Bước đi mang tính chiến lược của cả Moscow và Riyadh
Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa Nga và Saudi Arabia trong lĩnh vực quốc phòng, lãnh đạo Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga, Dmitri Shugaev khẳng định, các hợp đồng vũ khí tỷ đô với Mỹ không hề ảnh hưởng tới triển vọng hợp tác Moscow và Riyadh.
“Saudi Arabia thực sự quan tâm tới việc mở rộng hợp tác quốc phòng với Nga. Việc này được hiện thực hóa bằng một số thỏa thuận hai bên đang đàm phán”, ông D. Shugaev nói. Theo quan điểm của ông D. Shugaev, cả Nga và Saudi Arabia đều cần nhau và việc hợp tác dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Trung Đông luôn là thị trường vũ khí "béo bở" với truyền thống chi nhiều tỷ USD cho mua sắm vũ khí. Ảnh: Xe tăng T-90MS được giới thiệu tại triển lãm quân sự ở Trung Đông.
Giới phân tích quân sự quốc tế nhận định, việc Nga thâm nhập được vào thị phần cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh sẽ là bước đột phá lớn về ngoại giao đối với Moscow. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Riyadh chủ yếu mua vũ khí, trang bị quân sự từ Mỹ và phương Tây. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Liên Xô thậm chí còn không thiết lập ngoại giao với Saudi Arabia và tới tận thời gian gần đây, Riyadh vẫn là đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông. Nếu thâm nhập được thị trường Saudi Arabia, Nga sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu vũ khí mới với nhiều quốc khác khác tại Cận Đông. Với truyền thống “chi bộn” cho quốc phòng, đó sẽ là các hợp đồng tỷ đô cho Moscow.
Đánh giá về lợi ích Riyadh có được khi mở rộng hợp tác quốc phòng với Nga, chuyên gia Andrey Kotz cho biết, mặc dù quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ đang được củng cố dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhưng điều này không ảnh hưởng với việc muốn đa dạng hóa nguồn cung quốc phòng của Riyadh. Việc có nhiều nguồn cung cũng giúp Riyadh có thêm sự lựa chọn và mức giá cung cấp hợp lý hơn.
“Việc Riyadh quan tâm tới vũ khí Nga là hoàn toàn dễ hiểu. Nhiều dòng vũ khí, trang bị của Nga phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình của Saudi Arabia hơn sản phẩm của Mỹ. Hơn nữa, chúng lại rẻ hơn”, chuyên gia A. Kotz đánh giá.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, vũ khí là một loại hàng hóa đặc biệt. Việc lệ thuộc vào nguồn cung nhất định sẽ ảnh hưởng tới những quyết định chính trị của quốc gia sở tại. Điều này thấy rõ ràng nhất khi Mỹ, Canada và phương Tây đang lên tiếng phản đối việc cung cấp vũ khí cho Saudi Arabia liên quan tới cuộc xung đột tại Yemen. Việc tăng cường hợp tác quân sự với Nga sẽ giúp “xoa dịu” những lời phản đối trên.
“Saudi Arabia là một quốc gia có chủ quyền và có quyền quyết định mua vũ khí từ ai. Phía Mỹ chắc chắn sẽ không thích viễn cảnh Nga tiến vào “sân cỏ” của họ, nhưng Washington không có quyền quyết định việc đó”, chuyên gia Igor Korotchenko, Tổng biên tập Tạp chí National Defense của Nga nhận định.
Tuy nhiên, viễn cảnh tăng cường hợp tác quân sự giữa Nga và Saudi Arabia cũng vẫn còn một số trở ngại khi hai bên có quan điểm khác biệt về cuộc xung đột tại Syria và mối quan ngại những trang bị vũ khí hiện đại của Nga, dù là phiên bản xuất khẩu, có thể rơi vào tay Mỹ và phương Tây, qua quốc gia Cận Đông này.
Saudi Arabia cần những loại vũ khí đã được “thử lửa”
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nga, Denis Manturov mới đây cho biết, Saudi Arabia hiện rất quan tâm tới nhiều dòng vũ khí của Nga, đặc biệt là các dòng máy bay chiến đấu và xe tăng.
Điều này thật dễ hiểu khi nhiều loại vũ khí Nga đã thể hiện hiệu quả rõ ràng tại cuộc chiến tại Syria. “Đó là “lời quảng cáo” không thể tốt hơn, đặc biệt với thị trường vũ khí quốc tế”, chuyên gia A. Kotz nói.
Việc Saudi Arabia quan tâm tới các dòng vũ khí Nga đã qua “thử lửa” tại Syria còn được khẳng định qua nhận định của chuyên gia I. Korotchenko: “Hơn tất cả, Saudi Arabia quan tâm tới các dòng máy bay chiến đấu của Nga như Su-30SM, Su-35S, máy bay tiêm kích-bom Su-34. Các dòng máy bay này đều tham gia cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria”.
Máy bay chiến đấu Su-35S...
... tiêm kích-bom Su-34...
và Su-30SM đều có những màn thể hiện ấn tượng ở chiến trường Syria.
Ông I. Korotchenko cho biết thêm: “Tương tự như máy bay chiến đấu, nhiều phương tiện thiết giáp của Nga tham chiến tại Syria cũng tỏ ra phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Trung Đông”. Theo lời chuyên gia Nga, xe tăng T-90S và các biến thể của nó sẽ sớm “đắt hàng” tại Trung Đông với các màn thể hiện tuyệt vời về khả năng sống sót với sản phẩm xe tăng Leopard-2 và Abrams.
Hiện tại, Saudi Arabia đang trang bị dòng xe tăng M1A2S Abrams với khoảng 450 xe. Ngoài ra, quân đội quốc gia Cận Đông này còn sở hữu khoảng 500 xe tăng M60 và các biến thể. Chúng đã lỗi thời và cần được thay thế. Theo lời chuyên gia A. Kotz, ưu điểm của xe tăng T-90 là nhỏ gọn, trọng lượng nhẹ và sử dụng động cơ diesel phù hợp cơ động trên địa hình trống trải như sa mạc. Động cơ diesel cũng ưu việt hơn động cơ turbin khí trang bị trên xe tăng Abrams trên sa mạc ở việc nó ít hỏng hóc hơn khi cát lọt vào trong động cơ. Hơn nữa giá thành của mỗi chiếc T-90S chỉ khoảng 5 triệu USD, so với mức giá 8 triệu USD của xe tăng Abrams.
Không chỉ các phương tiện chiến đấu trên bộ, chi phí sử dụng các dòng máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga hoàn toàn vượt trội so với máy bay F-15E và F-15C có nguồn gốc Mỹ của Saudi Arabia.
Đó là những lợi thế đáng kể của vũ khí Nga đáng để giới chức Saudi Arabia chú ý.
TUẤN SƠN