Bếp Hoàng Cầm ra đời từ Chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), được áp dụng rất phổ biến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bếp do anh nuôi Hoàng Cầm chế tạo. Ông nguyên là Tiểu đội trưởng nuôi quân của Đội điều trị 8, Sư đoàn 308. Bếp có nhiều đường rãnh thoát khói, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một dải hơi nước và tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Do đó, có thể nấu bếp ban ngày, tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao.

leftcenterrightdel

Căn bếp Hoàng Cầm của Ban Tham mưu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Ngô Hòa Nam 

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch có quy mô lớn nhất trong 9 năm kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta. Chiến dịch được tổ chức trong điều kiện địa hình hết sức phức tạp, công tác hậu cần gặp nhiều khó khăn; hỏa lực địch mạnh hơn ta. Chúng liên tục uy hiếp quân ta suốt ngày đêm. Trong giai đoạn chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công, công binh tham gia mở đường, sửa đường, vận chuyển lương thực phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ đã dùng bếp Hoàng Cầm đun nấu cơm nước hằng ngày mà không phải lo sợ máy bay địch phát hiện ra khói. Bếp Hoàng Cầm đã phát huy được hiệu quả cao, đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, tránh được sự phát hiện của máy bay địch, hạn chế được thương vong cho quân ta.

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ hai, đồng thời khắc phục tình trạng ngày hai bữa cơm nắm, uống nước lạnh vì cơm nước phải đem từ tuyến sau ra, bộ đội ta đã đào bếp Hoàng Cầm ngay bên hầm súng để đun nấu. Khói được dẫn vào một cái hầm con trên có rải một lượt đất mỏng và xốp nên khói tỏa ra nhè nhẹ như hơi sương, phi cơ địch không nhận ra. Tuy nhiên bếp Hoàng Cầm nhiều lần cũng bị pháo địch bắn làm tung nồi đổ gạo nên chưa hoàn toàn đảm bảo được cơm canh nóng ngon lành. Các chiến sĩ cấp dưỡng nảy ra sáng kiến đào bếp Hoàng Cầm sâu 1,8m, dài rộng 30cm, nắp dày 1,5m có thể chịu được đạn đại bác 150mm của địch. Bộ đội ta đã đào hầm đủ sâu, rộng để đun nấu ngay trong hầm vừa an toàn và hiệu quả. Hầm có chỗ làm rau, chỗ để củi dự trữ, không còn tình trạng cứ đêm đêm phải mò đi kiếm củi, ngửi thử xem củi tươi khô thế nào mà lấy về đun từng bữa. Các anh nuôi cứ yên tâm đi lại đun nấu, mặc cho địch bắn tứ tung, cứ đến giờ ăn chiều và sáng là có đủ cơm canh, nước nóng ngon lành cho đồng đội.

Trong các trận đánh đào giao thông hào bao vây, chia cắt các cụm cứ điểm địch, vây lấn tấn công quân địch trong các cụm cứ điểm thì bếp Hoàng Cầm đã phát huy được tác dụng to lớn. Dưới sự bắn phá ác liệt bằng máy bay, đại bác của địch, các bếp Hoàng Cầm ở tuyến trước, tuyến sau của bộ đội, dân công vẫn hoạt động đều đặn. Bếp Hoàng Cầm góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

TRƯỜNG AN (tổng hợp)

1. Di tích chiến trường Điện Biên Phủ (svhttdl.dienbien.gov.vn)

2. Du lịch Điện Biên (dulichdienbien.vn)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.