Pháp là một nước hùng mạnh, với tư cách là một cường quốc trên thế giới, có một nền đại công nghiệp hiện đại làm cơ sở vật chất cho chiến tranh, có một đội quân chính quy nhà nghề, với những sĩ quan chuyên nghiệp đầy đủ bằng cấp, tại sao lại chịu thua một nước thuộc địa nhỏ yếu?

Điều có thể khẳng định trước tiên là nước Pháp tuy hùng mạnh, nhưng không thể trút tất cả sức mạnh ấy vào cuộc chiến tranh xâm lược. Dân số Pháp đông, nhưng Chính phủ Pháp không thể huy động toàn bộ số dân nước Pháp tham gia chiến tranh. Một nhà bình luận Pháp đã nói một cách có lý: "Quân đội Pháp thua trận là vì chỉ có người Pháp tiến hành chiến tranh, chứ nước Pháp không tiến hành chiến tranh". Đó là nguồn gốc dẫn đến thất bại của thực dân Pháp. Ngược lại, Việt Nam là nước nhỏ yếu, nhưng đã huy động được toàn bộ sức mạnh và sức mạnh truyền thống được hun đúc qua hàng nghìn năm vào cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đó là nguồn gốc dẫn đến thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng ta, được đề ra từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh. Với đường lối đó, Đảng ta đã động viên được nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân và Chiến dịch Điện Biên Phủ là biểu hiện cao nhất của sức mạnh toàn dân đánh giặc trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

leftcenterrightdel

Bộ đội ta ăn mừng trên xác máy bay Pháp bị bắn rơi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN 

Tại sao Việt Nam lại có thể đưa cả nước ra mặt trận, mà Chính phủ Pháp lại không làm được việc đó? Câu hỏi đó chưa được nhà chính trị, quân sự nào của Pháp giải thích được; nhưng câu hỏi ấy đã được kinh nghiệm qua mấy cuộc kháng chiến thời kỳ hiện đại và hàng trăm cuộc kháng chiến thời cổ - trung đại của nhân dân ta làm sáng tỏ. Đó là vì ta có chế độ mới do nhân dân nắm quyền làm chủ, vì Đảng ta có đường lối đúng, phù hợp nguyện vọng toàn thể nhân dân, phù hợp quy luật lịch sử, có đội ngũ cán bộ nắm được khoa học, nghệ thuật quân sự, biết cách tổ chức và lãnh đạo nhân dân đánh giặc, có phương thức tiến hành chiến tranh thích hợp.

Cuộc kháng chiến chống Pháp do nhân dân ta tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng vì độc lập, tự do của toàn thể dân tộc. Chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, đó là điều mà Chính phủ Pháp và nước Pháp không thể có được. Vì thế, chiến tranh xâm lược của Pháp thất bại. Tập đoàn cứ điểm mà Pháp tưởng là vô địch bị tiêu diệt là kết quả không sao tránh khỏi.

Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện là quy luật cơ bản của cuộc kháng chiến chống Pháp, là cơ sở cho các chủ trương, chính sách kháng chiến. Khi toàn dân đã tham gia kháng chiến, thì cuộc kháng chiến tất sẽ diễn ra trên tất cả các mặt: Quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, binh vận.

Vì vậy, ta đã xây dựng được lực lượng vũ trang nhân dân từ những đơn vị du kích lên những binh đoàn chính quy lớn mạnh, đã xây dựng được nền kinh tế từ chỗ bị kiệt quệ sau chiến tranh thành nền kinh tế có sức kháng chiến. Nhờ toàn dân kháng chiến, mà ở trong vòng vây bốn phía của quân thù, đất nước bị chia cắt làm nhiều mảnh, chính quyền nhân dân vẫn đứng vững, vẫn ở thế làm chủ và hoạt động không ngừng. Nhờ toàn dân kháng chiến, nhân dân có thể đánh lâu dài và nhất định thắng lợi. Toàn dân kháng chiến cũng là nội dung của đường lối dựa vào sức mình là chính. Chỉ có dựa vào sức mình là chính mới có cơ sở cho việc tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, sự đồng tình của loài người tiến bộ và của nhân dân Pháp. Trong suốt 9 năm chống Pháp, không giờ phút nào Đảng ta và nhân dân ta sao nhãng việc củng cố liên minh chiến đấu của nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Đường lối kháng chiến toàn dân trở thành quy luật của toàn bộ chiến tranh giải phóng dân tộc. Quy luật kháng chiến toàn dân, toàn diện dựa trên hai điều kiện căn bản. Một là, nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ đất nước do thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đưa lại. Sau đó, thực dân Pháp đã chiếm lại một phần đất nước ta, nhưng Pháp và kể cả Mỹ sau này cũng không thể tiêu diệt được ý chí vươn lên giành lại quyền làm chủ toàn bộ đất nước của nhân dân ta. Hai là, cuộc kháng chiến có sự lãnh đạo của Đảng, có đường lối đúng, có hệ thống tổ chức vững mạnh, có đội ngũ cán bộ bám đất, bám dân, bám địch, biết cách tổ chức, động viên, biết chỉ huy chiến đấu.

Quy luật kháng chiến toàn dân, toàn diện đã được quán triệt trong các đường lối, chính sách của Đảng, được cụ thể hóa trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, ở từng địa phương. Khẩu hiệu "Mỗi làng xóm, mỗi đường phố là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ" biến thành hành động cụ thể của mỗi người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước, các tầng lớp nhân dân đủ mọi lứa tuổi, mọi xu hướng đều đứng lên chiến đấu theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

ĐỨC AN (lược trích theo cuốn sách "Mấy vấn đề về Chiến thắng Điện Biên Phủ", Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.