Theo RIA Novosi, ngày nay, Nga có tiềm năng hạt nhân hùng mạnh. Theo các nguồn tin nước ngoài, hiện có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Nga (8000 đầu đạn hạt nhân), Mỹ (7300), Anh (225), Pháp (300), Trung Quốc (250), Pakistan (100-120), Ấn Độ (90-110), Israel (80) và Triều Tiên (8). Ngoài ra, loại vũ khí hạt nhân thích hợp cho việc sử dụng ngay lập tức thì chỉ có 4 nước sở hữu, đó là Nga (1600), Mỹ (1920), Vương quốc Anh (160) và Pháp (290). Kho vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Nga vượt xa Mỹ, Tướng John Hiten, người đứng đầu Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) cho biết: Cả thế giới thừa nhận rằng, các vấn đề toàn cầu về an ninh hạt nhân không thể giải quyết nếu không có Nga.
Hình mẫu quả bom nguyên tử của Liên Xô RDS-1.
Các nhà vật lý Liên Xô đã mất gần 40 năm mới có thể tiến hành cuộc thử nghiệm tại bãi thử Semipalatinsk vào năm 1949. Tháng 12-1910, lần đầu tiên tại Nga trong cuộc họp của Viện Hàn lâm Khoa học, nhà khoa học Vladimir Vernadsky đã nói về các nguồn năng lượng nguyên tử gây ra hiện tượng phóng xạ. Dù vấp phải những khó khăn khách quan của chính quyền Xô Viết những năm đầu tiên, ông đã thành lập Viện Radium (RIAN) vào năm 1922. Sáu năm sau, nhà vật lí của Viện RIAN Georgy Gamow đã tạo ra lý thuyết hạt nhân đầu tiên của sự phân rã alpha. Vào những năm 1930, lĩnh vực vật lý hạt nhân đã trở thành một trong những hướng phát triển chính của ngành khoa học vật lý Nga. Nhóm nghiên cứu về hạt nhân của hai nhà vật lý Abram Ioffe và Igor Kurchatov cũng bắt đầu được triển khai hoạt động trong khoảng thời gian này.
Năm 1940, tại Hội nghị vật lý hạt nhân nguyên tử toàn Liên bang, nhà vật lý Igor Kurchatov cho biết, các nhà vật lý Liên Xô đang tiến đến khả năng thực hiện được phản ứng hạt nhân dây chuyền. Và ông đã phân tích các khả năng của phản ứng dây chuyền đối với neutron sinh ra từ sự phân hạch urani 238 (nguyên tắc chính gây nổ của bom nguyên tử).
Hình ảnh buổi thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô ngày 29-8-1949. Nguồn ảnh: RIA Novosti
Được thành lập vào mùa hè năm 1940, Ủy ban Urani thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã phải sắp xếp các nghiên cứu về năng lượng hạt nhân theo một số lĩnh vực ứng dụng. Và đến năm 1942, Đại học Kazan bắt đầu điều hành Phòng thí nghiệm bí mật số 2 dưới sự lãnh đạo của nhà khoa học vật lý hạt nhân Igor Kurchatov. Tháng 2 -1943 Ủy ban Quốc phòng Nhà nước quyết định ra Nghị quyết về việc bắt đầu nghiên cứu hạt nhân ứng dụng.
Nhà máy tích hợp số 817 (nay là Hiệp hội Sản xuất Mayak) và lò phản ứng sản xuất plutonium thương mại đầu tiên đã được xây dựng để sản xuất đầu đạn hạt nhân tại thành phố Chelyabinsk-40 tại miền nam Ural. Trong vòng 1 năm đã nhận được số lượng plutonium cần thiết cho việc chế tạo quả bom đầu tiên.
Các tài liệu tình báo về dự án plutonium của Mỹ đã giúp Liên Xô tránh được những sai lầm và rút ngắn thời gian cho việc tạo ra vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình. Nhưng sau này, nhiều giải pháp kỹ thuật của các đồng nghiệp Mỹ đã bị các nhà khoa học Xô Viết từ chối và đề xuất các giải pháp kỹ thuật hiệu quả hơn. Khi đánh giá mức độ ảnh hưởng của nước ngoài đối với dự án hạt nhân của Liên Xô, cần nhớ đến hàng trăm chuyên gia hạt nhân của Đức, những người làm việc tại hai cơ sở bí mật ở thủ đô Abkhazia. Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Nga Zhores Alferov nhấn mạnh: " Không có cuộc trinh sát nào có thể mang lại chúng ta vũ khí nguyên tử và giải quyết vấn đề nguyên tử, vũ khí nguyên tử đã được chế tạo ra ở Liên Xô bởi vì từ những năm 1920-1930 chúng tôi đã có trường vật lý”.
Quả bom nguyên tử đầu tiên RDS-1 được tạo ra dành cho máy bay Tu-4, có trọng lượng 4,7 tấn, đường kính 1,5 m và chiều dài 3,3 m. Các nhà khoa học đã thử nghiệm RDS-1 cách phía tây Semipalatinsk khoảng 170 km. Khu vực thí nghiệm có đường kính 10 km được chia thành các khu vực, được trang bị các cơ sở đặc biệt để giám sát và ghi lại các thông số của vụ nổ. Bom số 1 đã được lắp đặt trên một tháp cao 37,5 m ở trung tâm khu vực thử nghiệm. Trưởng nhóm kiểm tra Igor Kurchatov đã ra lệnh thử RDS-1 lúc 7 giờ (giờ địa phương) ngày 29-8-1949. Hai mươi phút sau vụ nổ, trinh sát xác định rằng, tất cả các tòa nhà trong tâm chấn đều bị phá hủy.
Vì vậy, Liên Xô đã trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. Cuộc thử nghiệm bom hạt nhân ở Semipalatinsk vào ngày 29-8-1949 đã giáng một đòn nặng vào các kế hoạch hạt nhân của Mỹ và thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.
THÙY LINH (lược dịch)