Xác định phương hướng và quyết tâm chiến lược mùa khô 1953

Quá trình lãnh đạo công tác chuẩn bị bước vào mùa khô 1953 cũng là quá trình Đảng tạo mọi điều kiện chính trị, tinh thần và vật chất, kỹ thuật để bộ đội phát huy sức mạnh, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, Đảng ta phân tích kế hoạch Nava chỉ là sản phẩm của thế thua, thế thất bại nên chứa đựng đầy mâu thuẫn và những hạn chế không thể khắc phục được. Đầu tháng 9-1953, Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu tổ chức nghiên cứu tình hình để xây dựng kế hoạch tác chiến. Từ cuối tháng 1-1953, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 đã đề ra phương hướng chiến lược tạm thời của ta là “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do.

Ngày 20-11-1953, Na-va ném quân xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ. Sau khi thị sát, ngày 3-12, tổng chỉ huy Pháp quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành một căn cứ lục quân - không quân với âm mưu chiếm giữ vị trí chiến lược hết sức quan trọng, bảo vệ kinh đô Luông Pha Băng, làm bàn đạp để chiếm lại Tây Bắc, uy hiếp hậu phương của ta, buộc ta phải phân tán binh lực giữ đồng bằng và rừng núi.

Ngày 6-12-1953, Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị “phương án tác chiến mùa Xuân 1954”. Hai khả năng được Tổng quân ủy dự kiến: “Khi chủ lực ta uy hiếp thật mạnh thì ở Điện Biên Phủ địch có thể tăng cường đến khoảng trên dưới 10 tiểu đoàn, biến thành một tập đoàn cứ điểm lớn, nhưng cũng có thể rút... Yêu cầu khách quan của cuộc kháng chiến là phải làm sao tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm, làm thất bại hình thức phòng ngự mới này của địch. Chỉ có đánh bại biện pháp chiến lược cuối cùng của Pháp, mới mở đường cho lực lượng vũ trang ta phát triển, mới tạo nên chuyển biến có lợi cho cục diện chiến tranh.

Với binh lực địch có thể huy động, với cách bố trí phòng ngự chúng có thể triển khai, Điện Biên Phủ có thể trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh hơn nhiều so với Hòa Bình và Nà Sản. Nhưng địch cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, mà chỗ yếu nổi lên là Điện Biên Phủ ở xa các căn cứ của địch ở đồng bằng. Mọi nhu cầu tăng viện, tiếp tế đều phải dựa vào đường hàng không. Về phía ta, bộ đội chủ lực tuy chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm, nhưng với kết quả huấn luyện đánh công sự vững chắc vừa qua, với những hiểu biết thêm về cách bố trí của địch qua việc nghiên cứu tại chỗ tập đoàn cứ điểm Nà Sản, với sự có mặt của lựu pháo và cao pháo, ta hoàn toàn có khả năng tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Như vậy, với việc xác định phương hướng, phân tích đánh giá đúng tình hình, âm mưu thủ đoạn của thực dân Pháp, cùng với quyết tâm chiến lược Đảng ta nhận định: Điện Biên Phủ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn để từ đó có thể chấm dứt chiến tranh nên Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm phải tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo bước ngoặt mới trong chiến tranh trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương.

Vận dụng linh hoạt các phương châm tác chiến phù hợp

Đây là nét đặc sắc, sáng tạo nhất và quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế và so sánh tương quan lực lượng địch, ta trên chiến trường, Bộ tư lệnh chiến dịch đã cân nhắc và rất khó khăn mới đưa ra quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Ngày 5-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận cùng với bộ phận cơ quan chỉ huy chiến dịch. Trước khi lên đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý Đại tướng về những trở ngại trong việc chỉ đạo các chiến trường khác khi ở xa Trung ương và Người nhấn mạnh: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”[3]. Trung tuần tháng 1-1954, ta chủ trương dùng cách đánh nhanh, giải quyết nhanh. Cụ thể là tập trung binh lực, chia làm nhiều hướng, đánh thẳng vào nơi sơ hở nhất và quan trọng nhất trong lòng địch, chia cắt tập đoàn cứ điểm ra thành từng bộ phận để tiêu diệt, tiếp đó giải quyết những bộ phận còn lại.

Sau hơn mười ngày nắm lại tình hình địch và cân nhắc khả năng của ta, lượng sức bộ đội đánh nhanh giải quyết nhanh không mười phần thắng lợi, Đảng ủy mặt trận quyết định thay đổi cách đánh cho phù hợp với trình độ bộ đội. Đó là cách đánh chắc, tiến chắc, tập trung ưu thế binh lực hỏa lực vào từng mục tiêu, bảo đảm chắc thắng cho từng trận đánh, vừa đánh vừa học, đánh trận trước, đợt trước xong, củng cố lực lượng, chấn chỉnh tổ chức, rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho trận sau, đợt sau.

Nghệ thuật xây dựng trận địa tiến công và bao vây rộng lớn, chia cắt và cô lập

Thế trận của ta là bao vây chia cắt chiến lược (tức là cô lập Điện Biên Phủ) với các chiến trường khác. Bao vây chia cắt chiến dịch (ở chiến trường Điện Biên Phủ). Bao vây chia cắt chiến thuật (từng cứ điểm). Từ tháng 12 -1953, ta đã tiến công và chốt trên các ngả đường về Điện Biên Phủ. (Điện Biên Phủ - Lai Châu, Điện Biên Phủ - Tuần Giáo, Điện Biên Phủ - Thượng Lào và 2 đầu con đường độc đạo dọc theo cánh đồng Mường Thanh).

Từ khi thay đổi phương châm, bộ đội ta đã đào hàng trăm km giao thông hào và cộng sự bao quanh phân khu, ngày càng siết chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khống chế không phận và triệt đường tiếp tế của địch, làm cho kế hoạch tháo chạy của địch không thể thực hiện được.

Chính trong những ngày "lửa thử vàng, gian nan thử sức" đó, Nghị quyết Bộ Chính trị (19-4-1954) và sự tiếp sức kịp thời của nhân dân hậu phương đã tạo thêm điều kiện thuận lợi có ý nghĩa quyết định cả về tinh thần và vật chất để quân ta hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch còn lại, cả tướng Đờ Cát và bộ chỉ huy địch, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Thực tế đã chứng minh, nghệ thuật điều hành chiến tranh của Đảng phát triển một cách sáng tạo trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, là một trong những yếu tố quyết định nhất để quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Na-va.

PHẠM LANH (tổng hợp)

Ghi chú:

[1], [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1998, t.14, tr.130.

[3] Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, tr.900.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.