Trận chiến đấu ở đồi C1 kéo dài liên tục hơn một tháng, từ tiến công chuyển sang đánh địch phản kích, rồi tổ chức phòng ngự giằng co với địch. Sự chỉ huy quyết đoán, linh hoạt của Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc và tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 56 đã góp phần đánh bại quân địch.

Bắn cối 81mm bằng phương pháp “ôm nòng”

Cuối tháng 3-1954, quân ta tiến công địch ở đồi C1. Tuy nhiên, ngày 9-4, được lực lượng nhảy dù tăng cường, có pháo binh, xe tăng và máy bay yểm hộ, địch tiến hành phản kích lớn từ đồi C2 ngược qua “yên ngựa” đánh sang nhằm chiếm lại đồi C1 để bảo vệ sườn bên trái của đồi A1. Lúc này, Đại đội 56 súng cối 81mm phải thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Bắn tập trung mãnh liệt vào khu “yên ngựa” phá vỡ đội hình phản kích của địch; đồng thời di chuyển hỏa lực bắn vào cột cờ trên đỉnh đồi C1 chế áp, tiêu diệt địch khi chúng đột nhập vào tung thâm phòng ngự của ta.

leftcenterrightdel

Quân ta tiến lên chiếm lô cốt cuối cùng của Pháp ở đồi C1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh tư liệu 

Vào thời điểm đó, quân ta và địch rất gần nhau, làm thế nào để “quân ta không bắn quân mình” là một bài toán khó. Hơn nữa, do địa hình hẹp, giao thông hào chật và nông, không thể đặt cả chân và bàn đế súng cối 81mm để bắn, trong khi yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi phải khẩn trương, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 56 liền nghĩ ra phương pháp “bắn ôm nòng”. Cụ thể là Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc cho một pháo thủ dùng vai đỡ và tay ôm lấy nòng súng cối với góc gần 90 độ, một pháo thủ khác thực hành bắn. Kết quả bắn rất chính xác.

Trong quá trình chiến đấu giằng co giữa ta và địch, cột cờ trên đỉnh đồi C1 là mốc phân chia giới hạn: Địch chiếm một nửa đồi phía cao, ta chiếm một nửa đồi phía thấp. Đó cũng là vật chuẩn để chỉ thị mục tiêu của hỏa lực pháo binh, súng cối. Theo lệnh của trên, Đại đội 56 dùng 3 khẩu cối 81mm bắn liên tục vào “yên ngựa”, 6 khẩu bắn từ cột cờ lên phía cao cứ điểm để duy trì lúc nào cũng có tiếng nổ cối 81mm chế áp và tiêu diệt địch. Có lần đồng chí Vũ Lăng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 xuống kiểm tra đơn vị, yêu cầu Đại đội bắn thử vào “yên ngựa”. Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc báo cáo đạn rơi đúng mục tiêu, nhưng quan sát thấy trên mặt “yên ngựa” có một ít khói mỏng bay là là mặt đất. Đồng chí Vũ Lăng mặt nghiêm nghị, hơi khó chịu và hỏi lại: “Đạn rơi chính xác không?”. Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc đáp: “Báo cáo Trung đoàn trưởng, đạn đã rơi đúng mục tiêu, nhưng đây là mục tiêu “yên ngựa 1” nằm thấp ở sườn trái phía Bắc “yên ngựa” mà địch thường lợi dụng để phản kích ta. Còn trên mặt “yên ngựa” đơn vị đánh số là “yên ngựa 2”...

 Để kiểm tra tính xác thực, đồng chí Vũ Lăng lệnh cho bắn tiếp hai quả vào “yên ngựa 2”. Sau chưa đầy một phút, lần lượt hai quả đạn cối đã nổ trên bề mặt “yên ngựa 2”, khói đen cuốn theo bụi đất bốc lên, quan sát từ xa thấy rõ. Lúc này, Trung đoàn trưởng nở nụ cười tươi và nói: “Từ nay trở đi, khi đánh địch phản kích, Đại đội trưởng được quyền quyết định số lượng đạn cối bắn vào “yên ngựa” và cột cờ mà không phải chờ lệnh của Trung đoàn dễ mất thời cơ hỏa lực. Nhưng phải hết sức tiết kiệm đạn và không được đụng đến cơ số đạn dự bị nếu không có lệnh của Trung đoàn”.

Tiếng kèn địch vận

Trận chiến trên đồi C1 vô cùng ác liệt. Suốt 31 ngày đêm, Trung đoàn 98 liên tục phòng ngự, đánh lui 12 đợt phản kích của quân Pháp. Đây là một trong những trận chiến đấu gay go, quyết liệt nhất trong đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có lần địch vào được tung thâm phòng ngự của ta và chiếm lại cột cờ trên đỉnh đồi C1. Ta và địch có nhiều trận đánh giáp lá cà, quần nhau giành giật từng tấc đất, từng ụ súng, từng mét chiến hào. Nhiều cán bộ, chiến sĩ Đại đội 56 hy sinh... Trong quãng nghỉ giữa các trận đánh, Đại đội trưởng Đỗ Văn Phúc dùng cây kèn harmonica thổi các ca khúc cách mạng nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu cho đồng đội. Thấy vậy, Đội trưởng Đội tuyên truyền địch vận của mặt trận đến gặp đồng chí Phúc và đề nghị thổi các bản nhạc, gồm cả nhạc nước ngoài, phát qua loa phát thanh.

Trước đó, khi quân ta phát thanh, quân Pháp sử dụng hỏa lực bắn xối xả vào khu vực có âm thanh. Nhưng qua “tiếng kèn địch vận” harmonica với giai điệu tha thiết của các bản nhạc mang âm hưởng phương Tây vang lên thì tiếng súng thưa thớt dần; đồng thời, giai điệu các ca khúc cách mạng đã góp phần động viên bộ đội ta nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm C1.

Từ chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, đồng chí Đỗ Văn Phúc lại được tham gia Chiến dịch phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972 trên cương vị Phó tham mưu trưởng Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), góp phần làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Từ nổi tiếng qua "tiếng kèn địch vận",  sau này, Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc lại nổi tiếng khi có hàng chục ca khúc để lại ấn tượng với khán giả, như: Người canh giữ bầu trời; Kíp săn B-52; Nhớ mãi Hà Nội ơi; Hà Nội em và tôi; Chim ơi đừng vỗ cánh (thơ Hoàng Khoát); Chim nhạn (thơ Trần Văn Giang)...

SƠN BÌNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan