Tại triển lãm, công chúng được trải nghiệm, chiêm ngưỡng về cuộc chiến hào hùng một thời với hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật quý, tiêu biểu phản ánh về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Từ bức tượng đồng mang tên “Chiến thắng Điện Biên Phủ” được đặt cạnh cổng khu vực triển lãm cho đến chiếc xe thồ để vận chuyển hậu cần, đoạn dây chão là công cụ để bộ đội kéo pháo tại chiến dịch, chiếc xẻng bộ đội ta dùng để đào hào đánh chiếm đồi A1, khúc gỗ chèn pháo, nạng chống được bộ đội pháo binh Đại đội 757 dùng khi kéo pháo vào cứ điểm D2. Rồi những văn bản, thư từ trong chiến dịch, các bài báo quốc tế khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Nhiều người không khỏi xúc động, ngấn lệ trước lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các chiến sĩ đã chiến đấu và chiến thắng tại Điện Biên Phủ năm 1954. Ngoài ra, còn có một số chiến lợi phẩm mà ta thu được từ địch tại Điện Biên Phủ như ba toong của tướng De Castries; mũ sắt, cầu vai ve áo sĩ quan của quân đội Pháp...
 |
Du khách nước ngoài tham quan ngày khai mạc triển lãm. |
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân chứng lịch sử trực tiếp có mặt tại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, xúc động chia sẻ: “Thời khắc chúng tôi nghe tin đã bắt được tướng De Castries, toàn bộ anh em đồng chí, đồng đội như nổ tung, òa lên hò reo vui với nhau, nước mắt trào rưng xúc động không tả xiết. Nhiều năm đã qua, chúng tôi vẫn nhớ Bác Hồ kính yêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định vô cùng sáng suốt mới đi tới thắng lợi huy hoàng ngày đó”.
Tại Triển lãm “Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử” còn có nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật lần đầu giới thiệu tới công chúng, như: Súng trung liên do tổ chiến đấu của anh hùng Bế Văn Đàn sử dụng trong trận đánh tại Mường Pồn (Lai Châu), tháng 12-1953; bản đồ Điện Biên Phủ thu được của quân Pháp; sơ đồ tác chiến do Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu vẽ, phục vụ Sở chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ; mũ nan của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Can sử dụng trong trận đánh đồi Him Lam; Công lệnh số 100/AD/GONO ngày 24-1-1954 của pháo binh Đội tác chiến Tây Bắc thuộc quân Pháp về việc máy bay Dakota xác định các mục tiêu; thư của tướng Navarre viết ngày 11-5-1954 đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép sơ tán tù binh là thương binh ở Điện Biên Phủ bằng máy bay.
Đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: “Triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, khẳng định tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ra sức học tập, công tác, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.