Tạp chí Vietnam số tháng 4-2004 của Nhà xuất bản Primedia, Mỹ đã đăng lại một bài mà ông viết năm 1964 kể lại diễn biến và những điều mà ông quan sát, cảm nhận trong trận đánh ở Điện Biên Phủ.

Trận đánh lịch sử

Vào ngày 7-5-1954, tình thế tuyệt vọng của người Pháp tại Điện Biên Phủ đã trở nên rõ rành rành vào lúc 10 giờ. Pháo binh của quân Pháp từ từ câm họng dưới những loạt pháo kích chính xác của Việt Minh. Những trận mưa làm hàng tiếp viện từ trên không trở thành nhỏ giọt và biến hầm hào của quân Pháp thành những bãi lầy lội. Những binh sĩ còn sống, nhiều người đã trải qua 54 ngày chỉ dùng bữa với cà phê và thuốc lá, ở trong một tình trạng rối loạn tâm lý và kiệt sức.

Khi tướng Christian De La Croix De Castries báo cáo tình hình qua điện đàm với tướng René Cogny ở Hà Nội, kết cục đã đến cho tập đoàn cứ điểm này. De Castries chọn ra 800 lính từ những đơn vị bị tiêu hao lực lượng và hy vọng cầm cự đến khi màn đêm buông xuống để tìm cơ hội rút lui vào rừng. Nhưng chỉ đến khoảng 15 giờ, khả năng kháng cự của lính Pháp đã cạn và lính Việt Minh tiến lên chiếm trọn những cứ điểm cuối cùng. De Castries hội ý với cấp dưới và hết thảy đều thừa nhận một cuộc phá vây chỉ có thể dẫn đến cái chết vô nghĩa trong rừng. Quyết định được đưa ra là chiến đấu đến những viên đạn cuối và để các đơn vị riêng lẻ giáp mặt với đối phương.

Cuộc trao đổi cuối cùng giữa Cogny và De Castries là phải làm gì với số binh lính bị thương nằm ở khắp nơi và ngay tại bệnh viện trung tâm (ban đầu được xây để chứa 43 bệnh nhân). De Castries đề xuất sắp xếp một cuộc ra hàng trật tự. Tuy nhiên Cogny quả quyết: “Ông bạn ơi, dĩ nhiên là bây giờ ông phải giải quyết mọi thứ... Nhưng đừng giơ cờ trắng. Các ông sắp bị (đối phương) nhận chìm nhưng không được đầu hàng”. “Ô, thưa tướng quân, tôi chỉ muốn cứu lấy những người bị thương” - De Castries đáp. “Vâng, tôi hiểu. Vậy hãy làm điều tốt nhất có thể, trao lại tất cả cho ông... Những điều ông đã làm thì rất tốt. Ông hiểu rồi đó, ông bạn” - Cogny nói.

Lặng đi một lúc sau đó, De Castries nói lời cuối cùng: “Vâng, thưa tướng quân”. “Tạm biệt ông bạn. Tôi sẽ gặp lại ông” - Cogny kết thúc cuộc nói chuyện. Chỉ vài phút sau, viên điều hành điện đàm của De Castries dùng báng của khẩu Colt 45 đập vỡ máy. Những lời thông báo cuối cùng phát ra từ hầm chỉ huy lúc 17 giờ 50 phút: “Đây là Yankee Metro (mật danh). Chúng tôi đang phá hết mọi thứ ở đây. Tạm biệt”.

Trận đánh vĩ đại ở thung lũng Điện Biên Phủ kết thúc. Gần một vạn binh lính Pháp trở thành tù binh.

leftcenterrightdel

Tù binh Pháp tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Những gì diễn ra ở Điện Biên Phủ đơn giản là một canh bạc lớn của người Pháp với một kết quả tồi tệ. Từ chỗ gần như tay trắng về trang bị quân sự, đến tháng 10-1953, các tiểu đoàn Việt Minh được trang bị pháo binh đã đè bẹp quân Pháp đóng dọc theo biên giới với Trung Quốc và giáng cho thực dân Pháp thất bại lớn nhất kể từ biến cố năm 1759 ở Quebec, Canada.

Điện Biên Phủ được xem như một cuộc thử nghiệm cho một thuyết mới của tướng Tổng tư lệnh Pháp Henri Navarre. Thay vì dựng nên những phòng tuyến cố định, tướng Navarre muốn tạo ra trên khắp Đông Dương những “căn cứ không - bộ”, từ đó những đơn vị lưu động sẽ tiến ra tiêu diệt đối phương ngay trên lãnh địa của mình. Nhưng chính Việt Minh đã làm được điều đó. Người Pháp đã mất tất cả từ Điện Biên Phủ: Lào được tự do, tướng Navarre thân bại danh liệt, những quân đội tinh nhuệ nhất tiêu vong và trên hết là mất đi cơ hội cuối cùng để kết thúc êm đẹp một cuộc chiến kéo dài 9 năm gây nản chí...

Trận đánh ở vùng rừng núi Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 đã đánh dấu hồi kết đối với uy thế quân sự của Pháp tại châu Á. Sau nhiều năm bị đô hộ, người châu Á đã giành thắng lợi ngay tại cuộc chơi mà người da trắng dựng lên.

HUYỀN TRANG (lược trích)

1. Sách Điện Biên Phủ - Bài ca bất diệt, Nxb Hồng Đức, 2016, tr295, tr296, tr297)

2. Báo Tuổi trẻ (tuoitre.vn)