Nhận thức rõ việc bảo đảm vũ khí và lương thực cho các lực lượng tham gia chiến dịch là một việc hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi, Trung ương Đảng và Chính phủ đã huy động dân công, xe đạp thồ, ngựa thồ, thuyền bè các loại và xe ô tô phục vụ vận chuyển hàng hóa, vũ khí đạn dược cho chiến dịch.

leftcenterrightdel
Xe đạp thồ, dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, ngựa... ngày đêm vận chuyển vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Do địa bàn chiến dịch xa hậu phương, lại qua nhiều địa hình hiểm trở, việc tổ chức vận chuyển cung cấp vũ khí đạn dược được tổ chức thành hai tuyến. Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần), Hội đồng cung cấp mặt trận các Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3-4 đảm nhiệm. Tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng cung cấp mặt trận khu Tây Bắc phụ trách. Vũ khí, trang bị kỹ thuật từ Việt Bắc sang giao hàng ở Ba Khe trên đường 13; hướng từ Liên khu 3, 4 ra giao hàng ở Suối Rút. Tổng cục Cung cấp ở hậu phương phụ trách việc chuyển vũ khí, trang bị kỹ thuật lên đến Ba Khe và giao lại cho Tổng cục Cung cấp tiền phương. Tổng cục Cung cấp tiền phương sau khi nhận được hàng hóa tổ chức vận chuyển từ Ba Khe, Suối Rút lên Điện Biên Phủ.

Ngoài ra, để phục vụ cho việc cất trữ, bảo quản vũ khí, Tổng cục Cung cấp tiền phương tổ chức bố trí các kho dự trữ ở quanh thị xã Sơn La và các kho trung tuyến trong phạm vi từ km31 đến km87 đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ. Các kho được bố trí hợp lý, bí mật, an toàn, thuận tiện cho việc tiếp nhận và cấp phát.

Do nhu cầu vận chuyển bảo đảm chiến dịch rất lớn, nhất là khi ta chuyển phương châm tác chiến. Ban đầu, dự kiến nhu cầu đạn cho chiến dịch là hơn 400 tấn, nhưng sau khi chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" lên tới hơn một nghìn tấn. Khác với công tác bảo đảm hậu cần, công tác bảo đảm kỹ thuật không thể khai thác tại chỗ, mà phải đưa từ nơi khác tới. Bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu đó, toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải với hơn 500 xe và hơn 800 lái xe, hơn 300 thợ sửa chữa của Tổng cục đã được sử dụng; có thời gian còn được tăng cường hơn 90 xe của các các đơn vị pháo binh, phòng không.

leftcenterrightdel

Bộ đội ta kéo pháo nặng hàng chục tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Mặc dù bị địch đánh phá, ngăn chặn ác liệt, ngành quân khí cùng với lực lượng vận tải chuyển tất cả lượng đạn dự trữ tập trung bảo đảm tốt nhất cho chiến dịch. Đồng thời, chủ động tổ chức lực lượng bảo đảm và khắc phục kịp thời hỏng hóc của vũ khí, trang bị kỹ thuật. Tổng cục Cung cấp đã thành lập Ban Quân khí tiền phương và tổ chức các tổ, đội quân khí tại các kho, phân kho ở trung tuyến và hỏa tuyến; tổ chức các đội sửa chữa vũ khí, thu hồi vũ khí chiến lợi phẩm và cử phái viên, nhân viên tăng cường cho các đơn vị.

Bằng nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, sau hơn một tháng, mọi công tác chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc" đã hoàn tất.

Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh vào cứ điểm Him Lam. Hơn 40 khẩu pháo các loại, từ 75mm đến 120mm đồng loạt khai hỏa vào các mục tiêu. Quá trình tác chiến, lực lượng kỹ thuật đã khắc phục mọi khó khăn, xử trí kịp thời các tình huống. Các chiến sĩ quân khí đã sửa tại chỗ nhiều khẩu pháo cao xạ bị không quân địch đánh phá. Ngoài ra, các trạm sửa chữa quân khí còn tích cực sản xuất cuốc, xẻng bảo đảm cho bộ đội sửa đường, đào, đắp hầm hào công sự. Sau đợt 2 của Chiến dịch, lượng đạn dự trữ còn rất ít, nhất là đạn pháo 105mm, Tổng cục Cung cấp đã cho chuyển gấp từ hậu phương lên khoảng 5.000 viên đạn pháo và chỉ đạo điều chỉnh giữa các đơn vị. Cùng với việc làm đó, việc đoạt dù tiếp tế của địch để cung cấp cho ta được các đơn vị tích cực thực hiện. Sau đó, lực lượng kỹ thuật đã tích cực phân loại, kiểm tra súng đạn chiến lợi phẩm cấp bổ sung cho đơn vị chiến đấu. Với nỗ lực to lớn của hậu phương và lực lượng hậu cần-kỹ thuật mặt trận, cuối tháng 4-1954, các đơn vị đã được bổ sung đủ vũ khí trang bị, đạn... sẵn sàng bước vào đợt 3 - đợt tiến công cuối cùng của chiến dịch.

leftcenterrightdel
 Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Sau nhiều ngày đêm chiến đấu kiên cường, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị ta tiêu diệt. Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã nỗ lực vượt bậc, giải quyết thành công vấn đề khó khăn nhất của chiến dịch - vấn đề cung cấp lương thực và vũ khí, trang bị. Công tác kỹ thuật đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần rất quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Mặc dù còn non trẻ, song ngành quân khí đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về chỉ huy, tổ chức bảo đảm kỹ thuật, đặc biệt là bảo đảm vũ khí, đạn, để lại nhiều kinh nghiệm quý.

ĐỨC AN (lược trích)

1, Dấu ấn chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, Nxb Hồng Đức, 2019

2, Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, 1995

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.