Muốn hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe bộ đội thì không phải chỉ có ngành quân y làm đơn độc mà phải có một tổ chức vận động quần chúng to lớn, sâu rộng khắp từ đơn vị tới từng người. Đó phải là một tổ chức được chỉ huy, chỉ đạo thống nhất từ Tư lệnh mặt trận xuống người chỉ huy đơn vị cơ sở rồi đến người chiến sĩ.

Tổ chức bảo đảm quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là hệ thống tổ chức đã được hình thành ngay từ đầu chiến dịch tương đối hoàn chỉnh và được bổ sung dần, có nhiều đặc điểm mới cả về quy mô, tính chất và thời gian...

Công tác bảo đảm quân y cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được thừa hưởng những kinh nghiệm của các chiến dịch trước. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", ta đã huy động được các tổ chức, các lực lượng ngoài quân y như vận tải, quân nhu tham gia công tác bảo đảm quân y cho chiến dịch, nên công tác quân y cũng có nhiều thuận lợi.

leftcenterrightdel
Lực lượng y tế và đội ngũ quân y luôn bám sát trận địa, cứu chữa kịp thời cho các chiến sĩ bị thương. Ảnh tư liệu: TTXVN

Tổ chức bảo vệ sức khỏe cho bộ đội chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được gọi là Ủy ban Bảo vệ sức khỏe. Tổ chức này được tổ chức ra ở các cấp, các đơn vị trên cơ sở được quần chúng bầu ra, thành phần bao gồm: Một người trong số chỉ huy thường là cấp phó chính trị, một cán bộ hậu cần và một cán bộ quân y. Ủy ban Bảo vệ sức khỏe cấp trên có nhiệm vụ hướng dẫn chỉ đạo Ủy ban Bảo vệ sức khỏe cấp dưới thuộc quyền. Phương thức hoạt động của Ủy ban Bảo vệ sức khỏe lấy tuyên truyền giáo dục, vận động để tổ chức thực hiện rộng rãi trong quần chúng, lấy hạt nhân trong quần chúng là chiến sĩ vệ tinh, người vận động, tổ chức trong mỗi tiểu đội, người gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động bảo vệ sức khỏe, từ đó lan ra tập thể.

Chỉ đạo công tác bảo vệ sức khỏe phải lấy biện pháp thuyết phục là chính, dựa vào sự tự giác và tinh thần thi đua giữ vững quân số chiến đấu của từng đơn vị. Vì vậy, Ủy ban Bảo vệ sức khỏe phải khéo kết hợp công tác chỉ huy đơn vị để động viên khen thưởng những đơn vị có thành tích giữ vững quân số khỏe (ngược lại phê bình hoặc kỷ luật những cá nhân và đơn vị để tỷ lệ quân số ốm đau tăng trong những đơn vị có điều kiện tương tự như nhau).

Cán bộ quân y ở các cấp là người trực tiếp hướng dẫn đôn đốc, làm tham mưu cho Ủy ban Bảo vệ sức khỏe, khéo lồng những biện pháp y học vào phong trào quần chúng và từ những biện pháp ấy quần chúng sẽ phát huy sáng kiến ra nhiều cách để thực hiện. Thí dụ: Biết có thể xua đuổi muỗi bằng mùi DDT và biết muỗi Anophen sợ mùi DDT, chiến sĩ đã tẩm DDT ở cửa hầm ngủ. Quân y đỡ phải phun thuốc DDT trong hầm ngủ và cũng đỡ tốn thuốc mà ta có rất ít...

Những sáng kiến như thế này được giới thiệu rộng rãi cho các đơn vị thực hiện và cứ như thế hàng trăm sáng kiến bảo vệ sức khỏe khác lại được nảy nở trong quần chúng. Người cán bộ quân y và chiến sĩ vệ sinh phải khéo khai thác sáng kiến, biết trân trọng sáng kiến. Có khi ban đầu chỉ là những biện pháp giản đơn, nếu nâng cao thành sáng kiến thì nó sẽ có hiệu lực rất to lớn, thí dụ: Bếp "Hoàng Cầm".

leftcenterrightdel

 Các đơn vị bộ đội băng rừng, lội suối tiến vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu TTXVN

Công tác bảo vệ sức khỏe phải được chú ý kết hợp chặt chẽ với công tác chỉ huy của thủ trưởng quân sự, có cách sử dụng lực lượng hợp lý, với công tác hậu cần, nuôi quân, công tác chính trị tuyên truyền động viên, các mặt công tác này không thể tách rời nhau, đều lấy mục tiêu quân sự làm mục đích phấn đấu. 

Càng trong những hoàn cảnh chiến đấu gay go quyết liệt, kéo dài thì càng phải quan tâm hơn đến công tác bảo vệ sức khỏe cũng như công tác lãnh đạo chính trị tư tưởng đối với quyết tâm chiến đấu, ra sức khắc phục khó khăn, để bình thường hóa và ổn định sinh hoạt. Sau những đợt tấn công gay go không thành công ở đồi A1, sức khỏe bộ đội bị giảm. Song song với việc tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu, ổn định tình hình tư tưởng, Bộ Chỉ huy mặt trận đã phát động phong trào bảo vệ sức khỏe, giữ vững quân số.

Công tác bảo vệ sức khỏe nhằm giữ vững quân số chiến đấu là một công tác chuyên môn nhưng có tính chất quần chúng rộng rãi do quần chúng tự giác làm, dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà chỉ có quân đội cách mạng mới thực hiện được. Muốn làm được việc này phải có sự kết hợp từ trên xuống dưới, kết hợp giữa chỉ huy, chính trị, hậu cần và quân y mà quân y là tham mưu.

Những tư tưởng chỉ đạo cho công tác quân y, những chủ trương và những hình thức tổ chức bảo đảm quân y cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là rất phù hợp với tính chất cuộc chiến tranh cách mạng phát triển cao. Những bài học kinh nghiệm rút ra được là xuất phát từ tinh thần cách mạng tự giác cao độ của một quân đội cách mạng. Từ những quan niệm của Đảng vận dụng vào ngành quân y trong thời chiến: Quan điểm quần chúng, quan điểm tự lực tự cường, quan điểm thực tiễn.

Tuy còn có những khuyết điểm do điều kiện vật chất và khoa học kỹ thuật bị hạn chế, công tác tổ chức bảo đảm quân y đã mang lại hiệu quả, đó là giữ được sức khỏe, sức chiến đấu của bộ đội.

ĐỨC AN (lược trích)

1. Mấy vấn đề về Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.