Trong quá trình chiến đấu, ở đoạn hào gần bản Pe Luông chỉ có đồng chí Nguyễn Hoàng Phương, y tá Đại đội (đồng chí Phương đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì trong trận Nghĩa Lộ, Yên Bái, tháng 10-1952) và chiến sĩ Bùi Minh Đức. Một chiếc xe tăng địch xộc tới, khi vừa vượt qua chiến hào, đồng chí Phương nhô lên, sử dụng tiểu liên tiêu diệt gần 10 tên địch đi theo xe tăng. Chúng phản kích, đồng chí Phương trúng đạn ở hai cánh tay. Lúc này, chiến sĩ Bùi Minh Đức một mình chống lại quân địch. Ba quả đạn pháo của địch lao xuống trận địa, đồng chí Đức vẫn an toàn. Đến quả thứ tư thì anh chỉ kịp nghe tiếng "xẹt" rồi hai mắt tối sầm.

leftcenterrightdel
Ngày 7-5, Chiến dịch Điện Biên Phủ dành thắng lợi. Ảnh: TL 

Thời điểm cam go ấy, y sĩ Nguyễn Hoàng Phương đôi mắt vẫn nhìn thẳng quân thù, nhưng hai tay không thể cử động; trong khi đó chiến sĩ Bùi Minh Đức còn tay nhưng hai mắt bị thương nặng. “Dù chỉ còn một người cũng đánh”, Đại đội đã quán triệt tinh thần trước mỗi trận đánh, ai cũng quyết tâm thực hiện. Trên chiến hào còn hai người thì làm sao im được tiếng súng. Nghĩ vậy, chiến sĩ Đức khẩn khoản nói với y sĩ Phương:

- Anh còn mắt, anh cố quan sát, chỉ mục tiêu cho tôi. Tay tôi còn, tôi bắn!  

Thế là trận địa lại không ngừng tiếng súng hướng vào kẻ thù. Địch bị thương vong nhiều, hoang mang, không dám tiến công về hướng chiến hào-nơi hai thương binh kiên cường chiến đấu. Trận phòng ngự ở gần bản Pe Luông là đỉnh cao về lòng dũng cảm của y sĩ Nguyễn Hoàng Phương và chiến sĩ Bùi Minh Đức-một bài học điển hình trong nhiệm vụ giáo dục và xây dựng quyết tâm chiến đấu cho bộ đội.

PHƯƠNG NINH

 (Theo hồi ký Trưởng thành trong chiến đấu của Trung tướng Vương Thừa Vũ, NXB Hà Nội, H.2006)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.