Ngay từ khi nhận được lệnh nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, chúng tôi đã thấy ngay đó là một sự ngu ngốc lớn của Bộ chỉ huy tối cao Pháp (Lời tên quan năm Lơ-mơ-ni-ê). Nhảy dù xuống Điện Biên Phủ mà không liên lạc được với Lào, không chiếm được rừng núi xung quanh thì có khác gì nhảy vào một chỗ chờ chết (Lời tên thiếu tướng Đờ Cát-tri). Tôi phụ trách công việc địa phương Tây Bắc, nhưng Tây Bắc còn gì ngoài cái hòn đảo chơ vơ cô lập Điện Biên Phủ, và ngay trong cái hòn đảo đó, đối với tôi Tây Bắc chỉ là cái hầm chỉ huy mà ngày đêm chúng tôi rúc ở trong (Lời tên quan năm Tờ-răng-ca).

leftcenterrightdel

Tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Sau khi phân khu miền Bắc bị tiêu diệt hoàn toàn, đời sống thảm thê trong đây cùng các hầm hố lô cốt kéo dài; không khí thở ngày một nặng trĩu thêm, ăn uống thất thường vì không lấy được dù, vì các cỡ hỏa lực Việt Nam bắn tỉa, ngủ không giấc nào yên. Thật như có một bàn tay vô hình đang bóp nghẹt dần cổ chúng tôi lại (Lời tên quan ba Ca-pây-rông). Trước kia còn một mẩu sân bay, chúng tôi còn hy vọng. Từ khi trận địa Việt Nam lan gần hết sân bay, hy vọng biến thành tuyệt vọng. Thêm vào đó thương binh ngày một nhiều, lính chết ngày một lắm, kêu rên, vùi lấp ngay bên cạnh, hỏi ai còn có thể giữ vững tinh thần mà chiến đấu nữa. Mỗi người đều tự hỏi: “Ngày mai số phận ta sẽ như thế chăng?” (Lời tên quan ba Ca-pây-rông).

Tới những ngày gần đây, Bộ chỉ huy tối cao Pháp ra lệnh cho chúng tôi tháo vây chạy sang Lào, bỏ mấy nghìn thương binh lại. Bộ Tư lệnh Điện Biên Phủ hỏi ý kiến các sĩ quan đơn vị thì hầu hết đều trả lời: “Đường thì xa, sức kiệt rồi, chạy làm sao nổi. Chạy thì cái chết chắc trong tay, thà ở lại may ra còn sống sót” (Lời tên quan năm Tờ-răng ca). Rồi những ngày đêm kinh khủng cuối cùng tới. Pháo binh Việt Nam bắn chúng tôi không ngóc đầu lên được. Bộ binh Việt Nam tấn công khắp các mặt, dữ dội như chưa bao giờ thấy. Từng đại đội, tiểu đoàn của chúng tôi tan ra thành hơi, thành khói, thành bụi. Cả một binh đoàn của tôi gồm có 6 tiểu đoàn (binh đoàn cơ động số 9) chỉ còn 3 đại đội chiến đấu được. Hầu hết các đơn vị ở Mường Thanh đã 3 ngày 3 đêm ăn không được, ngủ không xong. Tình trạng như thế thì sức đâu mà chống cự nổi nữa.

Đến trưa ngày 7-5, thì đạn súng cối đều hết, đạn súng trường gần cạn, trọng pháo thì vô dụng vì bộ đội Việt Nam đã vào quá hàng rào rồi. Tôi điện cầu cứu Hà Nội (Lời tên thiếu tướng Đờ Cát-tri) thì tướng Cô-nhi trả lời: “Bộ chỉ huy tối cao cũng chịu. Muốn làm thế nào thì làm”. Chúng tôi bàn với nhau: “Đánh một cách tuyệt vọng, chắc chết như thế này, thì đánh làm gì nữa, chỉ có đầu hàng may ra còn giữ vẹn được tính mạng” (Lời tên quan năm Tờ-răng-ca). Nhưng ngồi trong hầm kín, tôi có biết đâu quân lính của chúng tôi đã tự động nhảy khỏi chiến hào từ bao giờ, đang phất cờ trắng, tiến ra tứ phía đầu hàng bộ đội Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Bộ tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh: Triệu Đại – TTXVN 

Thế là kết liễu chuỗi ngày sống thê thảm ở Điện Biên Phủ mà chúng tôi đều gọi là “địa ngục” (Lời tên quan hai Đờ Sa-pô-tin). Mấy tháng nay ở giữa một cánh đồng bát ngát mà bây giờ mới được thở hít không khí trong sạch, nhìn một khoảng trời rộng rãi, ở giữa một vùng rừng cây mà tới nay mới được nhìn thấy màu lá xanh; ở bên một con sông rộng mà bây giờ mới được thảnh thơi ngâm mặt xuống nước. Còn binh lính chúng tôi thì họ nhảy lên, ca hát, tưởng đến điên cuồng (Lời tên quan ba Ca-pây-rông).

Khi còn bị bao vây, chúng tôi đều mong mỏi hội nghị Giơ-ne-vơ thành công để mau thoát khỏi cuộc chiến tranh rùng rợn này (Lời tên quan năm Tờ-răng-ca). Bây giờ bị bắt làm tù binh, chúng tôi càng mong mỏi hội nghị Giơ-ne-vơ để sớm được trở về gặp mặt gia đình. Nếu không có trò nhảy dù Điện Biên Phủ này, thì giờ này tôi đã đang ở với vợ con bên Pháp, làm gì đến nỗi bị tù, bị thương như thế này (Lời tên quan ba Ca-pây-rông). Đã đến hạn hồi hương từ một tháng nay, mỗi ngày tôi giở lịch bỏ túi ra, gạch đỏ một ngày, mong chóng đến hạn hồi hương, việc đó đến đây thế là bỏ dở (Lời tên quan Mu-di). Trong ý nghĩ thầm kín, chúng tôi đều tin rằng hội nghị Giơ-ne-vơ có thể đi đến kết quả tốt đẹp, nếu Chính phủ Pháp biết nghe theo ý nguyện của nhân dân Pháp, nếu bọn Mỹ không thọc gậy vào bánh xe phá rối hội nghị (Lời tên quan năm Tờ-răng-ca).

Sau trận này, chúng tôi càng thấy rõ thêm: “Quân đội Việt Nam đã lớn mạnh quá rồi. Chính phủ Pháp còn kéo dài chiến tranh chỉ là giết quân đội viễn chinh một cách vô ích. Từ lâu nay, “hòa bình ở Việt Nam” đã là ý nghĩ, nguyện vọng của đa số sĩ quan và binh lính Pháp, nhất là những người chiến đấu tuyệt vọng ở Điện Biên Phủ này” (Lời tên quan năm Tờ-răng-ca).

N.T.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan