu còn nhiều hơn, nhất là bom đạn địch phá hủy tiêu hao cũng không phải là ít.

leftcenterrightdel

Cuộn dây thép gai của Tiểu đoàn 303 sử dụng làm dây điện thoại trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Binh chủng Thông tin liên lạc

Đứng trước khó khăn tưởng chừng khó vượt qua, chỉ huy Tiểu đoàn 303 đã triệu tập cán bộ phát huy dân chủ, đề xuất sáng kiến để giải quyết khó khăn thiếu dây, thiếu máy (nhất là thiếu dây điện thoại). "Cái khó đã ló cái khôn", đồng chí Đào Ngoạn, Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 303 đưa ra sáng kiến thử gỡ dây thép gai của địch để thay thế và anh đã trực tiếp chỉ đạo mắc thử một đoạn theo các hàng cây, cách điện bằng mọi thứ kiếm được như các mảnh thủy tinh, mảnh sứ, kể cả mo cau khô.... Kết quả liên lạc được.

Sáng kiến đó được phổ biến đến các đại đoàn, trung đoàn, các đơn vị chiến đấu để áp dụng mạng dây thép gai ở phía sau, gỡ dây bọc chuyển lên phía trước. Lúc đầu lấy kìm gỡ gai trên dây thép rất khó khăn, rất chậm; chiến sĩ ta lại có sáng kiến dùng hai vỏ đạn súng trường hoặc van săm xe đạp hỏng lồng vào hai đầu gai xoắn ngược chiều nhau, gỡ đôi dây thép ra thành từng sợi rất nhanh.

Thiết bị điện thoại hồi đó rất đơn giản, không có tải ba, cũng chẳng có tăng âm. Các trục chính còn dùng cả đôi dây, mạch phụ chỉ dùng một sợi, đường về bằng dây đất. Trời khô ráo, đường dây ngắn, liên lạc thoải mái. Trời mưa, mù, ẩm ướt thì nhiễu, khó nghe, có khi phải nhắc hai, ba chặng mới truyền được lệnh. Các thủ trưởng cũng quen với cách liên lạc kiểu này, nên thường nói chậm, phát âm rõ, ngắn gọn để cán bộ thông tin làm trung gian nhắc lại. Mỗi khi muốn giữ bí mật nội dung, Tổng tư lệnh thường dùng tiếng Trung Quốc để trao đổi với cấp dưới... Chiến sĩ thông tin phục vụ rất vất vả, phải khắc phục khó khăn để giữ vững thông tin liên lạc.

Chiến trường ác liệt, hệ thống điện thoại hình thành nhưng bom đạn địch đánh phá dữ dội, đường dây đứt lên đứt xuống, tiêu hao lớn, nhưng nhờ có sáng kiến nhỏ mà bộ đội thông tin đã có đóng góp lớn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao giúp Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. 

ĐỨC AN (Lược trích theo cuốn "Kỷ vật chiến sĩ Điện Biên", Nxb Quân đội nhân dân, năm 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.