Cuối tháng 3-1954, vòng vây của quân ta ngày càng siết chặt, bao vây Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sân bay Mường Thanh cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Cứ điểm Huguette 1 (cứ điểm 206) nằm ở phía Bắc sân bay Mường Thanh là một trong những cứ điểm quan trọng của địch dùng để bảo vệ sân bay. Tại đây, thực dân Pháp bố trí Đại đội 4 thuộc bán Lữ đoàn Lê dương 13 cùng một trung đội ngụy dù chiếm giữ. Trung tâm Mường Thanh cố gắng bảo vệ cứ điểm này bằng mọi giá, ưu tiên những đơn vị lính tinh nhuệ chốt giữ cùng nhiều vũ khí đạn dược, có xe tăng và pháo binh ở trung tâm sẵn sàng chi viện bất cứ lúc nào.

Nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 206 do đơn vị của đồng chí Trần Đình Hùng thuộc Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đảm nhiệm. Trung đoàn 36 đã xây dựng trận địa bao vây siết chặt cứ điểm 206, phát triển hệ thống giao thông hào chiến đấu từ Tây sang Đông nối liền với giao thông hào của Trung đoàn 88, cắt đứt đường băng sân bay, chặn nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch.

leftcenterrightdel

Ngày 7-5-1956, đồng chí Trần Đình Hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh tư liệu

Từ ngày 15-4-1954, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã bao vây cứ điểm 206 bằng trận địa chiến hào. Sau khi các cứ điểm H6, H7 bị tiêu diệt, cứ điểm 206 trở thành vị trí đột xuất ở phía Bắc trung tâm Mường Thanh. Khi bị quân ta bao vây tấn công, quân địch chống trả rất quyết liệt. Bộ đội ta sử dụng chiến thuật dùng trận địa chiến hào bao vây tiến công địch từ ngoài vào, dần dần siết chặt vòng vây cô lập cứ điểm.

Sáng 19-4-1954, ba mũi hào của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 đã tiến sát vào hàng rào của địch. Trung đội ĐKZ do đồng chí Trần Đình Hùng chỉ huy đã bắn liên tiếp sập nhiều ụ súng ở tiền duyên, quân địch trong đồn phản kháng lại yếu ớt. Ban đêm, quân ta dùng súng cối nã vào trong cứ điểm 206, làm cho quân địch hoang mang lo sợ không biết khi nào thì trận đánh mới kết thúc.

Thực dân Pháp đã phải cho máy bay thả dù tiếp tế trực tiếp xuống cứ điểm 206. Nhưng binh lính Pháp không dám ló ra khỏi cứ điểm để lấy dù hàng tiếp tế vì sợ đạn bắn tỉa của quân ta. Cứ điểm 206 phải kêu cứu với trung tâm Mường Thanh và không thể để mất vị trí này, vì mất nó là mất sân bay, nên De Castries buộc phải điều hai trung đội bộ binh và xe tăng, cùng với 1 trung đội Lê dương từ trung tâm tiến ra, dưới sự yểm hộ của pháo binh ra lấp các chiến hào. Trong trận địa phòng ngự của quân ta lúc này chỉ có một khẩu ĐKZ và một tiểu đội bộ binh gồm 20 người do đồng chí Trần Đình Hùng chỉ huy. Thấy lực lượng ta ít, một số đồng chí trong đơn vị lo ngại, đồng chí Trần Đình Hùng vừa động viên anh em trong đơn vị bình tĩnh chiến đấu, một mặt củng cố lại công sự chiến đấu, mặt khác đi tìm thêm trong các hầm hào, lô cốt của địch nhặt thêm lựu đạn mang về phân phát cho anh em trong đơn vị tiếp tục chiến đấu, quyết tâm giữ vững trận địa không cho quân địch san lấp, phá giao thông hào của ta. Việc làm của đồng chí Trần Đình Hùng tuy nhỏ nhưng đã có tác dụng nâng cao tinh thần chiến đấu của đồng đội mình.

Bộ binh địch ngày càng tiến dần đến trận địa phòng ngự của ta, tiểu đội bảo vệ chiến hào buộc phải lùi ra xa, dùng súng bắn tỉa quân địch. Súng ĐKZ do đồng chí Trần Đình Hùng phụ trách bị hỏng kính ngắm vì đạn pháo địch. Không nản chí, đồng chí Trần Đình Hùng đã ngắm mục tiêu qua nòng súng, điều chỉnh hướng về quân địch và hô xạ thủ bắn. Ngay phát thứ nhất đã trúng đội hình địch khiến quân địch bị thương vong, số còn lại tiếp tục tiến lên gần sát đội hình quân ta. Trần Đình Hùng chỉ huy anh em trong đơn vị bình tĩnh chiến đấu, đợi cho quân địch đến thật gần mới bắn, vừa gây sát thương, vừa uy hiếp tinh thần địch. Quân địch nhiều lần xông lên, nhưng lần nào cũng bị đạn pháo ĐKZ của khẩu đội Trần Đình Hùng bắn trúng đội hình, buộc phải lùi ra xa. Quân địch phải gọi pháo binh chi viện, pháo địch từ trung tâm bắn ác liệt vào trận địa của ta. Anh em trong đơn vị thương vong gần hết, nhưng với tinh thần kiên trì chiến đấu, quyết tâm bảo vệ trận địa không cho quân địch san lấp, đồng chí Trần Đình Hùng đặt nòng súng ĐKZ lên thành chiến hào tiếp tục bắn, giữ vững trận địa. Khẩu đội ĐKZ do đồng chí Trần Đình Hùng chỉ huy đã diệt tại chỗ 40 tên địch, phá hủy một súng cối 81mm, bắn cháy một chiếc xe tăng, buộc quân địch phải rút lui, quân ta đã bảo vệ được trận địa chiến hào không cho địch chiếm phá.

Chiến hào của Trung đoàn 36 ngày càng tiến sát vào cứ điểm địch, càng gần địch thì những lá chắn đạn là “con cúi” làm bằng rơm dần mất tác dụng, nó không ngăn được hỏa lực lướt sườn cũng như lựu đạn từ trong đồn ném ra và nó cũng làm lộ vị trí của bộ đội ta. Tốc độ đào hào vì thế mà chậm lại, các chiến sĩ tân binh vốn là du kích vùng địch hậu đã đề nghị được đào hào theo cách đào dũi, khoét ngầm dưới mặt đất vào tới lô cốt địch. Vừa giảm thương vong, vừa giữ được bí mật.

Đêm 22-4-1954, Trung đoàn 36 dùng những phân đội nhỏ đánh vào cứ điểm 206, chiếm một số lô cốt. Pháo binh của ta bắn yểm trợ đến phát thứ 13 thì xung kích yêu cầu dừng lại, vì lúc này 3 mũi tiến công của trung đoàn cùng lúc từ những đường hào ngầm xông lên, đặt bộc phá giật đổ 3 lô cốt. Binh lính Pháp trong đồn kinh hoàng khi thấy bộ đội ta đầu đội mũ lá, cầm súng có lưỡi lê xuất hiện đột ngột giữa đồn của họ. Quân địch lần lượt giơ tay đầu hàng. Quân ta nhanh chóng tiến thẳng vào khu chỉ huy sở cứ điểm tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong cứ điểm. Trung đoàn 36 đã tiêu diệt nhanh gọn cứ điểm 206.

Sau khi tiêu diệt cứ điểm 206, Trung đoàn 36 tiếp tục nhiệm vụ bao vây chia cắt các cứ điểm Huguette 5 (cứ điểm 311B). Đêm 4-5-1954, Trung đoàn 36 tấn công dồn dập vào cứ điểm 311B, khẩu đội ĐKZ do đồng chí Trần Đình Hùng chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh địch. Khi bộ đội ta bắt đầu tấn công, chân súng ĐKZ bị hỏng, nòng súng do bắn nhiều đã nóng bỏng. Không ngần ngại, đồng chí Trần Đình Hùng lấy mảnh vải bạt dùng bọc nòng súng ĐKZ, lót nòng vác lên vai, bò lên mặt hào để đồng đội nạp đạn bắn, diệt nhiều hỏa điểm và binh lính địch, chi viện cho xung kích phát triển thuận lợi. Khi trận đánh sắp kết thúc, khẩu đội ĐKZ chuẩn bị ngắm bắn những hỏa điểm cuối cùng thì đồng chí Trần Đình Hùng bị thương vào đầu và cánh tay, nhưng đồng chí vẫn cố gắng chịu đựng, bắn diệt được hỏa điểm địch rồi mới chịu băng bó. Hành động dũng cảm của Trần Đình Hùng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của anh em, được cả đơn vị nêu gương học tập.     

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, đồng chí Trần Đình Hùng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng ba Huân chương Chiến công, trong đó có hai Huân chương hạng Nhì, một Huân chương hạng Ba. Đồng chí đã bốn lần được trung đoàn, đại đoàn khen và bầu là Chiến sĩ thi đua của đại đoàn. Ngày 7-5-1956, đồng chí được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

ĐẶNG CƯỜNG (lược trích)

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (svhttdl.dienbien.gov.vn)

2. Điện Biên Phủ Bài ca bất diệt/Huy Linh, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2016

3. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (baotanglichsu.vn)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.