1. Nói tới Điện Biên Phủ, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Điện Biên Phủ, đã nhấn mạnh: “Điện Biên Phủ là điểm hẹn mà lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao và kết tinh những chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Phát huy sức mạnh đoàn kết quốc tế-một nhân tố quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Điều đó cần phải bắt đầu từ những sự kiện lịch sử có ý nghĩa về cơ sở lý luận trong đường lối cách mạng của Đảng ta và cũng là điểm xuất phát trong hành động với tầm nhìn chiến lược của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel

Quân ta vượt cầu Mường Thanh, tấn công trung tâm chỉ huy của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI 

Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã bổ sung, phát triển luận điểm của Lênin bằng cách mở rộng tối đa biên độ đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trên lập trường giai cấp công nhân: “Tất cả mọi người lao động đoàn kết lại” để rồi “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”, “Vàng đen trắng đỏ đều là anh em”. Đặc biệt, năm 1950, Hồ Chí Minh bí mật đi Trung Quốc và Liên Xô, tìm cách khai thông mở đường phát triển cho cách mạng Việt Nam, tạo lập hậu phương quốc tế cho sự nghiệp “kháng chiến kiến quốc”, nhận rõ “kháng chiến tất thắng để kiến quốc tất thành”, “kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”.

2. Nhờ nỗ lực bền bỉ và quyết định sáng suốt đó của Người mà năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc đã chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Các nước xã hội chủ nghĩa anh em ở Đông Âu cũng lần lượt công nhận nước ta. Trong kháng chiến gian khổ, Việt Nam đã trở thành thành viên trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, tạo nên bước ngoặt phát triển của cách mạng Việt Nam.

Trong thời gian chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, các cố vấn, chuyên gia Trung Quốc đã cùng ta xem xét, đánh giá tình hình, thảo luận các phương án tác chiến, lường trước những khó khăn, đồng thời còn trao đổi những kinh nghiệm xây dựng lực lượng, hậu phương Quân đội, quản lý xã hội, thực hiện phương châm vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Song song với đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng, hết sức kiên trì, bền bỉ, làm rất tốt và có hiệu quả việc tuyên truyền trên trường quốc tế, vạch trần tội ác của thực dân Pháp và tính chất chính nghĩa, nhân đạo, cao thượng của nhân dân ta trong việc bất đắc dĩ phải cầm vũ khí đứng lên chống lại thực dân Pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước ta. Đồng thời góp phần đấu tranh cho hòa bình, chống lại tội ác chiến tranh, bảo vệ công lý, tự do của nhân dân các dân tộc trên toàn thế giới. 

Ngay ở Pháp, Đảng Cộng sản Pháp đã ra nghị quyết lên án chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, đòi bảo vệ thanh niên Pháp, kêu gọi các tổ chức dấy lên phong trào đòi hòa bình ở Đông Dương. Tổng Liên đoàn lao động Pháp phát động chiến dịch chống chiến tranh xâm lược ở Đông Dương với những hoạt động phong phú, những hành động quyết liệt, làm hậu thuẫn cho sức mạnh kháng chiến của ta.

3. Cần nhấn mạnh đoàn kết quốc tế trong Chiến dịch Điện Biên Phủ-biểu hiện trực tiếp nhất, quan trọng nhất và hiệu quả lớn lao nhất, đó là tinh thần đoàn kết chiến đấu của Việt-Miên-Lào, cùng trên chiến trường Đông Dương, đánh địch cùng một phương hướng chiến lược. Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã tỏ rõ: Đoàn kết liên minh đi đôi với tự lực cánh sinh, thực hành khẩu hiệu: Tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ. Đoàn kết liên minh đi đôi với độc lập tự chủ phải thực hiện không chỉ ở phía ta mà Đảng ta cũng chủ trương thực hiện bình đẳng với Lào, Campuchia và các nước khác.

Đoàn kết liên minh với nhân dân Lào, nhân dân Campuchia trên cơ sở Đông Dương là một chiến trường, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, đẩy mạnh kháng chiến chống kẻ thù chung trên cả 3 nước theo tư tưởng “giúp bạn là tự giúp mình”, kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, chống tư tưởng dân tộc lớn, ban ơn, làm thay, áp đặt, cùng những biểu hiện hẹp hòi, vị kỷ, là đường lối xuyên suốt, là kinh nghiệm lớn để đưa cuộc kháng chiến tới thắng lợi.

Bài học đoàn kết quốc tế nổi bật ở liên minh chiến đấu Việt-Miên-Lào, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của quốc tế. Những vấn đề cơ bản là giữ vững quyền dân tộc tự quyết, bình đẳng, tương trợ, hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau trong quá trình đoàn kết, liên minh, tạo nên thắng lợi chung, vì mục tiêu chung. Đó là một hình mẫu quý giá của sự kết hợp dân tộc với quốc tế, giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế chân chính mà sự nghiệp cách mạng của 3 nước đã cùng đóng góp vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới trong thời đại ngày nay.

GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.