Thực tế, các dòng vũ khí quân sự từ những chiếc xe tăng to lớn hay chỉ là một khẩu súng lục nhỏ đều có tên mã kỹ thuật riêng sử dụng chữ cái hoặc chữ số la tinh. Ngoài ra, để dễ nhớ trong sử dụng hằng ngày, Quân đội Nga đều đặt những biệt danh “dễ thương” chính thức hoặc không chính thức cho chúng.

leftcenterrightdel
Do tên mã kỹ thuật thường rất dài và khó nhớ, việc đặt biệt danh cho các dòng vũ khí là cách dễ dàng nhất để đề cập tới chúng, nhất là trong giao tiếp. Ảnh: Máy bay Tu-160 Blackjack.

Cách đặt biệt danh đối với các dòng vũ khí Nga thường dựa trên những loài động thực vật, hiện tượng thiên nhiên xung quanh. Ví dụ cụ thể nhất cho việc đặt biệt danh này là việc các dòng pháo, cối của Liên Xô và Nga thường được lấy theo tên các loài hoa. Cụ thể, tổ hợp pháo Vasilyok (Bồ công anh), Gvozdika (Cẩm chướng), Akatsiya (Keo châu Phi), Pion (Mẫu đơn) Và Tyulpan (hoa Tulip). Biệt danh của các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt lại là các thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá khủng khiếp như: Grad (Mưa đá), Uragan (Bão nhiệt đới), Smerch (Lốc xoáy) và Tornado (Giông bão). Vũ khí phòng không mang biệt danh là tên các dòng sông tại Liên Xô và Nga: Shilka, Tunguska, Dvina, Neva, Pechora và Angara.

Trong khi đó, các dòng pháo tự hành cũng có biệt danh, nhưng không rõ ý nghĩa của chúng như: Tổ hợp pháo Msta, Khosta và Karma.

Ngoài việc đặt biệt danh dựa trên hiện tượng thiên nhiên và tên các loài động thực vật, nhiều loại vũ khí của Liên Xô và Nga mang biệt danh dựa trên đặc điểm chiến đấu của chúng. Cụ thể, tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36M2 mang biệt danh Voevoda – Thần chiến tranh, con NATO đặt tên nó là Satan – vị thần quỷ dữ cai quản địa ngục trong Kinh thánh. Việc đặt biệt danh này dựa trên khả năng tàn phá khủng khiếp của ICBM R-36M2 với các đầu đạt hạt nhân có sức công phá tới 10 Megatone.

“Dòng ICBM Voevoda có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân với sức công phá tới 1 Megatone mỗi đầu đạn tới lãnh thổ đối phương và gây ra hậu quả tàn phá khủng khiếp”, chuyên gia quân sự Nga, Andrey Kots đánh giá.

Liên quan tới việc đặt biệt danh dựa trên đặc điểm kỹ-chiến thuật của vũ khí, dòng trực thăng tấn công Mi-28N Night Hunter – Thợ săn đêm cũng là một điển hình rõ ràng, khi biệt danh của nó liên quan tới khả năng tác chiến ban đêm của phương tiện. Ngư lôi VA-111 có biệt danh Skvall nhờ đạt kỷ lục về tốc độ cao đối với các dòng vũ khí di chuyển dưới nước.

Cách đặt biệt danh đa phần các dòng vũ khí Liên Xô và Nga còn dựa trên ngôn từ thuận tiện trong giao tiếp của binh sĩ.

Theo hướng này, rất khó có thể hiểu tại sao nguyên mẫu súng phóng lựu tự động TKB-0134 lại mang biệt danh là Kozlik, súng phun lửa hạng nặng TOS-1 - Buratino (Pinocchio) hay khinh hạm lớp Gepard – báo đốm.

leftcenterrightdel
Tổ hợp súng phun lửa hạng nặng TOS-1 với biệt danh chú bé người gỗ Buratino.

“Với nhiều loại đạn dược, chúng ta có thể thấy cách đặt tên mang nhiều tính văn thơ để dễ dàng khi đề cập tới chúng như: Đạn rocket 122mm 9M22K có biệt danh Ukrasheniye - Vật trang trí; đạn rocket 240mm MS-24  mang biệt danh Laska- Chim sẻ…”, chuyên gia A. Kots cho biết.

Cách đặt tên này cũng được áp dụng với nhiều phương tiện chiến đấu khác như: Trạm ra-đa phòng không Phantasmagoria; pháo phòng không 30mm Balerinka và bom hạt nhân chiến thuật Natasha…

Khác biệt với cách đặt biệt danh của Quân đội Liên Xô và Nga, NATO lại dựa trên những nguyên tắc khác để đặt tên vũ khí nguồn gốc Liên Xô và Nga. Theo đó, NATO thường dựa trên tính năng của vũ khí Liên Xô, Nga có tính năng tương đương với với vũ khí cùng loại để sử dụng chữ cái đầu tiên đặt biệt danh cho chúng. Nguyên tắc này được áp dụng rõ ràng nhất đối với các dòng vũ khí hàng không quân sự.

leftcenterrightdel
Trực thăng tấn công Mi-28N được NATO đặt biệt danh Havoc - Sự phá hủy vì khả năng tác chiến của nó tương tự như trực thăng AH-64D.

“Biệt danh của các dòng máy bay tiêm kích được bắt đầu bằng chữ cái F – Fighter, giống như cách đặt tên các loại máy bay tiêm kích của Mỹ (F-15, F-16, F-18). Cụ thể, máy bay Su-27 có biệt danh Flanker, Mig-31 Foxhound, Su-34 Fullback”, chuyên gia A. Kots đánh giá. Cách đặt biệt danh này cũng được áp dụng với các dòng máy bay ném bom: Tu-95 Bear, Tu-22 Blinder, Tu-22M Backfire và Tu-160 Blackjack; máy bay vận tải quân sự IL-76 Candid, An-124 Condor và An-12 Cub; máy bay trực thăng quân sự Mi-24 Hind, Mi-28 Havoc và Mi-26 Hoodlum.

“Tuy nhiên, một vài trường hợp, NATO cũng không tuân theo các nguyên tắc định sẵn. Máy bay cường kích hỗ trợ hỏa lực mặt đất Su-25 lại mang biệt danh Frogfoot, tương tự các dòng máy bay tiêm kích”, ông A. Kots nói.

Ngoài ra, các dòng máy bay khác của Liên Xô và Nga được mang biệt danh bắt đầu bằng chữ cái M – Miscellaneous (hỗn hợp). Cụ thể, máy bay huấn luyện Yak-130 Mitten, máy bay AWACS A-50 Mainstay và máy bay tiếp liệu trên không IL-78 Midas.

TUẤN SƠN (tổng hợp)