Từ một chiến sĩ liên lạc, anh trưởng thành khá nhanh trên các cương vị chỉ huy, được cấp trên tin tưởng, cấp dưới quý mến. Anh tham gia các chiến dịch lớn như: Trung Du, Đồng bằng Bắc Bộ, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Trong trận tập kích cụm quân địch ở Bản Ban, tỉnh Xiengkhuang (Chiến dịch Thượng Lào tháng 5-1953) là Trung đội trưởng xung kích, anh xông xáo dẫn đầu đơn vị dũng mãnh thọc sâu, chia cắt đội hình địch, diệt hàng chục tên, làm chủ trận địa, thu nhiều vũ khí, được nêu gương cho toàn mặt trận học tập.

Trận đánh địch ở Bản Bông phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, là Trung đội trưởng đại liên, hỏa lực chính đi cùng đội hình xung kích, anh mưu trí chỉ huy đơn vị chi viện có hiệu quả cho bộ binh đánh chiếm mục tiêu. Trận đánh diễn ra rất quyết liệt. Địch ỷ vào công sự, hệ thống hầm hào vững chắc và các loại vũ khí mạnh chống trả điên cuồng. Giữa lúc trận đánh đang diễn ra rất gay go, đồng chí chỉ huy đơn vị bộ binh bạn và nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, Lê Xuân Phôi đã kịp thời lên thay thế, trực tiếp chỉ huy cả hai đơn vị chiến đấu, đánh lui và chặn đứng nhiều đợt phản kích của đối phương, diệt gần 100 tên địch, giữ vững trận địa.

Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Trong đoàn quân chiến thắng trở về có anh cán bộ trẻ Lê Xuân Phôi. Anh cùng đơn vị say sưa rèn luyện về mọi mặt, sẵn sàng vào cuộc chiến đấu mới chống giặc Mỹ xâm lược.

Tháng 3-1965, Tiểu đoàn 8 do anh chỉ huy hối hả lên đường ra mặt trận. Tháng 10-1965, đơn vị anh có mặt trên địa bàn Tây Nguyên vào thời điểm Mỹ trực tiếp đưa quân chủ lực lên chiếm đóng, lập căn cứ và mở chiến dịch "Tìm diệt đối phương".

leftcenterrightdel

 Quân Mỹ đổ bộ xuống thung lũng Ia Đrăng trong Chiến dịch Plei Me năm 1965. Ảnh tư liệu: Baobinhphuoc.com.vn

Trên địa bàn Tây Nguyên, Mỹ đã có tới 3 sư đoàn: Sư đoàn không vận số 1, Sư đoàn 25 tia chớp nhiệt đới và Sư đoàn bộ binh số 4, chưa kể các sư đoàn của ngụy trực tiếp tham chiến. Chúng mở chiến dịch Plei Me kéo dài 2 tháng.

Tại thung lũng Ia Đrăng, quân ta chủ động đánh địch liên tục, tiêu hao và tiêu diệt nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ - ngụy.

Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 65 của ta chiến đấu ngoan cường diệt gọn 2 đại đội Mỹ. Nhưng cả hai đơn vị đều bị hao tổn đáng kể. Bộ tư lệnh chiến dịch ra lệnh điều động gấp Tiểu đoàn 8 bộ binh do Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi chỉ huy, từ miền Bắc vào trực tiếp tham gia chiến đấu.

Mặc dù lúc này đơn vị đang cách nơi diễn ra chiến sự 20km, lập tức cắt rừng hành quân cấp tốc tới đích. Tất cả cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược! Suốt đêm, cả đơn vị không ai chợp mắt và đến trưa hôm sau 17-10-1965, Tiểu đoàn 8 như một tuấn mã phi nước đại đã tới thung lũng Ia Đrăng. Lúc này, từ cán bộ đến chiến sĩ mệt rã rời, bởi cường độ cơ động quá cao. Nhưng khi thấy quân Mỹ lố nhố như những cái bia thịt lồ lộ, Lê Xuân Phôi nói với anh em: "Thời cơ diệt Mỹ đã tới, phải cố lên, chớp lấy ngay đừng bỏ lỡ!". Anh nhanh chóng triển khai bộ đội chiến đấu, luôn có mặt những nơi gay cấn nhất của trận đánh. Vượt lên đầu đội hình, anh hô lớn: "Bám thắt lưng Mỹ mà đánh!". Khẩu lệnh ấy đã nhanh chóng truyền đi khắp toàn đơn vị như một luồng sức mạnh kỳ lạ, cổ vũ toàn tiểu đoàn xông tới.

Trận đánh kéo dài 8 giờ. Tiểu đoàn 8 của Lê Xuân Phôi diệt gọn đại đội hành quân của Lữ đoàn 3 và toàn bộ lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 của Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu trên 400 tên. Lê Xuân Phôi đã tỏ rõ bản lĩnh của một chỉ huy kiên cường, linh hoạt và thông minh cùng đồng đội giết giặc lập công. Gần kết thúc trận đánh, anh bị thương nặng, nhưng không cho ai biết, tự tay xé dù ngụy trang băng vết thương, tiếp tục chỉ huy chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Toàn đơn vị không nén nổi sự xúc động và căm thù đã nhằm thẳng quân thù mà xông lên như vũ bão.

Trận đánh quyết định này đã buộc quân Mỹ phải tháo chạy khỏi thung lũng Ia Đrăng. Đây là lần đầu tiên uy danh đội quân xâm lược Mỹ bị đánh sập, lần đầu tiên chúng phải rút lui chiến dịch ở chiến trường Việt Nam. "Bám thắt lưng Mỹ mà đánh" - khẩu lệnh của Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi đã lan nhanh trên toàn chiến trường đánh Mỹ của quân và dân ta.

Liệt sĩ Lê Xuân Phôi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh ký Quyết định truy tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" ngày 30-8-1995.

Tháng 10-1994, gần 20 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một phóng viên đã hỏi Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị: "Thưa Thượng tướng, đồng chí nguyên là Chính ủy Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đồng chí đánh giá như thế nào về lời hô của Đại úy, Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi: "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh?".

Ông vui vẻ trả lời: "Lời hô ấy của Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nó được thể hiện ngay bằng hành động là Tiểu đoàn 8 do anh chỉ huy đã "Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh", dũng cảm tiếp cận và tiêu diệt địch. Lời hô ấy của liệt sĩ Lê Xuân Phôi đã kịp thời phổ biến rộng rãi trên cả nước, trở thành hành động chiến đấu trên toàn chiến trường đánh Mỹ và diệt Mỹ.

ĐẶNG CƯỜNG (Lược trích theo cuốn sách “Âm vang Điện Biên”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.