Ngôi nhà của cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch nằm sâu trong phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây cũng là quê hương thứ hai, là nơi ông lựa chọn để sinh sống, lập nghiệp kể từ sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc.

Cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch sinh năm 1928 tại xã Hà Thanh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. "Đó là thông tin trong hồ sơ chứ thực ra tôi sinh năm 1921, năm nay tròn 103 tuổi. Ngày đó, không chỉ tôi mà rất nhiều anh em đều khai bớt tuổi với mong muốn được chiến đấu, phục vụ lâu dài trong Quân đội", ông Tịch chia sẻ.

Tháng 2-1953, ông Đỗ Viết Tịch nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội súng máy phòng không 834, Tiểu đoàn 396, Trung đoàn pháo cao xạ 367. Tháng 1-1954, đơn vị ông nhận lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ tham gia chiến đấu. Đúng 1 tháng 10 ngày di chuyển, anh em trong đơn vị đã đến vị trí tập kết theo mệnh lệnh cấp trên. Lúc đó, chiến dịch sắp mở màn, các đơn vị tham gia quyết tâm làm tốt công tác chuẩn bị để bước vào trận quyết chiến với quân thù.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch kể về những năm tháng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước 1 ngày diễn ra đợt 1 của chiến dịch, đơn vị ông được lệnh chiếm lĩnh điểm cao để bố trí trận địa pháo. Đó là khu vực cây cối um tùm, anh em trong đơn vị vừa phát quang cỏ dại, vừa lần tìm lối lên. "Khó khăn nhất là địa hình đồi núi dốc, không có đường cơ động, quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thiếu nước uống nên mất rất nhiều ngày anh em mới chiếm lĩnh được trận địa để bước vào chiến đấu", cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch nhớ lại.

Suốt 56 ngày diễn ra chiến dịch, đơn vị của Đỗ Viết Tịch đã phối hợp tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, góp phần quan trọng tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu". Trong đó, tiêu biểu phải kể đến trận đối đầu trước bộ binh của địch với sự hỗ trợ của nhiều phương tiện hiện đại. Sau màn tập kích hỏa lực mạnh vào trận địa pháo của ta, nghĩ đối phương chịu nhiều thương vong, quân địch huy động cả tiểu đoàn bộ binh cùng nhiều xe tăng, máy bay chi viện, bao vây, quyết tràn lên chiếm trận địa pháo trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ.

Mặc dù chênh lệnh về quân số, vũ khí trang bị nhưng những chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 396 đã bình tĩnh, chiến đấu ngoan cường, anh dũng đẩy lùi các đợt tiến công của địch, tiêu diệt nhiều lính Pháp, phá hỏng nhiều xe tăng và vũ khí, phương tiện khác. Với chiến công đặc biệt xuất sắc đó, đơn vị vinh dự được cấp trên biểu dương, khen thưởng. Kết thúc chiến dịch mỗi cán bộ, chiến sĩ được Bác Hồ tặng 1 ca uống nước có in hình lá cờ 3 nước Việt Nam-Trung Quốc-Liên Xô và 1 bức thư khen ngợi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ, theo yêu cầu nhiệm vụ cấp trên giao, ông Đỗ Viết Tịch được biên chế về một đơn vị trực thuộc Sư đoàn 325, thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Quảng Bình. Năm 1960, ông chuyển công tác sang một đơn vị thuộc ngành lâm nghiệp và nghỉ hưu năm 1979.

Kể từ đó, mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những chiến sĩ Điện Biên trên đất lửa Quảng Bình lại hội ngộ, ôn lại những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi vinh quang, tự hào. "Hiện, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 8 anh em là quân nhân trực tiếp tham gia chiến đấu ở Chiến trường Điện Biên Phủ còn sống. Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng chúng tôi luôn ngời sáng "tinh thần Điện Biên", nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương Quảng Bình ngày thêm giàu đẹp, phát triển", cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch xúc động chia sẻ.

Bài, ảnh: TRẦN MINH TÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ  - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.