Tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi cuối tháng 6, các nước thành viên liên minh đã nhất trí tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP vào năm 2035. Tuy nhiên, mục tiêu này được cho là khó thực hiện đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước có gánh nặng nợ công lớn và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm.

Các nhà lãnh đạo NATO chụp ảnh chung nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Hà Lan, tháng 6-2025. Ảnh: nato.int 

Theo Tổng thư ký NATO Mark Rutte, với việc tăng chi tiêu quốc phòng, các nước thành viên NATO sẽ đầu tư vào hàng nghìn xe tăng và xe bọc thép mới, đồng thời tăng gấp 5 lần năng lực phòng không. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng trong mục tiêu nâng cao khả năng răn đe của NATO, đồng thời khẳng định đây là bước nhảy vọt đầy tham vọng, mang tính lịch sử và có ý nghĩa then chốt đối với an ninh tập thể.

Dù mục tiêu là vậy, nhưng để hiện thực hóa tham vọng này không phải điều đơn giản, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và khu vực châu Âu nói riêng đang đối mặt nhiều khó khăn. Trao đổi với DW, bà Fenella McGerty, chuyên gia nghiên cứu về kinh tế quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cho biết: "Việc phân bổ ngân sách và ưu tiên đầu tư cho quốc phòng trong bối cảnh cắt giảm chi tiêu công là một thách thức chính trị". Bà McGerty nhận định cam kết tăng chi tiêu quốc phòng được đưa ra vào thời điểm các quốc gia thành viên đang chịu áp lực tài chính đáng kể.

Theo số liệu gần đây nhất của NATO, trong tổng số 32 quốc gia thành viên liên minh, chỉ còn 8 quốc gia vẫn chưa đạt mục tiêu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng-mức tối thiểu mà NATO đặt ra sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát năm 2022. Những quốc gia xếp cuối bảng về chi tiêu quân sự như Tây Ban Nha, Bỉ, Canada, Italy và Bồ Đào Nha cũng là những nước gánh trên lưng khoản nợ công khổng lồ, với tỷ lệ nợ công/GDP xấp xỉ 100%. Chỉ có duy nhất Hy Lạp, dù có nợ công cao nhất trong 32 quốc gia thành viên NATO, nhưng đã chi hơn 3% GDP cho quốc phòng.  

Với tỷ lệ nợ công cao như vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu các quốc gia này sử dụng ngân sách 5-10 năm tới để tăng mạnh chi tiêu quốc phòng? Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, việc các nước lao theo mục tiêu chi 5% GDP cho quốc phòng sẽ gây áp lực lớn lên ngân sách quốc gia, đẩy chi tiêu công tăng cao và ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới-những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn và cạnh tranh toàn cầu.

Đây cũng điều bà Ilke Toygür, Giám đốc Trung tâm chính sách toàn cầu tại Đại học IE ở Madrid (Tây Ban Nha), lo ngại. Theo bà, trước áp lực tăng chi tiêu quốc phòng, một số quốc gia đang có tỷ lệ nợ công cao có thể sẽ buộc phải vay thêm để đáp ứng mục tiêu hoặc cắt giảm chi tiêu cho các lĩnh vực quan trọng khác để bù lấp vào khoản thiếu hụt ngân sách. Điều này không chỉ khiến gánh nặng kinh tế gia tăng mà còn tiềm ẩn rủi ro chính trị, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt leo thang như hiện nay. Dù các quốc gia có thể sử dụng biện pháp tăng thuế, huy động khoản vay từ các thể chế tài chính đa phương hoặc các nguồn lực tư nhân để tháo gỡ khó khăn về tài chính trước mắt, nhưng về lâu dài, đây không phải là những phương án tối ưu.

Đáng lo ngại hơn là sự gia tăng ngân sách quốc phòng ở quy mô lớn cũng sẽ tác động tới tình hình thế giới và cục diện an ninh toàn cầu. Liệu thế giới sẽ trở nên an toàn hơn hay bất ổn hơn khi các quốc gia, đặc biệt là các cường quốc, tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu quân sự? Điều gì sẽ xảy ra khi hàng nghìn tỷ USD đáng lẽ được đầu tư vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển các dự án khoa học, xóa đói, giảm nghèo... lại được đổ vào các dự án phát triển vũ khí. Trong môi trường địa chính trị ngày càng bất ổn, cũng không loại trừ khả năng động thái của NATO sẽ kéo theo những phản ứng tương tự từ Nga, Trung Quốc hay các cường quốc quân sự khác, theo đó châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới hình thành trên phạm vi toàn cầu.

HÙNG HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.