Sự tính toán sai lầm, chủ quan, khinh thường đối phương của quân đội viễn chinh Pháp và can thiệp Mỹ

Theo đánh giá của các nhà quân sự Pháp và Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam khó có khả năng tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh như Điện Biên Phủ. Một mặt, vì Quân đội Việt Nam lúc đó không có các phương tiện tiến công tương ứng như máy bay, xe tăng, xe bọc thép và lực lượng phòng không đủ mạnh để bảo vệ đội hình chiến dịch. Mặt khác, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong thời gian dài, trên một địa bàn rừng núi rất hiểm trở, xa hậu phương; việc bảo đảm vận tải, tiếp tế lương thực, vũ khí, trang bị rất khó khăn... Không ít sĩ quan cao cấp của quân đội Pháp, Mỹ lúc đó đã thách thức rằng: Điện Biên Phủ quả là một pháo đài “bất khả xâm phạm”... Ngay cả trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân đội Pháp cũng chưa bao giờ xây dựng được một hệ thống phòng ngự dã chiến lớn mạnh như ở Điện Biên Phủ.

Dựa vào hệ thống công sự vững chắc trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh quân đội Pháp và Mỹ tỏ ra rất chủ quan, khinh thường đối phương. Họ tính toán giản đơn rằng, các đoàn dân công và đ­ường sá thô sơ của Việt Nam địch sao nổi cầu hàng không hiện đại của Pháp; rằng “Một dân công mang 30kg, một xe đạp thồ mang 150kg phải đi một tháng mới đến Điện Biên Phủ. Hoặc cứ cho là một ô tô vận tải chuyển đ­ược hai tấn rư­ỡi hàng cũng phải mất 7 đêm. Nh­ư vậy làm sao đọ nổi với một chiếc Dakota mang 5 tấn bay từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ chỉ mất có một tiếng r­ưỡi đồng hồ?”.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách “Vietnam: The ten thousand day war” của tác giả Michael Maclear. Ảnh tư liệu 

Quân đội viễn chinh Pháp không thể ngờ rằng, bằng đôi chân đi bộ, đôi vai và chiếc xe đạp thồ, quân và dân Việt Nam đã vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực và phương tiện cần thiết đáp ứng nhu cầu của chiến dịch; với cái cuốc, cái xẻng, “Quân đội Việt Nam đã tạo ra cả một hệ thống giao thông hào, địa đạo khổng lồ ngày càng bao vây, siết chặt cứ điểm Điện Biên Phủ”, góp một phần quyết định vào thắng lợi, mà sau này một viên tướng Pháp đã phải thừa nhận: “Cái xẻng và cái cuốc là những vũ khí mạnh không kém gì máy bay và xe tăng”.

Việt Nam có đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, có lãnh tụ vĩ đại lãnh đạo, có tổng chỉ huy tài giỏi

Trong cuốn sách "Le temps des verites" (Thời điểm của những sự thật), tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã thừa nhận sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ là sự sụp đổ của những tư tưởng thực dân, mà nguyên nhân là do có sự mâu thuẫn giữa đường lối chính trị với đường lối quân sự của Chính phủ Pháp đương nhiệm và các thế lực thực dân, đế quốc ở Đông Dương. Trong khi đó, đối thủ của ông ta lại có một đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất, chặt chẽ và xuyên suốt lãnh đạo cuộc kháng chiến. Navarre nhận xét: “Ở Việt Minh, không có những chủ trương chính trị và những chủ trương quân sự riêng rẽ mà là những chủ trương chính trị-quân sự thống nhất. Những chủ trương đó được quyết định bởi một ủy ban Trung ương mà người tổng chỉ huy đồng thời là Bộ trưởng Quốc phòng là một ủy viên. Kế hoạch quân sự được đặt trong một tổng thể mà tất cả mọi việc đều hướng vào nhiệm vụ bảo đảm cho sự thành công”. Trong cuốn sách “Agonie de l'Indochine” (Đông Dương hấp hối), Navarre thú nhận: “Cuộc chiến tranh Đông Dương không phải là một cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là một cuộc viễn chinh thôn tính ở một nơi xa xôi, tiến hành với một quân đội chuyên nghiệp đơn độc, trong đó chúng ta không hiểu được ý nghĩa của nó...”.

Nói về đường lối chính trị và nội bộ Chính phủ Pháp ở thời kỳ đó, Navarre phải cay đắng thốt lên: “Nhưng than ôi, tình hình bên ta thì hoàn toàn ngược lại. Chưa bao giờ chúng ta có người cầm quyền từ đầu đến cuối... Để lãnh đạo chiến đấu từ 7 năm nay thì 19 chính phủ liên tiếp của ta đã đưa ra 5 thủ lĩnh chính trị ở Đông Dương (ông Dejsean là người thứ 6) và 6 tổng chỉ huy (tôi là người thứ 7). Hơn nữa, chúng ta chẳng bao giờ có một chính sách nhất quán từ đầu đến cuối. Hay nói đúng hơn: Chúng ta chẳng có một chính sách nào cả”. Navarre thừa nhận: “Về phương diện chính trị, Việt Minh là một quốc gia thật sự. Thật vậy, uy quyền trực tiếp của họ lan rộng quá nửa nước Việt Nam. Hơn nữa, trong vùng quân ta kiểm soát, họ cũng có một quyền uy bí mật đánh bại được uy quyền của ta và cho phép họ thu được những nguồn tài nguyên bổ sung rất quan trọng...”.

Nhìn toàn cảnh cuộc chiến tranh ở Đông Dương những năm 1953-1954, báo Rivarol số ra ngày 8-7-1954 viết: “Tinh thần quân đội họ cao. Đó là tinh thần của bên chiến thắng... Mặt khác cũng phải nói rằng, dân chúng có cảm tình với Cụ Hồ Chí Minh. Dân chúng sẵn sàng rời bỏ nơi mình ở để theo Cụ Hồ, theo Việt Minh. Ngược lại, tinh thần của quân Pháp thì dao động mạnh, tinh thần quân Việt (ngụy) sát cánh với họ đã suy sụp từ lâu, vì họ cho là Việt Minh chắc chắn sẽ chiến thắng”.

Trong cuốn sách “Vietnam: The ten thousand day war” (Việt Nam: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày) tác giả Michael Maclear đã phân tích sâu sắc và thuyết phục, đưa ra bức tranh toàn cảnh khá chân thực, trong đó nêu ra một trong những nguyên nhân thắng lợi của Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, đó là Việt Nam có tổng chỉ huy rất tài giỏi. Michael Maclear viết: “Đối với ông Giáp, cảm giác khi gặp thì người ta thấy ông là một con người giống Napoleon về dáng vóc và kiến thức. Ông ta là một chiến lược gia có tài, với chủ trương chạy đua thời gian, trước mắt phải diệt tốt, đợi thời cơ sẽ diệt xe... Ông thua nhiều trận nhưng ông ta lại chẳng bao giờ thua một cuộc chiến tranh nào”. Điều đó cũng được tướng Navarre viết trong cuốn sách “Agonie de l'Indochine”, thể hiện rõ sự khâm phục đối với “đối thủ đáng kính trọng”, “một lãnh tụ chính trị duy nhất: Hồ Chí Minh và một lãnh tụ quân sự duy nhất-Giáp...”.

(còn nữa)

Đại tá, ThS NGUYỄN ĐỨC THẮNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.