Từ tháng 8-1945 đến 1947, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung trải qua nhiều cương vị công tác, đến tháng 10-1949, đồng chí là Trung đội trưởng thuộc Đại đoàn 308. Tháng 11-1950, là Đại đội phó Công binh thuộc Đại đoàn 308. Tháng 1-1953, là Đại đội trưởng Huấn luyện rà phá bom mìn thuộc Trung đoàn Công binh 151, Đại đoàn 351. Tháng 3-1954, là Trưởng ban Tác huấn Trung đoàn Công binh 151. Năm 1964, đồng chí giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 229, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phú Xuyên Khung. Ảnh: baosonla.org.vn 

Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đợt tấn công thứ 2 của bộ đội ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Tại cứ điểm A1, cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt, hai bên giành giật nhau từng tấc đất, từng mét chiến hào. Sau đợt tấn công thứ 2, một quyết định được đặt ra bằng mọi giá phải tiêu diệt được hầm cố thủ của địch trên đỉnh đồi A1. Đơn vị được giao nhiệm vụ đào đường hầm là những chiến sĩ khỏe mạnh, gan dạ, biên chế vào Đại đội Công binh M83 (thuộc Trung đoàn 151 và là Trung đoàn Công binh duy nhất của Quân đội ta lúc đó).

Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung, Đại đội Công binh M83 đã đào một đường hầm để đặt khối thuốc nổ phá hầm ngầm cố thủ của địch trên đỉnh đồi A1. Nhiệm vụ quan trọng này được thực hiện ngay trước mũi súng của quân thù, một đường hầm ngầm hình thành với tổng chiều dài 47m (trong đó có 33m là hầm ngầm, 17m là hào có nắp khá kiên cố).

Chất đất ở đồi A1 vô cùng rắn, các chiến sĩ công binh Đội M83 đã mài sắc xẻng đào hầm, công việc khó khăn nhất là mở cửa hầm, phải mất 3 đêm mới mở được một khu vực vừa với người để vừa tạm an toàn, nằm đào để tiếp tục khoét vào lòng đồi. Quân Pháp không ngừng bắn súng và ném lựu đạn. Đội Công binh do Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy đã di chuyển bằng nhiều tư thế khi đào hầm với trách nhiệm phải đảm bảo tuyệt đối bí mật. Những ngày sau năng suất có khá hơn nhưng càng vào sâu càng thiếu dưỡng khí nên chỉ bố trí một người đào, còn một người bên cạnh ra sức quạt, ở phía ngoài 2-3 người nối theo nhau dùng quạt nan quạt không khí vào.

Mỗi tổ chỉ đào được nửa tiếng đã phải thay ca. Càng vào sâu đất moi ra càng nhiều, đổ ra ngoài sợ bị lộ nên đã phải dùng túi dù đựng đất để chuyển sang bên đồi Cháy hoặc đắp thêm vào các bờ công sự để tránh bị lộ; càng vào sâu tim hầm càng không thẳng, bộ đội ta đã có sáng kiến dùng chiếc đèn xách tay đặt chuẩn ở cửa hầm để chiếu sáng và chỉnh hướng. Trong khi đào hầm các chiến sĩ đã phát hiện có tiếng động như tiếng giày của địch đi phía trên hầm. Để đề phòng địch phát hiện phá đường hầm, ta lại có sáng kiến đào thêm một ngách râu tôm sang hướng khác và cử một đồng chí chuyên ngồi gõ xẻng tạo tiếng động, đánh lạc hướng địch.

Đêm 4-5-1954, sau 15 ngày đêm gian khổ các chiến sĩ đã đào được 47m đường hầm, cuối đường hầm ta đã đào thêm một đường ngách hình chuôi vồ để đặt 1 khối thuốc nổ trọng lượng 960kg. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954, Đại đội Công binh M83 nhận được lệnh điểm hỏa. Trong lúc tập trung cho nhiệm vụ lớn, Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung nhận được điện: “Gửi các đồng chí công binh trên đồi A1. Chúc các đồng chí thành công!” từ đồng chí Ngọc (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung cùng 2 đồng chí Nguyễn Bạch và Nguyễn Điệt điểm hỏa khối bộc phá. Một ánh chớp lóe sáng, kèm theo tiếng nổ trầm, đục rung chuyển ngọn đồi, một cột khói bốc cao, sức nổ đã phá hủy một số lô cốt, chiến hào, diệt một phần Đại đội dù số 2 của địch, làm địch choáng váng, kinh hoàng. Chớp thời cơ đó, bộ đội ta xông lên chiếm được hầm ngầm cố thủ của địch trên đỉnh đồi. Đến 4 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, quân ta đã làm chủ được cứ điểm A1. Chiếm được cứ điểm A1, mở thông cánh cửa vào khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bộ đội ta đã vượt cầu Mường Thanh tiến thẳng vào Sở chỉ huy của địch bắt sống tướng De Castries.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung luôn gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí cũng trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch quan trọng trên chiến trường miền Nam. Ghi nhận công lao, thành tích to lớn của đồng chí, ngày 21-10-2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với Nguyễn Phú Xuyên Khung.

ĐỨC THẮNG (lược trích)

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

2. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (baotanglichsu.vn)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son lịch sử xem các tin, bài liên quan.