Liên quan tới “cuộc đối đầu" giữa Su-35 và F-35, trang mạng Scout.com đã đưa ra kịch bản chiến đấu khi 4 máy bay F-35 đụng độ với số lượng tương tự máy bay Su-35 trong không chiến. Với tiêu đề: Su-35 của Nga đối đầu với máy bay tàng hình F-35 của Mỹ - Ai sẽ thắng?, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ bạn đọc và phần lớn đều ủng hộ quan điểm Su-35 có nhiều cơ hội chiến thắng hơn so với F-35.

leftcenterrightdel
Máy bay chiến đấu Su-35 

leftcenterrightdel
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II. 
Xét về mặt kỹ thuật, dù chỉ xếp vào máy bay thế hệ 4++, Su-35, một biến thể nâng cấp của máy bay Su-27 Flanker, được trang bị nhiều công nghệ của máy bay thế hệ thứ 5. Hệ thống điện tử, động cơ mới, những thay đổi trong thiết kế khung thân máy bay đã biến Su-35 thành dòng máy bay chiến đấu gần như mới hoàn toàn.

Su-35 sở hữu khả năng bay hành trình siêu thanh tương tự như máy bay F-22 Raptor với khả năng đạt tốc độ tối đa tới Mach 2.25 ở độ cao lớn và Mach 1.13 ở độ cao thấp. Trong khi đó, F-35 chỉ có thể đạt tốc độ bay tối đa Mach 1.6 khi sử dụng chế độ đốt tăng lực toàn phần. Ở chế độ bay này, tín hiệu nhiệt do F-35 tạo ra giống như “ngọn đuốc” trong đêm và khả năng tàng hình của máy bay bị giảm đáng kể.

“Các bạn có thể hình dung, 4 máy bay tiêm kích Su-35 bay hành trình siêu thanh ở độ cao lớn có lợi thế rõ ràng ở việc chủ động chọn độ cao, thời điểm và cách thức giao chiến. F-35 với tốc độ bay chậm hơn sẽ buộc phải thụ động né tránh để không bị đưa vào tầm ngắm”, Scout.com đăng tải.

Tốc độ bay chậm hơn đồng nghĩa việc F-35 có ít cơ hội phóng tên lửa và phạm vi tác chiến chống lại Su-35 cũng bị rút ngắn. Trong khi đó, với vai trò máy bay đa nhiệm, F-35 không mang nhiều tên lửa như máy bay tiêm kích F-22 Raptor.

F-35 được trang bị các dòng tên lửa không đối không AIM-9X Siderwinder và AIM-120 AMRAAM. Đó là các dòng tên lửa hiện đại, nhưng để đối phó với Su-35 lại là vấn đề hoàn toàn khác. Khi không chiến ngoài tầm nhìn, F-35 có thể phát hiện Su-35 trước, bắn tên lửa trước, nhưng để trúng mục tiêu là vấn đề khó khăn. Việc phát ra-đa chủ động dẫn đường cho tên lửa sẽ làm F-35 tự bộc lộ bản thân trước máy bay Su-35. Mặt khác, khả năng đánh trúng mục tiêu của các dòng tên lửa dẫn đường bằng ra-đa trước các máy bay có khả năng cơ động cao và hệ thống đối kháng điện tử hiện đại như Su-35 là rất thấp.

Còn nếu tiến vào không chiến quần vòng với tên lửa AIM-9X thì F-35 sẽ không có cơ hội nào sống sót trước máy bay Su-35.

“Nếu F-35 rơi vào tình huống buộc phải không chiến quần vòng, phi công lái chiếc máy bay thế hệ thứ 5 này cần có kỹ năng siêu việt và dày dạn kinh nghiệm mới có thể sống sót. Về cơ bản, F-35 sẽ không có cơ hội khi đối đầu với Su-35 trong không chiến quần vòng”, Scout.com đánh giá.

Nhận định này được đưa ra khi máy bay F-35 được giới chuyên gia quân sự đánh giá có khả năng thao diễn trên không thua xa các dòng máy bay chiến đấu hiện có của Không quân Mỹ, trong đó có cả máy bay F-16 và F/A-18 Super Hornet. Trong khi đó, Su-35 là dòng máy bay chiến đấu có khả năng thao diễn và không chiến quần vòng tốt nhất thế giới hiện nay.

Điểm mạnh chính của F-35 chính là khả năng tàng hình và hệ thống cảm biến công nghệ cao. Lợi thế của F-35 nằm ở việc có thể thực hiện các cú tấn công bất ngờ bằng tên lửa AMRAAM ở ngoài tầm nhìn của đối phương.

Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả của vũ khí điều quan trọng là dựa vào hiệu quả thực tế hơn là mặt tiêu chí kỹ thuật. Yếu tố này còn liên quan tới chiến thuật sử dụng, trình độ phi công và khả năng phối hợp giữa các đơn vị tác chiến. Xét về mặt kỹ thuật và tình huống không chiến giả định, máy bay Su-35 có ưu thế hơn F-35, nhưng kết quả của cuộc đối đầu này sẽ rất khác khi F-35 phối hợp cùng nhiều đơn vị không quân đồng minh khác trên bầu trời…

TUẤN SƠN (tổng hợp)