Ngay sau khi quân Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, Cao ủy Pháp tại Đông Dương gửi cho người Pháp một bức thông điệp với lời lẽ chua chát: “Ngày kỷ niệm chiến thắng hôm nay (8-5, kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức), đối với ta là một ngày đau đớn. Bị đè bẹp về quân số và về pháo binh, Điện Biên Phủ không còn nữa. Không việc gì mà ta phải giấu giếm cái đòn ta phải chịu. Dù rằng đối phương có số quân gấp bốn chúng ta, dù rằng cuộc kháng cự ở Điện Biên Phủ đã cứu được Luang Prabang (Lào) và có lẽ cả Hà Nội thì sự thất thủ của Điện Biên Phủ cũng vẫn là một thất bại”.

Tại nước Pháp, đại diện cho giới chính trị là Thủ tướng Joseph Laniel đã phải thốt lên: “Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những cái tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà... Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế”. Đó là những dòng viết của Thủ tướng Joseph Laniel trong cuốn sách có nhan đề “Tấn thảm kịch Đông Dương”, xuất bản tại Paris (Pháp), năm 1957.

Sự kiện Điện Biên Phủ đeo đẳng nước Pháp nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau. Người ta dễ dàng thừa nhận điều đó qua hồi ký của các chính trị gia, các tướng lĩnh và qua các công trình nghiên cứu của nhiều học giả trong và ngoài nước Pháp. Bảy năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, ký giả người Pháp J. Roa, trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ” ghi nhận: “Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn đang âm vang”. Cũng với nhận định như thế, Bernard Fall, nhà sử học Mỹ gốc Pháp viết: “Chúng ta không có quyền được quên cuộc chiến này. Dù ta muốn hay không muốn, cuộc chiến tranh đó vẫn còn ảnh hưởng đến chúng ta nhiều chục năm nữa”.

leftcenterrightdel

17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, bộ đội Việt Nam chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Ảnh tư liệu

Tại phiên họp chính phủ được cho là bi thảm nhất của nước Pháp vào ngày 11-5-1954, với cương vị là nghị sĩ, F.Mitterand (sau này là Tổng thống Pháp) đã dồn dập chất vấn chính phủ của Joseph Laniel về việc để mất Điện Biên Phủ. Bốn mươi năm sau (1994), Tổng thống F.Mitterand đã đến Việt Nam và thăm Điện Biên Phủ. Điều này chứng tỏ rằng, nước Pháp không thể lãng quên Điện Biên Phủ và sự kiện Điện Biên Phủ là một phần lịch sử của nước Pháp.

Trên ý nghĩa đó, cựu Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Antoine Pouillieute đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện Điện Biên Phủ rằng: “Tất cả chúng ta biết rằng, dù lịch sử phải sang trang, nhưng chưa có trang sử nào - dù vinh quang hay thảm khốc nhất - có thể viết lại được. Chấp nhận quá khứ tức là chấp nhận mình, đó là một nghĩa vụ đối với tất cả chúng ta”.

Điện Biên Phủ đối với Pháp là một thất bại đau đớn và với Mỹ cũng vậy. Nhà sử học Bernard Fall đã viết rằng: "Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ. Trong cuộc chiến tranh này, Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ và chịu phí tổn chiến tranh chủ yếu cho Pháp. Từ năm 1950 đến khi Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ, nước Mỹ đã gánh hộ Pháp 80% phí tổn chiến tranh". Báo Paris Match, số ra ngày 22-5-1954, đưa tin: “... Điện Biên Phủ thất thủ, việc đầu tiên của Tổng thống Dwight D. Eisenhower là triệu tập ngay Hội đồng An ninh quốc gia vào hôm sau. Cuộc triệu tập này đã vi phạm cả tính chất thiêng liêng của việc nghỉ cuối tuần”.

Pháp bại trận tại Điện Biên Phủ, nhưng giới chính trị và quân sự Mỹ mới là kẻ muốn tiếp tục cuộc chiến tranh chống nhân dân Việt Nam, bởi lúc đó, Pháp đã tỏ rõ sự bất lực hoàn toàn. Chính quyền Mỹ tổ chức nhiều cuộc họp, đánh giá, phân tích tình hình quân sự ở Đông Dương, nêu nhiều phương án hành động để cứu nguy cho thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ, như hỗ trợ không quân và lục quân để giúp quân Pháp giữ được đồng bằng Bắc Bộ, dành cho Đông Dương khoản viện trợ 800 triệu đô la (theo Báo Nhân đạo (Pháp), ngày 26-5-1954), sử dụng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh Đông Dương nhằm giành thắng lợi hoàn toàn.

Tuy nhiên, tất cả những toan tính đó đã không thực hiện được và Mỹ hướng mục tiêu “không để tuột mất Đông Dương” sang Hội nghị Geneva. Mỹ đã tỏ rõ thái độ phá hoại nền hòa bình của nhân dân Đông Dương; không ký vào bản tuyên bố chung của Hiệp định Geneva để rảnh tay hành động. Ngay sau đó, Mỹ thế chân Pháp, tiến hành một cuộc chiến tranh thực dân mới chống nhân dân Việt Nam và các nước Đông Dương. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ luôn bị ám ảnh bởi thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ. Khi các căn cứ quân Mỹ tại Khe Sanh bị tấn công và bao vây chặt, Tổng thống Mỹ lo sợ tới mức cho đắp một sa bàn nổi khu vực Khe Sanh ngay trong Nhà Trắng để theo dõi tình hình chiến sự và bắt các tướng lĩnh cam kết không để mất Khe Sanh.

Tháng 12-1972, Mỹ đã thất bại nặng nề trong chiến dịch sử dụng lực lượng không quân đánh phá miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải chấp nhận mọi điều khoản của Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

HUYỀN TRANG (lược trích)

1. Sách Điện Biên Phủ - Nhìn từ phía bên kia, Nxb Quân đội nhân dân,1994, tr138

2. Tạp chí Cộng sản (tapchicongsan.org.vn)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.