Trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám (năm 1950), đơn vị Bùi Đình Cư phối hợp với đơn vị bạn đánh bốt Vên. Đồng chí Bùi Đình Cư trực tiếp bắn 4 quả pháo sát thương 1 trung đội địch, tạo điều kiện cho xung kích diệt đồn. 

Trong chiến dịch Quang Trung (năm 1951), trận đánh đồn Yên Mô Thượng (Ninh Bình) vào giữa đêm mưa, trời tối đen như mực, không nhìn rõ mục tiêu, Bùi Đình Cư xung phong bò vào vị trí địch, bấm đèn pin soi vào từng lỗ châu mai cho pháo bắn. Địch bắn ra dữ dội về phía mình nhưng Bùi Đình Cư vẫn bình tĩnh, khôn khéo làm tròn nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tiêu diệt gọn đồn.

Trong chiến dịch Hoàng Hoa Thám (năm 1952), khi đơn vị chuẩn bị tiến công Tu Vũ thì bị lộ, pháo phải di chuyển trận địa. Để bảo đảm an toàn cho pháo và kịp thời bắn chi viện cho bộ binh, đồng chí Bùi Đình Cư đã không do dự vác cả nòng súng cối nặng 101 kg chuyển tới vị trí mới cách 200m dưới hỏa lực của địch. Hành động dũng cảm của đồng chí đã cổ vũ toàn đơn vị nhanh chóng chấp hành nghiêm mệnh lệnh. 

leftcenterrightdel

Anh hùng Bùi Đình Cư. Ảnh tư liệu 

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, địch đã có hơn 100 ngày để hoàn chỉnh công việc củng cố Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sẵn sàng chờ đón một cuộc tiến công của quân ta. Lúc này, Na-va đã chuyển quân xuống thung lũng Điện Biên Phủ 12 tiểu đoàn và 7 đại đội gồm hơn 12.000 tên lê dương, lính dù thiện chiến. Chúng đóng thành 3 phân khu với 49 cứ điểm san sát trong lòng chảo Mường Thanh. 

Sân bay Mường Thanh được khôi phục nhanh chóng. Ở Hồng Cúm, chúng đang cấp tốc mở một sân bay dự bị. Ngoài một phi đội chiến đấu gồm 14 máy bay các loại, trên sân bay còn có hàng chục máy bay một thân, hai thân. Máy bay khu trục và "pháo đài bay" B.26 từ Hà Nội và Viêng Chăn có thể bay đến bất cứ lúc nào theo yêu cầu của quân địch ở đây. 

Lực lượng xe tăng của địch đến vài chục chiếc, nhưng về pháo binh chúng có tất cả 48 khẩu, gồm 2 tiểu đoàn 105mm, 1 đại đội 155mm và 22 đại đội cối 120mm.

So sánh lực lượng tại chỗ, ta có 5 đại đoàn (thiếu) với số quân xấp xỉ gấp ba lần địch. Về mặt tinh thần, ta hơn hẳn chúng, mặc dù hiện nay chúng còn đang hung hăng ôm ấp cuồng vọng sẽ đè bẹp quân ta trong một trận quyết định.

Địch chiếm ưu thế tuyệt đối về không quân và cơ giới. Pháo hạng nặng của chúng có nhiều hơn ta, bố trí tập trung, phơi cả ở cuối sân bay. Ngược lại, pháo binh ta bố trí phân tán trên các đỉnh núi cao kín đáo. Dù kho đạn pháo của ta còn mỏng, ít hơn địch nhiều lần, nhưng ta hơn địch ở chỗ biết cách sử dụng tập trung, thích hợp vào những trận then chốt, những đợt tấn công quyết định.

Từ tháng 12 năm 1953, Na-va bàn với Cô-nhi chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ cần lựa chọn một viên chỉ huy pháo binh có tài cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Vốn xuất thân từ pháo binh, Cô-nhi rất tinh tường, tiến cử ngay Sác-lơ Pi-rốt - một trung tá pháo binh. Pi-rốt nguyên là chỉ huy Trung đoàn pháo binh thuộc địa số 69 ở châu Phi. Ông ta đã từng "xông pha" trong Đại chiến thế giới lần thứ hai trên chiến trường nước Ý, bị mất một cánh tay, cụt đến tận bả vai.

leftcenterrightdel
Một trận địa pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Ngày 7-12-1953, Pi-rốt hăm hở đáp máy bay lên Điện Biên Phủ. Ngày hôm sau, đơn vị pháo đầu tiên đã theo chân hắn đổ quân xuống sân bay Mường Thanh. Đó là tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Pháo thuộc địa số 10. Vài hôm sau, 1 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Pháo thuộc địa số 4 trang bị pháo 155mm bắn xa 16km được đổ tiếp xuống Điện Biên Phủ. Đây là đơn vị pháo binh thuộc loại sừng sỏ của địch. Tiếp theo là 2 đại đội súng cối 120mm với đủ các loại đạn chuyên dùng để chiến đấu ở rừng núi, sẵn sàng bắn sập mọi chiến hào của đối phương. 

Pháo binh địch được bố trí tập trung ở Mường Thanh và Hồng Cúm có thể yểm trợ lẫn nhau và yểm trợ theo các cứ điểm xung quanh. Đầu tháng 2-1954, Pi-rốt có trong tay một kế hoạch hỏa lực mạnh mẽ với số đạn không hạn chế.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định lần lượt nhổ 3 trung tâm đề kháng của địch ở phía Bắc và Đông Bắc tập đoàn cứ điểm, án ngữ hai con đường từ Sơn La và từ Lai Châu tiến vào Điện Biên Phủ là: Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo.

Đại đoàn 351 pháo binh được giao nhiệm vụ tập trung toàn bộ hỏa lực pháo binh mặt đất trực tiếp yểm hộ cho bộ binh diệt các cứ điểm, kiềm chế pháo binh địch, tập kích vào cơ quan chỉ huy, kho tàng và sân bay địch. 

Him Lam là một trung tâm đề kháng đột xuất ở phía Đông Bắc tập đoàn cứ điểm nằm trên đường 41 gồm 3 quả đồi cách nhau từ 200 đến 300 mét rất kiên cố. Hỏa lực của địch rất mạnh và dày đặc gồm các loại súng máy, ba-đô-ca, phóng lựu, súng cối, súng cối lửa... Hệ thống chiến hào chi chít gồm nhiều tầng nối liền với các lô cốt ụ súng hình thành những điểm tựa vòng tròn. 

Ngày 13-3-1954, không hiểu sao quân địch tỏ ra hốt hoảng hơn mọi ngày. Bầu trời Điện Biên Phủ ầm ầm tiếng máy bay địch bắn phá, trút bom xuống các cửa rừng, các nơi nghi có quân ta. 

8 giờ, hai máy bay Đa-cô-ta vừa hạ cánh liền bị trúng đạn sơn pháo của 2 Đại đội 756 và 757 bốc cháy.

Đến 11 giờ, Đại đội cối 120mm của Bùi Đình Cư tiến hành bắn thử. Đạn pháo rơi trúng sân bay, thêm một máy bay nữa nát vụn. 

leftcenterrightdel
Quân ta kéo pháo vào trận địa tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. 

Ngay sau đó, các đài quan sát pháo binh của Đại đoàn 351 báo cáo gấp có 2 xe tăng và 1 đại đội bộ binh địch vừa từ Mường Thanh tiến ra, đang đánh vào vị trí xuất phát xung phong của bộ binh tại Him Lam. Gần như cùng một lúc, Đại đoàn 312 và Đại đoàn 351 đề nghị Bộ chỉ huy chiến dịch cho dùng một bộ phận hỏa lực pháo binh để chặn quân địch, bảo vệ đường hào xuất phát xung phong. Các lực lượng xung kích của ta vẫn còn ở cả phía sau. Nếu để địch đánh chiếm được rồi dùng xe ủi đất lấp hết các chiến hào, chiều nay quân ta đánh vào Him Lam sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, mặc dù chủ trương giữ bí mật hỏa lực pháo binh đến phút cuối cùng nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch đã chấp thuận đề nghị trên. Đại đội Bùi Đình Cư được lệnh bắn 20 phát vào Him Lam. 

Đạn pháo của ta rót xuống cứ điểm Him Lam và toàn bộ khu trung tâm sân bay Mường Thanh, sân bay Hồng Cúm. Lực lượng tham gia trận hỏa lực tập kích mở màn chiến dịch gồm cả 6 đại đội lựu đạn, 2 đại đội sơn pháo và 3 đại đội súng cối, cộng lại có hơn 40 khẩu cỡ pháo từ 75 đến 120mm. 

Đòn phủ đầu của pháo binh ta khá mạnh và rất bất ngờ, gây cho địch thiệt hại đáng kể. Cụm cứ điểm Him Lam rung lên. Lá cờ ba sắc trên đỉnh cột cờ trúng đạn rơi xuống đất tơi tả. 

Trong lúc lựu pháo ta dồn dập bắn vào Him Lam thì các đơn vị sơn pháo và cối trực tiếp chi viện cho xung kích đã chiếm lĩnh xong trận địa. Trước đó, khi thấy 4 chiến sĩ trong tổ khiêng cái nòng cối lỉnh kỉnh đi trong chiến hào, trung đội phó Bùi Đình Cư của Đại đội 114 đã một mình vác nòng súng cối nặng hơn 100kg chạy trên 3km và động viên anh em chạy theo. Đến trận địa, anh em lắp pháo ngay sát cứ điểm Him Lam. Trước mắt là những lô cốt, những ụ súng đã được anh em đánh số đang hiện lên lúc mờ, lúc tỏ. 

5 khẩu cối 120mm của Đại đội 114 Bùi Đình Cư vừa giội xong 20 loạt đạn vào giữa cứ điểm 1 và 2. Bùi Đình Cư lệnh cho anh em bắn một cách chậm rãi những trái đạn từ sát hàng rào cứ điểm địch đến bờ sông Nậm Rốm. Bộ binh ta lợi dụng ngay những hố đạn sâu này để vượt lên mở cửa.

18 giờ 30 phút, các mũi xung kích nhất tề xông lên. Kể từ lúc này, pháo chi viện chuyển sang nhiệm vụ bắn kiềm chế pháo địch. Tuy nhiên có trận địa pháo địch đã ngóc dậy, bắt đầu chặn đứng mũi bộ binh đột kích trên hướng chủ yếu của ta tận dưới bờ suối, chưa thể vượt lên đánh cứ điểm 1. Đại đội 806 được lệnh dùng 40 viên đạn bắn chế áp trong 3 phút. 

22 giờ, Tiểu đoàn bộ binh phát hiện ra khẩu trọng liên bí mật cơ động của địch tại cứ điểm 1 và 2, hỏa điểm khác tại cứ điểm 2 bắn lướt sườn, chặn quân ta trước cửa mở.

Súng cối của Trung đội Bùi Đình Cư, súng ĐKZ và Đại đội sơn pháo 75 lập tức ngắm bắn tập trung vào các hỏa điểm lợi hại trên cứ điểm 2. Tất cả các hỏa điểm của địch lần lượt tắt ngấm. Bộ binh ta tràn vào cứ điểm. Cuộc chiến đấu trong tung thâm cứ điểm Him Lam diễn ra trong 1 giờ đồng hồ.

23 giờ 30 phút, tin vui truyền đến mọi hầm pháo: Cứ điểm Him Lam đã bị tiêu diệt.

Các pháo thủ rộn ràng trong giây lát rồi trở lại vị trí chiến đấu của mình, vì nhiệm vụ kiềm chế pháo địch từ các nơi khác bắn về vẫn còn phải tiếp tục.

Theo kế hoạch, đêm tiếp theo, ngày 14-3 lực lượng pháo binh chi viện trực tiếp cho hai Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312 tiến công cứ điểm Độc Lập. Đại đội Cối 114 của Bùi Đình Cư phải di chuyển gấp về phía Tây Bắc. Nhưng lệnh chuyển đến hơi chậm. Trời đã sáng hẳn, anh em hối hả lên đường, không kịp ăn cơm sáng.

Tại cứ điểm Độc Lập, gần đến giờ G theo kế hoạch, đơn vị ở hướng chủ yếu xin nổ súng. Chỉ huy trưởng trận đánh quyết định phải chờ pháo và súng cối đến đủ mới đánh bảo đảm phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Nhưng Bùi Đình Cư vẫn cho lựu pháo tranh thủ bắn vào cứ điểm Độc Lập để phá hoại trước một phần công sự và uy hiếp tinh thần địch. Đó cũng là một sự thay đổi quy luật so với cách đánh Him Lam đêm trước dẫn địch đến chỗ bị động, lúng túng. 

Trong thời gian kiên trì chờ đợi pháo, cối, anh em xung kích đã chủ động làm giúp trước nhiều công sự cho pháo. Vì vậy, khi đến trận địa, pháo binh chỉ cần đặt pháo là có thể nổ súng ngay. 

Sang ngày 15-3, lúc 3 giờ 30 phút, lệnh tiến công cứ điểm Độc Lập được phát ra. Những khẩu lựu pháo, súng cối 120mm sau vài giờ im lặng, bất chợt lại lên tiếng.

Đại đội cối 120mm của Bùi Đình Cư quên hết mệt mỏi, đói rét, bắn rất trúng các mục tiêu đảm nhiệm. Bộc phá nổ tới đâu, đạn pháo lại nhịp nhàng nâng cao tầm bắn của mình lên tới đó. 

3 giờ 55 phút, pháo ta được lệnh tạm ngừng vì cuộc chiến đấu bên trong cứ điểm Độc Lập bắt đầu. Đến 6 giờ 30 phút, sau khi chống cự một cách tuyệt vọng, gần 500 tên bỏ mạng, quân địch ở đây hạ vũ khí đầu hàng. 

Trung đội trưởng Bùi Đình Cư được lệnh dẫn đầu trung đội vào căn cứ Độc Lập tháo 3 khẩu cối 120mm còn nguyên vẹn của địch vác ra ngoài. Mặc dù pháo địch bắn cản đường dữ dội nhưng Bùi Đình Cư cùng anh em đã mang pháo về đầy đủ, nguyên vẹn. 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng chí Bùi Đình Cư đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 42 lần được trung đoàn, đại đoàn khen và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một áo lụa. Ngày 31-8-1955, đồng chí Bùi Đình Cư được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân.

TRƯỜNG AN

(Trích: Anh hùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ/Lê Hải Triều, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr.63-74; btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.