10 năm là xương sống của hệ thống phòng không-vũ trụ Nga

Được phát triển trên nền tảng tổ hợp tên lửa phòng không S-300, S-400 được Quân đội Nga mua sắm và trang bị trong suốt một thập kỷ từ 2011-2020. Trong số 56 tổ hợp S-400 được Quân đội Nga đặt mua, đã có 54 tổ hợp được bàn giao và đưa vào trực chiến tính tới thời điểm cuối năm 2018.

Số lượng S-400 nêu trên đủ để tái trang bị cho phân nửa các đơn vị phòng không trên toàn lãnh thổ Nga. Trong thực tế, S-400 cho thấy đã tích hợp tốt với các dòng S-300 hiện có của Quân đội Nga như S-300PS, S-300PM để nâng sức mạnh tổng thể của hệ thống.

Sau hơn 1 thập kỷ phục vụ, S-400 Triumph đã có thể nhường chỗ cho các tổ hợp vũ khí phòng không mới, hiện đại hơn.

Một điểm đáng chú ý khác là việc S-400 được trang bị đại trà cho Quân đội Nga cũng mở đường cho khả năng xuất khẩu của dòng vũ khí phòng không hiện đại này. Tính năng của S-400 cơ bản vượt trội so với các dòng sản phẩm của Mỹ và phương Tây như Patriot, NASAM hay T-SAM, trong khi đó lại có giá thành cạnh tranh hơn và không bị ràng buộc về các điều khoản chính trị đã giúp dòng vũ khí phòng không Nga rất có sức hút trên thị trường quốc tế.  Tổ hợp chế tạo Almaz-Altey tính toán, việc Quân đội Nga giảm số lượng đặt mua S-400 kể từ sau năm 2020 không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch sản xuất dòng tên lửa phòng không này vì còn rất nhiều đơn hàng xuất khẩu đang chờ đợi.

Trong 10 năm tới, Quân đội Nga có thể mua thêm 20 tổ hợp S-400 và chờ đợi biến thể nâng cấp của dòng tên lửa phòng không này. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của S-350 và S-500, S-400 Triumph cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là vũ khí phòng không cấp chiến lược hay “con bài tẩy” của Quân đội Nga.

“Người khổng lồ” Prometheus S-500

Với sự tiến bộ của công nghệ, định hướng phát triển của tổ hợp S-500 Prometheus khác hoàn toàn so với dòng tên lửa S-300 trước đó với 2 phân nhánh S-300P (Phòng không-không quân) và S-300V (Lục quân). Về cơ bản, S-500 có thể đảm nhiệm mọi nhiệm vụ và việc phân biệt được căn cứ theo loại đạn tên lửa phòng không được sử dụng.

Vũ khí chính của S-500 chính là đạn tên lửa đánh chặn tầm xa 40N6 với tầm bắn 400km. Đây cũng là dòng tên lửa tiêu chuẩn của S-400 để ngăn chặn các mục tiêu bay thông thường. Trong khi đó, để đối phó với các phương tiện bay siêu âm thế hệ mới, S-500 sử dụng đạn tên lửa đánh chặn hạng nặng 77N6 được phát triển trên nền công nghệ của tên lửa 9M82 vốn thuộc tổ hợp S-300V.

Vai trò của S-500 sẽ giống như lá chắn tên lửa tầm cao của Nga.

Với tốc độ phát triển hiện tại, S-500 có thể sẵn sàng trang bị từ năm 2021 và Quân đội Nga đang có kế hoạch mua khoảng 10 tổ hợp đầu tiên. Khi được trang bị, S-500 sẽ đóng vai trò như vũ khí phòng không-phòng thủ tên lửa tầm cao để tăng cường khả năng bảo vệ các trung tâm kinh tế, chính trị và quân sự trọng yếu của nước Nga. Tổng cộng sẽ có khoảng 20-30 tổ hợp S-500 sẽ được trang bị cho Quân đội Nga trong tương lai.

“Kỵ sĩ Nga” S-350

Quá trình phát triển S-350 được kéo dài từ đầu những năm 2000 tới nay. Căn cứ vào hình dạng bên ngoài có thể dễ dàng nhận ra S-350 được thừa hưởng nhiều công nghệ trong chương trình hợp tác giữa Nga và Hàn Quốc phát triển tổ hợp KM-SAM.

Về cơ bản, S-350 nằm trong thành phần hệ thống phòng không tích hợp của Quân đội Nga, khi S-350 có thể tương thích gần như hoàn toàn với tổ hợp phòng không Redut trang bị trên hạm của hải quân. Hai tổ hợp vũ khí phòng không này cũng sử dụng chung đạn tên lửa 9M96 tầm bắn 120km và 9M100 tầm bắn 15km. Như vậy, vai trò của S-350 trong biên chế quân đội Nga sẽ là vũ khí phòng không phổ quát thay thế các tổ hợp S-300PM và PM.

S-350 sẽ giống như vũ khí phòng không phổ dụng cho các quân, binh chủng thuộc Quân đội Nga trong tương lai.

Với sự tiến bộ của công nghệ hiện đại, kết cấu đạn tên lửa và các thành phần chiến đấu của tổ hợp S-350 được thu gọn lại đáng kể. Điều này giúp tăng số lượng đạn tên lửa mang trên mỗi bệ từ 4 lên 12. Ngoài ra, khả năng tích hợp vào hệ thống chỉ huy hợp nhất giúp S-350 chính là mảnh ghép giúp hệ thống phòng không Nga bao phủ ở mọi độ cao, mọi khoảng cách.

Ngoài ra, việc tăng số lượng đạn tên lửa sẵn sàng chiến đấu trên mỗi bệ (96 đạn cho mỗi tiểu đoàn, thay vì 32 đạn như trên S-300PS) giúp S-350 tạo ra mật độ hỏa lực dày đặc và hiệu quả hơn so với các dòng tên lửa phòng không trước đó của Nga, đặc biệt là khi đối phó với chiến tranh bất đối xứng trong tương lai với việc sử dụng rộng rãi thiết bị bay không người lái và vũ khí thông minh.

Đơn giản hơn, đồng nghĩa với giá thành rẻ hơn cũng tạo ra lợi thế cho S-350. Nga hoàn toàn có khả năng sản xuất S-350 ở quy mô lớn để nhanh chóng thay thế cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 cũ. Ngoài ra, giá thành rẻ cũng giúp S-350 có sức cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế, như tổ hợp S-400 đã tạo ra hiện nay.

TUẤN SƠN (tổng hợp)