Không kể những điểm hết sức lơ mơ về địa danh Điện Biên Phủ, kiến thức mờ nhạt và lạnh lẽo của các nhà làm từ điển Pháp về sự kiện lịch sử đó ở một khoảng cách rất xa với những cảm nghĩ còn nóng bỏng về Điện Biên Phủ của những người cùng phía và cùng thời với họ.

Xem định nghĩa về Điện Biên Phủ của từ điển Laruxơ, người ta không thể nào hiểu được tại sao 8 năm sau Điện Biên Phủ, trên tạp chí của nhà binh Pháp, tạp chí Mũ bêrê đỏ, số tháng 5-1962, còn có một tay sĩ quan nhà nghề Pháp viết: "Đ.B.P., tên viết tắt đó xưa kia chỉ có một số người nhỏ trong cuộc mới hiểu Đ.B.P. nghĩa là gì, đó là những người cất cánh ra đi đầy quyết tâm và trở về phải cuốc bộ. Đ.B.P., trên mặt trang giấy này, tên viết tắt đó khiến lòng ta chìm đắm trong u sầu và làm hồn ta đanh lại trong giờ phút này chua chát thay. Và ba chữ Đ.B.P. làm tâm hồn tôi quặn lại, máu rộn trong tim, nôn nao như say sóng biển".

leftcenterrightdel

Lính Pháp bị thương trong các trận chiến với quân Việt Minh tại Điện Biên Phủ, ngày 14-3-1954. Ảnh: AP

Các tác giả Pháp người thì gọi Điện Biên Phủ là "sự tan vỡ của ảo mộng", người thì khắc khoải kêu lên: "Điện Biên Phủ. Tên gì đó? Vì sao? Thế nào?". Người ta liên hệ trận chiến đấu đó với trận đánh Veécđoong trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Người ta gọi Điện Biên Phủ là chị em với hai trận thua ở Xơđăng năm 1870 và 1940 trong lịch sử quân đội Pháp. Có một tên tướng phát xít Đức cũ, tướng Phônken Hôxê, ra một tài liệu nghiên cứu công phu: "Người Pháp tái bản cái lầm của Hítle ở Xtalingrát".

Tạp chí của Học Viện chiến thuật của hải quân Mỹ phải thảo luận về: "Ý nghĩa của Điện Biên Phủ". Báo của lực lượng quân đội chiến đấu Mỹ cũng soi kính hiển vi vào vấn đề Điện Biên Phủ để rút ra "những bài học máu của chiến tranh Đông Dương!". Bécna Phôn, nhà sử học Mỹ gốc Pháp nghĩ tới Điện Biên Phủ khi viết: "Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến tranh Đông Dương này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó còn ảnh hưởng đến đời sống chúng ta nhiều chục năm nữa".

Một nhà văn có tiếng của văn học tư sản Pháp, Phrăngxoa Môriắc, thì suy nghĩ có vẻ triết lý hơn: "Chúng ta đã từng biết nhiều sự đau khổ còn hơn thế nữa, nhưng không có đau khổ nào tùy thuộc ý chí con người bằng đau khổ này". Có nhà thơ Pháp sáng tác cả một tập thơ về Điện Biên Phủ. Lại có nhà làm sách Pháp khảo cứu riêng một vấn đề: "Tình yêu ở Điện Biên Phủ".

Điện Biên Phủ là gì?

Kết thúc thiên ký sự tiểu thuyết viết dựa vào tài liệu của hàng trăm người còn sống và dựa vào hàng xe vận tải tư liệu của nhà binh Pháp, cuốn Trận Điện Biên Phủ mà Báo Văn chương Pháp phải gọi là "một cuốn sách kinh khủng" (kinh khủng hiểu theo nghĩa thán phục), nhà văn Giuyn Roa, sau khi tả Đờ-cát bị quân ta giải đi về trại tù binh, đã buông những dòng ý nghĩ cô đọng: "Trên khắp hoàn cầu mà ngay trận đánh Oatéclô thời Napôlêông cũng không gây nhiều chấn động đến như thế, cuộc thất trận ở Điện Biên Phủ đã gieo một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn nhất của phương Tây. Thất bại đó báo hiệu sự sụp đổ của những đế quốc thực dân và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện đó vẫn còn đang ầm rung...".

HUYỀN TRANG (lược trích)

Sách “Thép Mới viết về Điện Biên Phủ”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2014